THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:52

Nông sản ế, dân vẫn phải mua giá cao

 

Khâu trung gian có vấn đề?

Cầm trên tay 4 chùm hành khô, tỏi khô vừa mua được của một bác nông dân chở từ quê lên chợ Hà Nội bán, chị Nguyễn Thùy Dương, 175 Khương Thượng, (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Từ đầu mùa hành, hôm nào đi chợ tôi cũng nhòm trước ngó sau để tìm mua hành Việt Nam mà không có. Hôm nay mua được mấy chùm hành, tỏi về ăn dần, nhưng giá đắt quá, mỗi kg tỏi có giá 45.000 đồng, hành tím giá 40.000 đồng/kg”.

Chị Mai Thu Hương , ở Đền Lừ,(quận Hoàng Mai, Hà Nội) thắc mắc, khắp nơi đều than nông dân trồng hành đang méo mặt vì ế chất đống, thế nhưng tại các chợ ở Hà Nội thì hàng nội lại rất hiếm và giá quá cao.

Giá hành tây Trung Quốc bán tại các chợ từ 13.000-15.000 đồng/kg, hành khô (hành tím) 20.000-22.000 đồng/kg. Một vài hàng bán hành khô với giá đắt gấp đôi: 40.000 đồng/kg kèm lời giải thích “hành Việt Nam trồng”.

Người dân mua dưa hấu ủng hộ nông dân miền Trung

Người dân mua dưa hấu ủng hộ nông dân miền Trung

Tại các tỉnh phía Nam, chỉ riêng Sóc Trăng đã có khoảng 60.000 tấn hành đang trong tình trạng bán không ai mua, dù mức giá thấp kỷ lục: 5.000 đồng/kg. Tương tự, nông dân Quảng Ngãi cũng điêu đứng vì hàng trăm nghìn tấn dưa hấu thu hoạch không người mua.

Thậm chí, có những thời điểm dưa hấu thu hoạch bị thương lái ép giá 500-1.000 đồng/kg. Tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), hàng trăm chuyến xe chở dưa hấu xếp hàng dài chờ thông quan, không ít trong số đó buộc phải đổ bỏ vì hư hỏng do chờ quá lâu…

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hoa, phường Sài Đồng, (quận Long Biên, Hà Nội): “Ủng hộ chiến dịch mua dưa hấu giúp nông dân miền Trung, tôi ra chợ nhưng phải mua dưa hấu với giá 19.000 đồng/kg. Thắc mắc với chủ cửa hàng thì nhận được câu trả lời cụt lủn: Muốn ăn dưa rẻ vào miền Trung mà mua…”. 

Đừng để nông dân “tự bơi”

Tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), hành tây, hành tím la liệt nhưng đa số đều là hàng Trung Quốc. Đặt vấn đề tại sao không nhập hành tím từ Sóc Trăng, hành tây từ Đà Lạt, chủ cửa hàng tên V khẳng định: “Hành nội giá rẻ cũng không buôn bởi chỉ có theo mùa (vào đầu năm), giá không ổn định, lúc cao chót vót, lúc rẻ như cho không, trong khi chi phí vận chuyển lại tốn kém. Một xe hàng đánh từ Trung Quốc về hết khoảng 3 triệu đồng, trong khi vào Đà Lạt hay Sóc Trăng nhập hàng giá vận chuyển phải đội gấp 7-8 lần”.

Cũng theo chị V, hành tây Đà Lạt giá rẻ nhưng vận chuyển về hay bị dập nát, hao hụt nhiều. Trong khi đó, hành Trung Quốc sấy khô rất dễ bảo quản. Người dân mua về ăn lẻ thì mới thích hành nội chứ các nhà hàng, quán ăn vẫn thích hành Trung Quốc vì dễ chế biến, dễ bảo quản, giá ổn định…

Hành tím Sóc Trăng chất đầy đường, bán với giá 5.000 đồng/kgHành tím Sóc Trăng chất đầy đường, bán với giá 5.000 đồng/kg

“Tôi đã từng nhập hành nội về bán buôn, nhưng bị các mối gọi điện phàn nàn là khó bảo quản, tỷ lệ hư hỏng cao, có lần còn bị trả lại hàng. Đi buôn ai cũng phải kiếm lời nên tôi không thể mạo hiểm…”, chị Dương Thanh Bình, chủ đại lý hành khô, tỏi khô tại chợ Long Biên cho hay.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, ngoài chuyện quy hoạch trồng với diện tích bao nhiêu, việc quan trọng bây giờ là phải có công nghệ chế biến, xây dựng kho bảo quản, tìm thị trường, bỏ bớt khâu trung gian.

Khâu trung gian hiện quá nhiều dẫn đến thực trạng chỗ thì ế, chỗ lại khan hàng. Cần phải làm thương hiệu cho các mặt hàng này, bởi nhiều khi đi chợ, tiểu thương bảo bán hàng Việt mà dân không tin cứ nghĩ là hàng Trung Quốc nên không mua.

Phải có “nhạc trưởng chỉ huy” trong quá trình phân phối, tiêu thụ chứ không thể để nông dân “tự bơi”. “Việt Nam đang rất cần mở các chợ đầu mối chuyên bán các loại nông sản nội. Phải có bao bì, nhãn mác nhận diện. Có như thế người dân mới tin tưởng và không bị ám ảnh bởi câu chuyện hàng Tàu đột lốt hàng Việt”, ông Phú nói.

Khánh Vân

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh