CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:20

Nộp tiền để thoát 'án tử': Cơ hội 'sống' cho tội phạm tham nhũng!

-

Sẽ thu được tài sản tham nhũng của “tử tù”?

Tại Khoản 3, Điều 38 quy định về tử hình, dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) quy định: Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc trường hợp: “Người bị kết án không thuộc đối tượng quy định tại điểm a và b khoản này nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.

Xét xử vụ án tham nhũng ở ALC II, thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam

 Về chế định này, nhiều ý chuyên gia pháp lý e ngại sẽ tạo ra sự mất công bằng giữa những người nghèo và giàu có. Như vậy, cứ có tiền là bảo toàn được mạng sống, vậy việc xây dựng pháp luật như vậy có thực sự công bằng, đúng đắn?

Với tư cách thuộc cơ quan chủ trì, chắp bút dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), ông Nguyễn Văn Dũng cho rằng, tất cả các băn khoăn, đóng góp của người dân rất được Ban soạn thảo cân nhắc, tiếp thu để chỉnh sửa dự thảo cho phù hợp với thực tế.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng “chúng ta đặt quy định này trong một xu thế chung là cải cách tư pháp. Trong Nghị quyết 49 thể hiện rõ xu hướng giảm án tử hình, giảm hình phạt tù, nghĩa là theo xu hướng giảm nhẹ. Cùng với đó, qua 14 năm tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự, qua báo cáo của các cơ quan chức năng thì thấy rằng, đối với loại án phạm tội tham nhũng, thì tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp. Tỷ lệ này chỉ hơn 10%".

Ông Dũng cho rằng, bài toán đặt ra là, nếu như trong trường hợp mà chúng ta cứ thi hành như hiện nay, nghĩa là người bị kết án tử hình cứ vẫn bị tử hình, đồng thời họ có thể phải chấp hành khắc phục thiệt hại do họ gây ra thì nếu bị tử hình, họ sẽ không khắc phục được đồng nào. "Như vậy Nhà nước vừa phải thực hiện việc tử hình, đồng thời không thu hồi được số tiền mà người chịu án đã tham ô, tham nhũng”.

Ông Dũng cho rằng, trước thực tế này và qua nghiên cứu kinh nghiệm của thế giới, đặc biệt là của Trung Quốc về chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự của Trung Quốc đã áp dụng vấn đề này. “Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng bài học chống tham nhũng của Trung Quốc, chúng ta có thể nghiên cứu và học tập. Chúng tôi cũng mạnh dạn đưa vào dự thảo Luật là trong trường hợp người bị kết án tử hình tự nguyện giao nộp cho Nhà nước 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có  thì có thể cân nhắc để giảm xuống tù chung thân. Quy định này có tính chất mới nhưng cũng là quy định giúp Nhà nước thu được khoản tiền nhất định do tham nhũng mà có”.

Theo ông Dũng, “thời gian qua dư luận và báo chí cũng cho rằng, những người có tiền có thể nộp vào là thoát án tử hình, thực ra quan điểm đó cũng có lý, nhưng nếu chúng ta đặt trước một tình huống cần phải thu lại khoản tiền do tham nhũng mà có, thì chúng tôi cũng muốn có sự chia sẻ. Chúng tôi không đặt vấn đề người có tiền thì thoát án tử, không có tiền thì không thoát án”.

Tội phạm ma túy không có "cửa" thoát án tử

Trước vấn đề nhiều người cũng băn khoăn, nếu áp dụng quy định này, thì người bị án ma túy có thể nộp tiền để thoát án tử hay không, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, các loại án đó đã được loại ra “không có chuyện án ma túy mà người bị tử hình nộp tiền mà được giảm án”.

Ông Dũng cũng thẳng thắn, trong quá trình lấy ý kiến nhân dân, nếu quan điểm của dân cho rằng quy định này không phù hợp thì Ban soạn thảo cũng rất lắng nghe, để xây dựng Bộ Luật Hình sự sao cho phù hợp nhất.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự- Hành chính

Về hình phạt chung thân không giảm án, ông Dũng cho rằng, đối với một số trường hợp đang có xu hướng phạt tử hình thì nên có án “chung thân không giảm án” coi như là bước đệm. “Nếu nhìn lại hệ thống hình phạt từ các loại án đến chung thân rồi tử hình, nếu giờ đưa án chung thân- chung thân không giảm án- tử hình thì có lẽ không ổn. Chúng tôi đang làm nghiên cứu đưa ra các phương án để trình ban soạn thảo, báo cáo Chính phủ”.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, nếu chúng ta đưa hình phạt chung thân không giảm án đứng sau hình phạt chung thân và đứng trước hình phạt tử hình, thì rất khó phân biệt 3 loại hình phạt này. Hiện nay các chuyên gia đang nghiên cứu và đề xuất phương án nếu chung thân không giảm án thì không quy định thành hình phạt độc lập, nhưng sẽ quy định trường hợp tù chung thân được giảm xuống tù có thời hạ thì loại bớt một số loại tù chung thân không được giảm án. “Đây đang là phương án tối ưu, và cũng đang xây dựng thêm các phương án khác”.

Đưa trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào BLHS: Không vi hiến

Việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nhiều ý kiến cho rằng, bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào Bộ luật Hình sự là quy định mang tính chất vi hiến. Vì theo các chuyên gia cho rằng, theo quy định của Điều 31 Hiến pháp quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật.; Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai; Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm; Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.;  Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật”.

Điều 33 cũng quy định “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.

Theo ông Dũng “những băn khoăn của các chuyên gia đều được chúng tôi đặt lên bàn cân và nghiên cứu rất thận trọng. Tôi khẳng định quanh việc đưa trách nhiệm hình sự pháp nhân vào Bộ luật Hình sự không có gì trái với Hiến pháp vì từ “người” mang tính chất chủ thể chung, chứ không phải cá nhân cụ thể. Ví dụ trong Hiến pháp quy định “mọi người đều có nghĩa vụ nộp thuế, nếu chúng ta hiểu như vậy chỉ có cá nhân nộp thuế chứ pháp nhân không phải nộp thuế? Chúng tôi đã trao đổi lại với các chuyên gia và cũng không có vấn đề gì cả”./.

Theo VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh