Nông dân “trình diễn” sản phẩm tại chợ khoa học
- Công nghệ mới
- 21:54 - 05/10/2015
Ông Chu Văn Quỳnh (Bắc Giang) đem máy tẽ hạt ngô biểu diễn cho khách tham quan tại hội chợ. Chiếc máy rộng 30 cm, dài 50 cm, cao 60 cm, nặng khoảng 8 kg khi chưa có động cơ. Người sử dụng chỉ cần nhặt từng bắp ngô bỏ liên tiếp vào máy, bỏ càng nhanh năng suất càng cao. Máy điều chỉnh được cỡ bắp to hay nhỏ, tách sạch và không làm vỡ hạt, gẫy lõi ngô. Ngoài ra, phía trước còn có tấm lưới ngăn để hạt ngô không bị bắn ra xa. Chiếc máy đơn giản có giá trị từ 1,5 đến 2,2 triệu đồng.
Máy cấy lúa không dùng động cơ của nhà sáng chế Trần Đại Nghĩa (Thái Bình). Chiếc máy hoạt động đơn giản, nông dân chỉ cần một tay kéo cần lái, tay kia điều khiển giàn cấy. Giàn này hoạt động theo chiều lên xuống, máy cấy được 4 khóm mạ trong 1 giây với mật độ 40 khóm/m2, trung bình mỗi giờ cấy được một sào Bắc Bộ. Anh Nghĩa cho biết, chiếc máy không cần nhiên liệu, tiết kiệm cho nhà nông và thân thiện môi trường, có thể hoạt động ở mọi vùng miền, kể cả ruộng bậc thang.
Chiếc máy nông nghiệp đa năng 8 trong 1 của nông dân Tạ Đình Huy (Chương Mỹ, Hà Nội) với các chức năng: cày, bừa, phay, lên luống, bơm nước, làm cỏ, phun thuốc bảo vệ thực vật và rạch hàng để gieo hạt.
Chiếc máy cuốn rơm của anh Phan Tấn (Đồng Tháp) được nghiên cứu trong nhiều năm, dựa trên nền tảng của máy gặt đập liên hợp. Máy chạy bằng xích cao su nên hoạt động được ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và nhiều địa hình khác. Bộ phận cuộn rơm nằm ở phía trước giúp người lái dễ thao tác, điều chỉnh cuộn rơm to nhỏ theo nhu cầu. Rơm cuộn xong được đưa vào thùng chứa ở phía sau. Mỗi ngày, 2 nhân công vận hành máy có thể cuốn sạch rơm trên 4 ha ruộng.
Ông Phan Trung Đạt (Đồng Tháp) mang đến hội chợ chiếc máy đánh tơi rơm sau khi ủ. Máy được chế từ động cơ xe Honda lắp thêm răng xới, hoạt động trong một giờ có thể bằng lao động đánh tơi rơm thủ công trong một tháng.
Những sản phẩm tiện dụng cho nhà nông cũng được nông dân mang đến chợ khoa học. Chiếc kéo cắt tỉa do ông Lê Phước Lộc (Tiền Giang) sáng chế được làm bằng nhôm, lưỡi thép, thân dài từ 1,5 đến 3m, có vợt để hứng và kẹp trái. Kéo dùng để cắt tỉa những cành ở cao, loại bỏ trái cây còi cọc, kém chất, hái trái chín ở trên cao.
Mô hình thuyền du lịch chạy bằng năng lượng mặt trời - sản phẩm của 4 nhà nông Huỳnh Thiện Liêm, Huỳnh Văn Trăng, Thái Văn Hoàng, Nguyễn Văn Dũng (Đồng Tháp). Xứ này nhiều nắng, nhiều kênh rạch, ông Liêm có ý tưởng chế ra chiếc thuyền chạy bằng pin mặt trời, không dùng nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường. Mỗi người phụ trách một khâu kỹ thuật để làm nên chiếc thuyền. Thân thuyền dài 1,4 m, rộng 1,3 m, cao 40 cm, gồm 2 tấm pin năng lượng mặt trời, động cơ, hai bình ắc quy để nạp năng lượng. "Thuyền chạy với tốc độ 20 km/h. Hễ trời có nắng là thuyền sẽ chạy, không cần đợi nạp năng lượng. Khi tắt nắng, thuyền dùng năng lượng tích lũy trong bình ắc quy, thời gian lên tới 3 giờ", ông Liêm giải thích.
Không chỉ biết cải tiến phương tiện nông nghiệp, nông dân Việt còn tìm cách biến đổi nông sản, trái cây để bán với giá cao. Bưởi hồ lô có in hình bản đồ Việt Nam và hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của nông dân Võ Trung thành (Hậu Giang). Để sáng tạo được hình trên, ông Thành tự mày mò dùng khuôn ép có khắc sẵn bản đồ, hoặc chữ Tài, Lộc lên vỏ bưởi. Sản phẩm thường được bán vào dịp Tết nguyên đán.
Quýt hồng Lai Vung trái vụ của nông dân Lê Ngọc Bích (Đồng Tháp). Quýt hồng đúng vụ cho thu hoạch mỗi năm một lần vào dịp Tết nhưng quýt ông Bích cải tiến phương pháp trồng, làm cho quýt ra trái vụ, mỗi năm thu hoạch chính 2 lần, bán với giá dao động trên dưới 30.000 đồng/kg, có thể bán quanh năm. Ông cho biết, dù năng suất không cao hơn quýt đúng vụ nhưng ổn định, không bị tụt giá bất thường, người nông dân cũng không cần lo lắng về thời tiết, thị trường đội giá.