Nóng buôn lậu ở Quảng Ninh, Lạng Sơn: Ban chỉ đạo 389 quốc gia nói gì?
- Huyệt vị
- 19:14 - 23/01/2019
Cơ quan chức năng xử lý các tang vật buôn lậu.
Ngày 22/1, tại buổi Họp báo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (CBL, GLTM&HG) năm 2018, phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, nhiều nội dung nóng được báo chí chất vấn Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia CBL, GLTM&HG (BCĐ 389 quốc gia).
Đáng chú ý, vừa qua tình trạng buôn lậu diễn ra hết sức nóng bỏng tại địa bàn Quảng Ninh. Ngày 11/1, báo Tiền Phong có bài điều tra: “Hàng lậu tự do qua biên giới Quảng Ninh”. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng BCĐ 389 quốc gia đã yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) khẩn trương xác minh làm rõ nội dung phản ánh của báo; kiểm điểm, xác định trách nhiệm (nếu có) của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng trên; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1/2/2019.
Ngay sau đó, ngày 15/1, Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh BĐBP do Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP làm Trưởng đoàn, đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh. Tại buổi làm việc, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh đã công bố các quyết định của Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh về việc kỷ luật, giáng cấp, điều chuyển công tác đối với các cá nhân vi phạm.
Tại buổi họp báo chiều 22/1, báo chí đặt câu hỏi về trách nhiệm của Trưởng BCĐ 389 huyện Bình Liêu, cũng như Đồn phó Nguyễn Thế An (người trực tiếp trả lời báo Tiền Phong ban đầu khẳng định không có buôn lậu) ra sao trong vụ việc này? Theo Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh BĐBP, ngay sau khi nắm được thông tin báo Tiền Phong phản ánh, Bộ tư lệnh đã cử tổ công tác do Trung tướng Hoàng Xuân Chiến làm tổ trưởng xuống xác minh và bước đầu xử lý kỷ luật, giáng cấp một số cán bộ, chiến sĩ như báo chí đã đưa tin.
“Việc xem xét xử lý kỷ luật các cá nhân liên quan phải đúng quy trình, không thể ngày một ngày hai. Quan điểm của chúng tôi là sai đâu xử lý đến đó, không có vùng cấm. Khi có kết luận chính thức, báo chí có thể liên hệ với Bộ Tư lệnh BĐBP để lấy thông tin thêm”, ông Hiệp khẳng định.
Ngoài vụ việc trên, ngày 15/1, báo Lao Động có bài viết “Trắng trợn vượt biên trái phép, ngang nhiên cõng hàng lậu”. Theo nội dung bài báo, tại khu vực biên giới gần cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn (khu vực đồi Lọ Bon, đồi Keo, sau chùa Tân Thanh), hàng ngày có hàng trăm cửu vạn ngang nhiên cõng hàng lậu từ Trung Quốc về Việt Nam, ngay tại địa điểm nằm trong khu vực cánh gà cửa khẩu Tân Thanh, cách đồn Biên phòng Tân Thanh và Chi cục Hải quan chưa đầy 2km nhưng không có sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Theo Cục phó Nguyễn Văn Hiệp, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh BĐBP đã làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn, BCĐ 389 huyện Văn Lãng và xác định có tình trạng người dân biên giới lợi dụng chính sách để qua biên giới Trung Quốc mang vác các mặt hàng tiêu dùng về Việt Nam bán kiếm lời. “BCĐ 389 tỉnh Lạng Sơn xác định Trạm Biên phòng Tân Thanh làm việc chưa đến nơi đến chốn, có tình trạng buông lỏng địa bàn, để hàng lậu tuồn về. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm minh những cá nhân liên quan. Tuy nhiên, mọi việc vẫn phải theo quy trình, sau khi có kết luận cuối cùng sẽ thông tin tới báo chí”, Cục phó Nguyễn Văn Hiệp cho biết thêm.
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực BCĐ 389 quốc gia cũng khẳng định, ngay sau khi báo chí phản ánh 2 vụ việc trên, đơn vị đã có chỉ đạo địa phương khẩn trương kiểm tra, xác minh, xử lý trách nhiệm các cá nhân, đơn vị để xảy ra sai phạm. Đồng thời, có các biện pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên địa bàn. Kết quả xử lý phải báo cáo về BCĐ 389 quốc gia qua Văn phòng thường trực trước ngày 15/2/2019.
Ông Thế cũng khẳng định không có vùng cấm, sai đâu xử lý đến đó.
Hàng giả, biết nơi sản xuất mà không thể xử triệt để
Trả lời phóng viên về việc lực lượng quản lý thị trường (QLTT) có biết rõ nơi đâu sản xuất hàng giả hay không và trách nhiệm để xảy ra hàng giả là của ai, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng, Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương khẳng định: Biết nhưng không xử lý triệt để được!
Theo ông Linh, trách nhiệm chính trong chống hàng giả là của QLTT. Tất nhiên, QLTT vẫn phải phối hợp với các cơ quan chức năng khác.
Nguyên nhân, theo ông Linh, các đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi. “Ví dụ như vụ việc báo chí đưa tin hộ làm rượu vang nho siêu tốc, giá rẻ tại Hà Đông (chỉ 18.000 đồng/chai) vừa qua, thực ra ngay từ tháng 1/2018 QLTT đã kiểm tra và phát hiện các sai phạm, nhưng lúc đó chỉ xử phạt vi phạm về tem nhãn. Tháng 12/2018, QLTT cùng công an quận, phường đã xử phạt hành chính cơ sở này. Tuy nhiên, đây là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, do Phòng Kinh tế của quận cấp phép nên giao cho địa phương xem xét xử lý. Việc xác minh rượu vang có phải rượu giả, rượu kém chất lượng hay không cũng không đơn giản bởi phải lấy mẫu, kiểm định ở trung tâm độc lập rồi đợi trả kết quả, nếu vi phạm mới xử phạt được”, ông Linh cho hay.
Về thực trạng sản xuất bánh kẹo và hàng giả, hàng nhái tại làng La Phù, Hoài Đức (Hà Nội), ông Trần Hữu Linh khẳng định: “La Phù là đầu mối phân phối hàng hóa cho miền Bắc chứ không chỉ là nơi chuyên sản xuất hàng giả như bánh kẹo giả, rượu giả, kém chất lượng ở đây. Nhiều năm qua, QLTT xử lý nhiều vụ nên hộ sản xuất hàng giả hoạt động tinh vi hơn, khó phát hiện hơn”.
Năm 2018, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 202.980 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 20.000 tỷ đồng, khởi tố 1.979 vụ việc cùng 2.339 đối tượng. |