THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:38

Nông sản quê bán tràn lan trên mạng

 

Tạo khan hiếm để lấy lòng tin khách hàng

Tâm lý lo ngại sản phẩm nông sản nhiễm hóa chất độc hại, trong khi hệ thống phân phối nông sản sạch còn manh mún, chưa đáp ứng đủ nhu cầu đã tạo điều kiện cho hàng loạt gian hàng nông sản sạch trên các diễn đàn, mạng xã hội đắt khách. Gõ những từ khóa: Thực phẩm quê; nông sản sạch; đặc sản các vùng miền; mua rau sạch; thực phẩm hữu cơ,... hiện lên rất nhiều kết quả liên quan. Tuy nhiên, không phải người bán hàng nào cũng cung cấp cho khách sản phẩm thật sự sạch như lời mời chào.

Các cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm có trang web, những mối buôn đều có trang facebook riêng tiếp thị các mặt hàng thực phẩm “quê”. Những mẩu quảng cáo bùi tai “Hàng siêu sạch, rau sạch, thịt sạch, của nhà tự trồng…” tràn ngập trên mạng xã hội. Trên một địa chỉ fanpage quảng cáo chuyên kinh doanh các loại thực phẩm quê giới thiệu: “Tiện gửi thùng hàng, mẹ gửi thêm 20 quả trứng gà ta (gà mẹ tớ nuôi hoàn toàn bằng ngô và thóc, không có tí cám công nghiệp nào) cho cháu nhưng nhà vẫn còn trứng. Mẹ nào có nhu cầu thì đặt gạch ngay và luôn, tớ để lại. Trứng gà ta siêu sạch, đảm bảo chất lượng, 45.000 đồng/chục”.

 

Hiện có rất nhiều website quảng cáo bán thực phẩm quê, sạch và an toàn.

Quảng cáo “bùi tai”, chúng tôi liên hệ với địa chỉ này đặt mua. Sau vài comment, chủ fanpage đồng ý bán 20 quả trứng gà quê siêu sạch duy nhất (theo lời giới thiêu). Tuy nhiên, khi dùng một số điện thoại khác gọi đến hỏi mua thì trang fanpage khẳng định vẫn còn 20 quả trứng gà quê đó.

Để tăng độ tin cậy cho khách hàng trên mạng ảo, người bán hàng thường quảng cáo đây là rau nhà trồng, cam lấy từ vườn của nhà họ hàng, hay thịt lợn thịt gà bố mẹ ở quê nuôi… Nhà nhà bán hàng đều giới thiệu là hàng quê, sạch, an toàn. Tuy nhiên, không phải địa chỉ bán hàng nào cũng đảm bảo chất lượng. Chị Nguyễn Minh Thùy (Đống Đa, Hà Nội) từng đặt mua 2kg cải mèo qua một địa chỉ bán thực phẩm quê trên facebook với giá 40.000 đồng/kg, cao gấp đôi giá rau cùng loại đnag bán tại chợ. Tuy nhiên, khi nhận hàng và chết biến cho cả nhà chị Thùy thấy rau chẳng khác gì hàng chợ! Thịt lợn quê 135.000 đồng/kg (chợ bán 100.000 đồng/kg) nhưng luộc lên vẫn sặc mùi cám cò.

Gom hàng chợ, gắn mác quê!

Theo bật mí của một người chuyên kinh doanh thực phẩm quê trên mạng xã hội: Hầu hết thực phẩm gắn mác “quê” và “siêu sạch” đều được mua tại các chợ đầu mối. Đã kinh doanh thì phải luôn tính toán. Cửa hàng cũng có nhập hàng quê 100% nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn hàng quê gửi lên. Nếu gửi nhiều một lúc bán không hết thì coi như lỗ vốn. Nhà nhà kinh doanh thực phẩm quê nên chỉ cần khách có nhu cầu là có hàng giao ngay nếu không khách sẽ tìm đến cửa hàng khác, mất khách. Vì thế, cũng có lúc khách gọi nhưng nhà hết hàng phải chạy ra chợ lấy tạm ít hàng mang đến kịp phục vụ khách. “Ví dụ như Tết vừa rồi, cửa hàng tôi chuyển sang kinh doanh các loại mứt handmade. Tôi cũng có làm mấy mẻ mứt (chủ yếu phục vụ chụp ảnh quảng cáo) bán trên mạng. Có những khách hàng đặt 10kg mang về quê biếu, mối buôn lấy 50kg,... có ngày khách đặt gần 100kg mứt không ai có thể làm xuể. Đành phải nhập từ mối buôn về chia nhỏ ra giao cho khách kiếm ít tiền lãi!”, chị Thu Hà, chủ một cửa hàng kinh doanh thực phẩm quê trên mạng chia sẻ.

 

 

Một khách hàng từng mua thực phẩm trên mạng bức xúc: “Nho Ninh Thuận tại chợ bán với giá 50.000 đồng/kg, tại siêu thị bán 70.000 đồng/kg trong khi tôi mua trên mạng với giá 100.000 đồng với niềm tin đảm bảo “sạch” như lời quảng cáo. Tuy nhiên, khi nhận hàng, nho bị dập, không có nhãn mác, kiểm định. Khi thắc mắc thì được chủ hàng giải thích: Chị yên tâm hàng gói lá chuối mới đúng hàng quê. Hoa quả đã kiểm định, nhãn mác, tem đầy đủ thì đã làm hàng nhà máy, không tin tưởng!”.

Thị trường nông sản sạch ở Việt Nam chưa có hệ thống sản xuất và phân phối đồng nhất. Giá nông sản sạch cũng khá cao nên kén người mua. Bản thân các nhà cung cấp nông sản sạch cũng gặp nhiều thách thức vì giá cao hơn thị trường 20 - 30%. Hơn nữa, những người kinh doanh sản phẩm nông sản sạch chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, chưa mạnh dạn đầu tư khâu đóng gói nên tình trạng hàng giả, nhái tràn lan. Xu hướng bán hàng quê qua mạng đang vô tình tạo ra một số đầu nậu mới. Họ ngang nhiên mua hàng trôi nổi rồi gắn mác hàng quê bán giá cao gấp đôi thị trường. Người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền cao hơn để mua thực phẩm an toàn nhưng nhiều người “mắc lừa” người bán. 

Vân Khánh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh