THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:20

NSND Kim Cương lần đầu tiết lộ chuyện tình yêu trong hồi ký

 

NSND Kim Cương sẽ trải lòng về chuyện tình yêu trong quyển hồi ký sắp phát hành - Ảnh: Thiên Hương.


Trước nay, trong các cuộc phỏng vấn, NSND Kim Cương hiếm khi đề cập đến chuyện tình cảm. Bao nhiêu khổ đau, sướng vui trong nghề, bà đều có thể dốc hết ruột gan ra để nói nhưng chuyện tình cảm thì... không. 

"Mấy chục năm nay, tôi hiếm khi chia sẻ chuyện tình yêu vì hầu như tôi đã dành cả đời cho sân khấu, phải giữ cái gì đó cho riêng mình chứ. Nhất là khi chuyện tình cảm lại là chuyện thiêng liêng của mỗi người, không phải cái để mang ra khoe", bà bảo.

Tuy nhiên, trong cuộc trò chuyện cùng PV, NSND Kim Cương tiết lộ sắp tới đây bà sẽ ra mắt một quyển hồi ký trong đó trút hết tâm sự về chuyện tình cảm để khán giả hiểu rõ hơn về sự đánh đổi của một nghệ sĩ nổi tiếng, rằng "cái giá của danh vọng không hề rẻ".

 Không muốn để lại hình ảnh bà già lụm khụm...

* Vì sao ngày trước bà quyết định rời xa sân khấu giữa lúc đang ở đỉnh cao sự nghiệp?

- NSND Kim Cương: Cách đây 20 năm, khi tôi quyết định giã từ sân khấu giữa lúc đoàn Kim Cương đang ăn khách nhất, nhiều người cũng thắc mắc như vậy. Tôi chỉ thưa rằng, trước tiên, mọi chuyện trên thế gian đều phải có điểm dừng, nhất là nghệ sĩ, phải khôn ngoan để chọn cho mình điểm dừng thích hợp. Tôi muốn giữ hình ảnh đẹp nhất của mình trên sân khấu. Đó là cô Bê bán hột vịt lộn, cô Diệu trong Lá sầu riêng chứ không phải hình ảnh một bà già lụm khụm hát không nổi nữa.

Thứ hai là ở những độ tuổi khác nhau, người ta lại có những mục tiêu khác nhau. Khi còn trẻ, tôi đã bôn ba lo cho sân khấu nhưng đến tuổi này, tôi muốn tập trung nghiền ngẫm cuộc sống, tìm đến những mảnh đời bất hạnh. Cái nào cũng có cái hạnh phúc của nó.

* Tuy nhiên, sự hụt hẫng là điều khó tránh khỏi, nhất là với một người đã gắn bó với sân khấu gần 40 năm như bà?

- Đúng vậy, xa sân khấu là sự hụt hẫng ghê gớm lắm, nhất là tôi. Càng gắn bó bao nhiêu, càng hụt hẫng bấy nhiêu. Tôi từng nói với mọi người, Kim Cương mà mang ra khỏi sân khấu giống như cá vớt ra khỏi nước. Mà thật sự, xưa tôi đứng trên sân khấu oai lắm, tung hoành ngang dọc. Dù bây giờ không còn đi diễn nữa nhưng trong tiềm thức của mình, mình vẫn là người của khán giả, người của sân khấu.

* Có bao giờ bà hối hận vì quyết định của mình?

- Tôi thấy mình may mắn ở hai chuyện. Thứ nhất là tôi hiểu được Phật pháp và biết rằng đời vô thường, cái gì rồi cũng qua thôi nên không nuối tiếc. Còn tâm lý nghệ sĩ, lúc nào cũng nghĩ mình là ngôi sao, một người khác ngang hàng với mình là đã thấy chịu không nổi rồi chứ nói chi là bỏ lại mọi vinh quang sau lưng. Tôi thì thấy chuyện đó bình thường, tre già thì măng mọc thôi. Mỗi thời điểm có một không khí khác nhau, thành ra tôi chưa bao giờ ganh tị với các em mà còn mừng cho các em.

 

NSND Kim Cương, NSND Bảy Nam trong vở Lá sầu riêng - Ảnh: T.L. 


 Nghệ thuật là người tình cả ghen

* So với thời trước, hai tiếng nghệ sĩ ngày nay đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều...

- Các em bây giờ sướng hơn chúng tôi lúc trước nhiều lắm. Ngày xưa, như tôi là học má, học người này, người kia. Giờ các em có trường lớp, có đầy đủ phương tiện học hành. Không biết các bạn còn nhớ không, ngày trước đi xem hát, micro treo trên cao như giàn mướp, diễn viên đi tới đâu phải kéo theo tới đó. Giờ sân khấu đầy đủ hơn về vật chất. Tuy nhiên, về tinh thần thì chưa chắc.

Xưa chúng tôi mê nghề, mê sân khấu lắm. Có mê thì mới sướng, cũng giống như tình yêu, có yêu thiệt nhiều thì mới thấy hạnh phúc. Ai mê nghề, chết sống với nghề thì đứng trên sân khấu mới thấy hạnh phúc thật sự. Có những em chỉ hát lấy tiếng, cát sê cao thì chỉ sướng khi lãnh tiền thôi còn hạnh phúc thật sự của người nghệ sĩ thì không có. 

* Là người đi trước, bà muốn nhắn nhủ gì với thế hệ sau?

- Tôi có viết một cuốn hồi ký, chuẩn bị phát hành. Trong hồi ký, tôi cắt nghĩa, lao động nghệ thuật nghĩa là lao động tâm hồn. Mình phải mang tâm hồn của mình ra thì mới mong chiếm được tâm hồn của khán giả. Bởi vì khán giả đến xem hát với những trạng thái cảm xúc khác nhau, người vừa lãnh lương, kẻ lại thất tình... Phải làm sao để khi họ đến sân khấu, phải khóc cười theo nghệ sĩ. Để làm được điều đó thì mình phải diễn bằng cả cái hồn của mình. Vì thế tôi mong các em sau này, xem hồi ký và hiểu được, một phần thôi, cái thiêng liêng của hai chữ nghệ sĩ.

Thời của tôi cực khổ vậy chứ còn sướng hơn thời của má (NSND Bảy Nam - PV), bà Năm Phỉ, bà Phùng Há... Ngày trước, muốn vào đoàn hát, việc đầu tiên là phải theo giặt đồ, giữ con cho người ta rồi từ từ mới được dạy nghề. Những người đi trước đạp lên chông gai, đau khổ để dọn đường cho những người đi sau. Các em bây giờ đi trên con đường đầy hoa thơm, cỏ lạ, được phong là nghệ sĩ, danh hiệu này, danh hiệu nọ mà không giữ được tư cách, làm tròn bổn phận là có lỗi với nhiều người lắm.

* Nói rất thẳng, rất thật về chuyện đời, chuyện nghề nhưng hiếm khi nghe bà đề cập đến chuyện tình cảm. Liệu rằng qua cuốn hồi ký này, người đọc có biết thêm những góc khuất - không phải sau bức màn nhung - mà là trong trái tim của bà không?

- Mấy chục năm nay, tôi hiếm khi chia sẻ chuyện tình yêu vì hầu như tôi đã dành cả đời cho sân khấu, phải giữ cái gì đó cho riêng mình chứ. Nhất là khi chuyện tình cảm lại là chuyện thiêng liêng của mỗi người, không phải cái để mang ra khoe.

Tuy nhiên, trong cuốn hồi ký, tôi quyết định trải lòng vì cuối đời rồi, bao nhiêu tình cảm của cuộc đời, của khán giả, tôi đền ơn lại bằng cách trải lòng hết những vui buồn, sướng khổ trong tình yêu của mình để các nghệ sĩ trẻ thấy được cái giá của danh vọng không hề rẻ.

Sau tấm mề đay, biểu trưng của danh vọng, là những gian nan, vất vả mà đôi khi nghệ sĩ phải đánh đổi cả cuộc đời. Bản thân tôi phải đến 35 tuổi mới lấy chồng được. Nghệ thuật là một người tình cả ghen, nó không chịu chia sớt mình cho ai hết. Theo nghệ thuật mà lo buôn bán, lo tình yêu, thì cũng sẽ không trọn vẹn được. Mình phải đốt cháy hết mình.

 

NSND Kim Cương trả lời phỏng vấn - Ảnh: Anh Tuấn.


 Nhiều lần bị gạt vì làm từ thiện

* Những năm sau này, bà gắn bó nhiều với công việc từ thiện. Có phải đây là công việc mà bà quyết tâm gắn bó khi không còn đứng trên sân khấu nữa?

- Có nhiều người khen tôi làm từ thiện nhiều nhưng đôi khi tôi thật sự mắc cỡ vì không ít người làm từ thiện nhiều hơn tôi gấp ngàn lần mà họ không phải nghệ sĩ nên âm thầm làm, không ai biết cũng không ai đăng báo.

Tôi đi làm từ thiện, học được rất nhiều bài học ở đời. Có người 10 năm trời sáng nào cũng bưng cả nồi cháo vào bệnh viện phát cháo cho người bệnh, đâu cần ai biết, ai đăng báo đâu. từ thiện không phải cầm tiền cho là từ thiện. Dẫn một người mù qua đường cũng là từ thiện, biết xót xa những đau khổ của người khác cũng là từ thiện.

* Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, một người gắn bó với những công việc thiện nguyện như bà, có khi nào gặp rắc rối vì chính tấm lòng từ thiện của mình không?

- Một ngày tôi nhận được không biết bao nhiêu tin nhắn, điện thoại... của người thất tình, đòi tự tử... Lo cho người khổ đã cực, mà đối đầu với những tiêu cực này còn mệt hơn. Trong đời tôi bị gạt không biết bao nhiêu lần, gạt tiền, gạt đủ thứ, thậm chí còn có người từng dám gạt tôi rằng con chết, xin tiền tôi để mua hòm nữa. Nguyên tắc của tôi giờ ai ốm đau, cho tôi số phòng, số giường, tôi đến tận nơi giúp, thường là những trường hợp như vậy họ "lặn" luôn.

Thời trẻ, có lần tôi thất tình, muốn tự tử nhưng sợ mang tội vì mình Phật tử mà, tự tử thì tội nặng hơn người thường. Thành ra tôi lên chùa, nhờ sư thầy làm lễ sám hối, xin lỗi Phật trước rồi... chết sau. Thầy cười, cắt nghĩa cho tôi hiểu. Từ đó tôi quy y. Thầy cho tôi pháp danh Từ Huệ trong đó Từ là từ thiện còn Huệ là trí tuệ. Thầy muốn tôi làm từ thiện nhưng vẫn có trí tuệ. Mình giúp ai thì giúp, nhưng đừng để họ lợi dụng vì như vậy, vô hình chung mình giúp cho cái xấu. 

Cách đây mấy chục năm, có một người phụ nữ khóc với tôi rằng chồng mới tử trận ngoài miền Trung, xin cái hòm để chôn chồng. Tôi gọi điện thoại cho chỗ quen, đặt cái hòm tươm tất cho người này. Tuần sau khi xuống trả tiền, người ta nói cho tôi biết người phụ nữ này đã bán lại chiếc hòm với giá phân nửa để lấy tiền bỏ đi.

 

NSND Kim Cương nhiều năm liền gắn bó với các hoạt động từ thiện - Ảnh: Thiên Hương.


* Được phong tặng danh hiệu NSND, bà cảm thấy danh hiệu này đã nói lên hết những gì mình đã cống hiến cho nghệ thuật và cuộc đời chưa?

- Rất ngạc nhiên và xúc động vì tôi "nghỉ hưu" nhiều năm rồi mà mọi người còn nhớ và trao tặng danh hiệu này. Đó cũng là điều hãnh diện. Việc nhận danh hiệu NSND nhắc tôi nhớ rằng tôi phải mang ơn cuộc đời nhiều hơn. Nợ khán giả, nợ những anh em đoàn Kim Cương, những anh em công nhân hậu đài... 

* Tuy nhiên, chuyện xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND hiện nay vẫn gây nhiều tranh cãi. Bà có muốn góp thêm tiếng nói về việc này? 

- Chuyện NSND, NSƯT tôi lên tiếng nhiều rồi. Cá nhân tôi không cần gì, chỉ mong nhà nước xem xét lại chuyện phong tặng danh hiệu cho nghệ sĩ. Đối với nghệ sĩ, như chị Út Bạch Lan hay anh Thành Được ngày xưa làm gì có điều kiện để đi thi trong khi điều kiện để xét tặng danh hiệu là phải đi thi có Huy chương vàng và phải có 2 huy chương mới được xét NSND. Thà là xét những cống hiến, tư cách đạo đức... chứ không thể đánh giá những hy sinh của anh em nghệ sĩ, những người đã cống hiến trọn cuộc đời, máu xương, nước mắt... bằng những huy chương đó được. Đối với nghệ sĩ, huy chương chính là khán giả. 

Xin cảm ơn NSND Kim Cương!


“Mấy chục năm nay, tôi hiếm khi chia sẻ chuyện tình yêu vì hầu như tôi đã dành cả đời cho sân khấu, phải giữ cái gì đó cho riêng mình chứ. Nhất là khi chuyện tình cảm lại là chuyện thiêng liêng của mỗi người, không phải cái để mang ra khoe”…

NSND Kim Cương

Theo THIÊN HƯƠNG / thanhnien.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh