THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:29

Non nước Ngàn Trươi

 

 Phó Thủ tướng chính phủ Vương Đình Huệ phát lệnh khởi công công  xây dựng Nhà máy thủy điện Ngàn Trươi

 

Giờ chúng tôi đang đứng trên đập chính (cao trình 57 m) phóng tầm mắt về phía tây. Trời xanh, non xanh, nước biếc. Vẻ đẹp độc đáo của hồ Ngàn Trươi là nước vây quanh núi non tạo nên hàng chục đảo nhỏ khiến cho thiên nhiên ở đây vừa kỳ vĩ, vừa bí ẩn, vừa nên thơ và đặc biệt là hoang dã. Chính điều này càng thôi thúc chúng tôi hẹn hò nhau thu xếp để có một chuyến trải nghiệm trên hồ Ngàn Trươi với diện tích 4.000 ha chứa 775 triệu m3 nước, lớn gấp 2,5 lần hồ Kẻ Gỗ. 

Khi các sườn núi vườn Quốc gia Vũ Quang đã khoác lên mình màu xanh lá mới lại được tô điểm bởi màu vàng thẩm của hoa Móng Trâu, màu trắng của hoa bướm dại thì Phan Minh Đạo từ Lâm Đồng ra, Ngọc Vượng từ Hà Tĩnh lên được lãnh đạo vườn Quốc gia Vũ Quang giúp đỡ, chúng tôi đã có hành trình bằng thuyền trải nghiệm trên hồ Ngàn Trươi. 

Thuyền bắt đầu từ Hương Đại. Đây là bến đỗ đón cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng,  công nhân viên Vườn Quốc gia Vũ Quang đi làm nhiệm vụ. Đồng hành với chúng tôi là Đại úy Nguyễn Sang Trang- Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Hương Đại; Thạc sĩ Nguyễn Việt Hùng; nhân viên Phòng khoa học, kỹ thuật và hợp tác quốc tế Vườn Quốc gia Vũ Quang nên hết chuyện rừng lại đến chuyện sông nước. 

 

 Lòng hồ Ngàn Trươi

 

Trong ký ức của người dân Vũ Quang, Ngàn Trươi là “ác giang”. Sở dĩ người xưa mệnh danh sông này là sông ác không phải chỉ vì lắm thác lắm ghềnh mà vì chướng khí.  Sách: “Đại Nam nhất thống chí ”chép: ”Sông này khí lam chướng rất nặng nên gọi là sông ác”.Tài liệu địa phương xã Hương Quang ghi: “Sông Trươi bắt nguồn từ rào Ngang, rào Bần ở biên giới, chảy qua cụp Lim Cà Tỏ, thác Làng, qua xóm Kim Quang, về xóm Kim Thọ, xóm Tân Quang, rồi chảy qua xã Hương Điền…Phần chảy qua Hương Quang dài tới 45 km, nơi rộng nhất 100m, nơi sâu nhất 10 m”. 

Những cư dân sông nước làm nghề chài lưới mưu sinh trên dòng Ngàn Trươi đến từ Sơn Giang, Sơn Ninh (Hương Sơn) hiểu rất rõ “tính nết” của dòng sông và hiểm họa bất ngờ từ khe Thuống Luồng, vực Thành, thác Than Đày nhưng họ không bỏ Ngàn Trươi vì chỉ có ở đây mới có nguồn cá mát, cá lấu, cá chình khe  tuyệt ngon không nơi nào sánh được… 

Sông Ngàn Trươi len lỏi, uốn quanh giữa núi non hiểm trở. Đều bắt nguồn từ Đông Trường Sơn, nhưng khác với Ngàn Sâu (Hương Khê) và Ngàn Phố (Hương Sơn) còn có bãi bờ phù sa, còn Ngàn Trươi, hai bên sông chủ yếu là núi non. Ngàn Trươi như con rắn khổng lồ trườn giữa núi non trùng điệp. Chả thế mà dân gian đã truyền miệng: “Muốn phong lưu  thì đi Ngàn Phố, muốn ở lổ thì đi Ngàn Trươi”. Ngàn Phố ít thác, hiền hòa, đi thuyền nhàn nhã, phong lưu, còn Ngàn Trươi độc đạo, muốn đi thì phải trần truồng xuống nước để kéo thuyền bè qua khe, qua thác. 

 

Dấu tích của làng mạc xưa giữa lòng hồ Ngàn Trươi sau khi người dân đã di dời tái định cư

 

Bác Phan Văn Cung- nguyên Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang đọc vanh vách cho tôi nghe bài vè Hành trình vượt thác Ngàn Trươi và cầm bút vẽ trên giấy bản đồ thác và vực Ngàn Trươi. Nào là vực Thành, vực Cơn Da, thác Cơn Ổi, thác Làng (Hương Quang), thác Lò Rèn ; đó là những “cửa tử” thử thách ý chí, bản lĩnh, tay lái của những người đi thuyền, bè. 

Bây giờ, thuyền chúng tôi đang đi trên hồ Ngàn Trươi. Gió thổi lăn tăn sóng. Không ai biết dưới lòng hồ kia, ngày xưa là “ác giang” lắm thác nhiều ghềnh. Những bông hoa chạc chìu, hoa móng trâu ngày xưa như những cái nơ duyên dáng tết trên mái tóc cô gái Ngàn Trươi thì nay đã mất hút trong mênh mông nước. 

Có ai biết được dưới lòng hồ kia là là biết bao trầm tích lịch sử văn hóa của ngàn xưa đang vọng về, đang lăn tăn trong sóng nước lấp lánh. Nước hồ đang lưu giữ những dấu tích của cuộc kháng chiến của nghĩa quân Phan Đình Phùng- Cao Thắng. 

Có một chiều trên sông nước Ngàn Trươi tôi đi nhặt những câu hò, những hình ảnh của đoàn quân chở máy móc, dụng cụ trên thuyền bè về Hương Điền thành lập An toàn khu. Nơi đây bây giờ bốn bề mênh mông nước, nhưng ngày xưa là nơi dấu những đoàn quân, những lò rèn vũ khí, binh đao, những kho lương thực, những nhà máy in giấy bạc cụ Hồ cung cấp cho các chiến trường Bình - Trị - Thiên và Liên khu 5 đánh thắng giặc Pháp. Cho nên nói Ngàn Trươi là “ác giang” chỉ  đúng một phần, còn Ngàn Trươi thấm đẫm yêu thương, như vòng tay mẹ hiền che chở cho nghĩa quân cho cán bộ. 

Ngàn Trươi còn là hùng giang. Trong bản anh hùng ca của đại ngàn, trong âm vang Ngàn Trươi là bản anh hùng ca của nghĩa quân Phan Đình Phùng – Cao Thắng đánh Tây, bản anh hùng ca của nhân dân Vũ Quang trong hai cuộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nơi đây, còn lưu giữ trận huyết chiến: “kê nang, úng thủy” của Phan Đình Phùng đánh thực dân Pháp. Xác giặc ngổn ngang bãi Đượng Giang. Nghĩa quân Phan Đình Phùng nhiều tổn thất. Trong màu xanh trong văn vắt của nước Ngàn Trươi nếu nhìn kỹ còn là nước mắt, mồ hôi xương máu của biết bao nhiêu thế hệ cha ông. 

Cách đây 12 năm, trong chuyến ngược dòng Ngàn Trươi, tôi đã dừng lại ở bãi Cà Tỏ và Vực Thờ. Bây giờ đứng trên thuyền, ngẩn ngơ nhìn sông nước mà lòng không khỏi nhớ về Vực Thờ, nơi non nước hiển linh. Hai con voi đá quỳ chầu trước miếu, bây giờ ở đâu, hay vẫn còn lặng im dưới nước? Cũng chính tại nơi đây, nhân dân khai quật được những lưỡi gươm, những móng ngựa sắt dưới lòng đất. Dọc hai bên bờ sông Ngàn Trươi ngày xưa biết bao nhiêu địa điểm tích lương, dấu quân trang vũ khí? Có ai ở Phòng văn hóa huyện Vũ Quang tâm huyết muốn lưu giữ và dựng lại bản đồ lịch sử để  nhắc nhở với con cháu mai sau?

Chúng tôi đi trên hồ Ngàn Trươi. Hai bên hồ trùng điệp núi non. Cách đây 6 tháng, Ban quản lý đã cho đóng cống. Nước dâng lên. Những  thảm cây dưới chân núi bị ngâm nước chết khô. Hai bên bờ hồ vẫn còn lưu lại vành ngấn nước. Dưới lòng hồ, có những quãng ngày xưa làng mạc. Vốn quê ở Hương Quang cho nên anh Sang Trang thuộc như lòng bàn tay quê hương bản quán và trở thành “hướng dẫn viên” tự nguyện lúc nào không biết. Đây là xóm Đăng, xóm Ngân, xóm Kiều, xóm Thị, xóm Tân Điền, xóm Móc (thuộc xã Hương Điền) và kia là xóm Kim Thọ, Tùng Quang, Tân Quang, Kim Quang (thuộc xã Hương Quang với  trên ngàn hộ dân đã di dời ra đi nhường chỗ cho lòng hồ. 

Những dấu tích về một làng quê vẫn còn lưu lại. Không chỉ anh Sang Trang mà tất cả chúng tôi đều nao lòng khi đang chứng kiến những làng quê xưa chìm khuất dưới nước. 

 

 Đập Thủy lợi Ngàn Trươi- Cẩm Trang

 

Cách đây 10 năm, vào năm 2008, đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh kết hợp với huyện Vũ Quang đã tổ chức đốt lửa trại tại xã Hương Điền để bắt đầu chiến dịch tái định cư giải phóng cho lòng hồ Ngàn Trươi. Một thập kỷ qua đi, không thể nói hết được những trăn trở thao thức, những nỗi lòng, những day dứt giữa đi và ở. Vẫn biết rằng, đi là để nhường lại cho một công trình thủy lợi cung cấp nước ngọt cho đời sống dân sinh hàng vạn người, để rửa mặn những cánh đồng lưu vực sông Nghèn, để cung cấp nước cho vựa thóc Đức Thọ, Can Lộc, để mát hóa những vùng khát cháy Nghi Xuân, Lộc Hà… để  mọc lên công trình thủy điện Ngàn Trươi… Đi  là để tạo điều kiện sinh tồn cho đa dạng sinh học rừng Quốc gia Vũ Quang. Theo Thạc sĩ Nguyễn Việt Hùng không chỉ trong nước mà giới nghiên cứu về môi trường môi sinh thế giới biết đến rừng Vũ Quang có đến 1765 loại thực vật bậc cao với 202 họ; 94 loài thú thuộc 26 họ; 315 loài chim; 58 loài bò sát; 31 loài lưỡng cư; 316 loài bướm; 73 loài kiến; 28 loài nhện và 88 loài cá. Đặc biệt có 20 loài đặc hữu như sao la, mang lớn, thỏ vằn, cầy vằn, chà vá chân nâu, vượn đen, gà lôi lam đuôi trắng, rắn lục sừng, ếch cây sần Bắc Bộ. Không phải ngẫu nhiên mà giới chuyên gia nghiên cứu về đa dạng sinh học nước ngoài nhận xét Vũ Quang là “mỏ về loài mới ở Việt Nam”. 

Gần đây những nghiên cứu và phát hiện mới về loài dẻ Vũ Quang, chè ran tuyến, trà mi, cá lá giang, cá chuồn sông, cá bướm, cá đong chấm, cá chiên thác bẹt  với các loài tảo đang mở ra những hướng tiếp cận mới về rừng Vũ Quang và hồ Ngàn Trươi. Vì lẽ đó, Ngàn Trươi- Cẩm Trang đang thức dậy nhiều tiềm năng khai thác trong nay mai mà rõ nét nhất là tiềm năng khai thác du lịch sinh thái- Lịch sử- Văn hóa- Tâm linh. 

 Ngàn Trươi – Cẩm Trang đang vẫy gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh thức tiềm năng để phục vụ cuộc sống dân sinh, phục vụ du khách trong nước và quốc tế đến tham quan và thưởng lãm, đến nghiên cứu và trải nghiệm. 

Ông Phạm Hữu Bình- Bí thư Huyện ủy huyện Vũ Quang cho biết: Hiện nay, các hạng mục của Dự án Ngàn Trươi – Cẩm Trang đã căn bản hoàn thành. Tháng 10 năm 2017 đã bắt đầu đóng cống. Hạng mục đập tràn tại khu vực Hói Trùng sắp sửa hoàn thành. Hệ thống kênh mương dẫn nước quãng đò Đồng Văn qua đập rú Trí đang gấp rút hoàn thành để có thể hòa nhập với kênh Linh Cảm (Đức Thọ). Từ đây nước Ngàn Trươi có thể rửa mặn cho những cánh đồng hai bên lưu vực sông Nghèn. Nước ngọt sẽ làm xanh mát những cánh đồng Nghi Xuân, Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, một phần Lộc Hà, Hương Sơn. 

Trước đó, ngày 3 tháng 12 năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã dự lễ khởi công Công trình thủy điện Ngàn Trươi (tại đập chính Hương Đại) với  công suất 55 triệu KW, dự tính đến năm 2019, công trình sẽ hoàn thành, thủy điện sẽ hòa mạng lưới điện quốc gia.  

 

 

LÊ VĂN VỴ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh