THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:51

Mùa lễ hội: Lại đau đầu với an toàn thực phẩm

Ghi nhận thực tế

Mặc dù trước Tết Nguyên đán, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATVSTP TP. Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện trên địa bàn có tổ chức lễ hội phải tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhưng qua một số lễ hội ở Hà Nội, tình trạng mất ATVSTP vẫn diễn ra.

Tại phủ Tây Hồ, phường Quảng An (quận Tây Hồ), hàng ăn hai bên đường được bố trí ngăn nắp, sạch sẽ, nhưng dịp lễ hội đầu xuân khi lượng khách đổ về đây luôn ở mức quá tải thì nơi đây gần như biến thành “bãi chiến trường” với vô số rác, giấy ăn xả trắng nền đất. Mặc dù UBND phường Quảng An đã yêu cầu các hộ kinh doanh thực hiện cam kết đảm bảo ATVSTP, nhiều hộ đã có tủ kính để bày thức ăn, nhưng khi khách đông thì bánh tôm, bún ốc bày lộ thiên ngay bên đường đi nườm nượp người qua lại. Ước tính, mỗi ngày phủ Tây Hồ đón trên một vạn lượt khách, nên tình trạng mất ATTP là điều khó tránh.

Với lễ hội chùa Hương càng đáng quan ngại. Thu hút hàng vạn du khách mỗi ngày, nguồn nước sạch cung ứng không đủ, không ai dám khẳng định thức ăn và cả bát đũa ở các quán ăn đảm bảo vệ sinh. Đó là chưa kể các hàng quán ở bến Trò, khoảng sân rộng dưới sân Thiên Trù bày la liệt các đồ ăn sẵn: Bánh mì, bánh đúc, bánh cuốn, bánh phở... không hề che đậy, rất dễ mất vệ sinh. Hầu như người bán hàng ăn ở đây không có khẩu trang, không dùng găng tay, mà trực tiếp bốc thức ăn chín bán cho khách. Người bán hàng vừa đếm tiền, lau bát xong, thậm chí, lau bàn, thái thịt bò sống, rồi lại bốc thịt, bún, phở vào bát cho khách. Nơi rửa bát đũa càng rất mất vệ sinh. Hàng trăm chiếc bát đĩa chỉ được rửa trong một chậu nước qua loa.

Dịch vụ ăn uống tại các tụ điểm lễ hội luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, tại thời điểm này có rất nhiều cơ sở bán thực phẩm nhỏ lẻ tại các lễ hội đền Sóc, Tây Thiên, Bà chúa kho...  chỉ mang tính chất “tự phát” nên nguồn gốc thực phẩm thường không đảm bảo chất lượng. Đó còn chưa kể, do địa hình các khu du lịch, lễ hội thường ở trên núi cao nên việc sử dụng nước sinh hoạt còn khó khăn, dẫn đến việc chế biến thức ăn cho khách hàng thường có tính chất qua loa, đại khái, không bảo đảm tiêu chí ATTP.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thừa nhận, mùa lễ hội 2016, nhu cầu sử dụng thực phẩm tại hàng ăn, quán cóc ven đường tăng cao, đây cũng là nguy cơ tiềm ẩn gây ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân chính là do ý thức, trách nhiệm bảo đảm ATVSTP của cộng đồng chưa cao, đặc biệt là việc chấp hành các quy định, hướng dẫn bảo đảm ATVSTP chưa nghiêm, chưa tự giác và còn gian dối trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; dễ dãi trong lựa chọn, chế biến và tiêu dùng thực phẩm.

Tăng cường kiểm soát ATVSTP

Để nâng cao công tác ATVSTP trong mùa lễ hội 2016, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức khẳng định: “Năm nay tại lễ hội chùa Hương, khâu ATVSTP được kiểm soát chặt. Cụ thể, không bố trí điểm kinh doanh trong các chùa, động, các đoạn đường hẹp hoặc khu vực không an toàn; yêu cầu 100% cửa hàng chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có tủ bảo quản thực phẩm hợp vệ sinh, không treo thịt tươi sống dọc đường, gây phản cảm. Các hộ kinh doanh hàng ăn, người bán hàng trực tiếp phải được cấp giấy chứng nhận bảo đảm sức khỏe, đủ điều kiện tham gia chế biến thực phẩm, đủ điều kiện vệ sinh ATVSTP mới được cấp giấy phép kinh doanh”.

Thực tế đáng lo ngại khi kết quả kiểm tra, xét nghiệm của Cục An toàn thực phẩm cho thấy, phần lớn thức ăn đường phố và thức ăn chế biến sẵn không đảm bảo yêu cầu vệ sinh. Nhiều loại thịt quay, xúc xích, lạp xường, jambong... bị nhiễm vi khuẩn; không ít nem chua, nem chạo, giò chả phát hiện có coliform; 59% các loại ô mai có dùng phẩm màu độc và đường hóa học ngoài danh mục cho phép. Đã vậy, dịch vụ ăn uống ở các lễ hội đều mang tính tạm bợ, khách lại quá đông, đặc biệt là thiếu nước sạch, điều kiện về bảo quản, chế biến thực phẩm không đảm bảo an toàn, cộng với môi trường ô nhiễm, ruồi chuột, càng gia tăng việc mất ATVSTP. Hầu hết những nhân viên bán hàng, người chế biến thức ăn lại thiếu kiến thức ATVSTP, càng góp phần làm tăng độ nhiễm khuẩn của thức ăn. Điều này cũng cho thấy rõ hơn nguy cơ gây bệnh cho người tiêu dùng.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, Cục An toàn thực phẩm đã và đang phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai quyết liệt, rộng khắp công tác thanh tra liên ngành về việc chấp hành các quy định về ATVSTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả, bánh, kẹo, rượu, cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, các cơ sở kinh doanh nước giải khát, nước đá, các cơ sở kinh doanh ăn uống, thức ăn đường phố phục vụ lễ hội. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công khai các vi phạm trên các phương tiện thông tin để cảnh báo cho cộng đồng.

THÀNH CÔNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh