THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 07:10

5 địa phương triển khai mô hình "Hội đồng trẻ em”

 

Sau khi Hội đồng trẻ em (HĐTE) các tỉnh ra mắt và đi vào hoạt động, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội các tỉnh, thành đã tham mưu cho Ban tham vấn tổ chức các kỳ họp định kỳ của HĐTE với lãnh đạo Hội đồng nhân dân và lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Trong đó, TP Hồ Chí Minh tổ chức được 3 kỳ họp; Yên Bái, Hà Nội, tổ chức được 2 kỳ họp; Quảng Ninh và Bình Định tổ chức được 1 kỳ họp. Thông qua các kỳ họp, đã có hơn 3.000 ý kiến của các em được tổng hợp từ cấp cơ sở gửi tới các cấp lãnh đạo tỉnh, thành phố.

Trẻ em tự tin nói lên tiếng nói của mình.

 

Các ý kiến của trẻ em không chỉ liên quan đến chuyện học tập, vui chơi giải trí của lứa tuổi học sinh, mà đã thể hiện sự tham gia cùng các sở, ngành tại địa phương trong giải quyết các vấn đề nóng của xã hội, như: đảm bảo an toàn cho trẻ, trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, các quyền tham gia của trẻ em trên nhiều lĩnh vực.

Thời gian qua, Hội đồng Đội Trung ương đã phối hợp với các tổ chức phi chính phủ tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên HĐTE của 5 tỉnh, thành. Trong đó, phối hợp với UNICEF tổ chức 5 lớp tập huấn triển khai chương trình U-report Diễn đàn tiếng nói trẻ em Việt Nam. Bên cạnh đó, 5 tỉnh, thành phố có mô hình HĐTE cũng đã chủ động xây dựng các chương trình tập huấn, trang bị kỹ năng và kiến thức cho các thành viên HĐTE.

Phó trưởng Ban Công tác thiếu nhi Trung ương Đoàn Nguyễn Thái An cho rằng, mô hình HĐTE ra đời đã tạo thêm cơ hội cho trẻ em phát huy tốt quyền tham gia của mình vào các vấn đề của trẻ em, tạo nên sự bình đẳng và tạo môi trường tích cực để các em trao đổi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng. Đồng thời mô hình cũng là cầu nối hiệu quả giúp các cấp lãnh đạo tỉnh, TP, các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực trẻ em nắm bắt tình hình, nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của trẻ; hỗ trợ các em giải quyết vấn đề và quyết định các vấn đề một cách có trách nhiệm…

Các ý kiến của các em được gửi đến các cơ quan chức năng trả lời và giải quyết.

 

Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Yên Bái Đoàn Thị Thanh Tâm cho rằng, mô hình HĐTE thực sự bổ ích bởi nó đã trang bị nhiều điều cho trẻ. Thông qua mô hình, các em mạnh dạn, tự nhiên trình bày nhiều vấn đề. Các em đã nói lên ý kiến của mình mà không hề e dè. Phong trào công tác Đội phát triển sôi nổi hơn, các em cũng đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực. Từ tính thiết thực, bổ ích của mô hình, Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái kiến nghị, mô hình này nên được triển khai đến cấp huyện để các cấp các ngành dễ tiếp cận và dễ lắng nghe tiếng nói các em hơn.

Trưởng ban Công tác Thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang cho rằng: “Dù mới qua 1 năm thực hiện thí điểm, 5 tỉnh, thành đã có nhiều sáng tạo, mạnh dạn trong thực hiện hoạt động cũng như thể hiện vai trò của mình, tạo nên một số chuyển biến tích cực trong giáo dục. Phần lớn nguyện vọng chính đáng của trẻ đã được lắng nghe và được đáp ứng. Những khó khăn, hạn chế còn có sẽ được khắc phục trong thời gian tới”.

Tại kỳ họp lần thứ 3 của Hội đồng Trẻ em TP Hồ Chí Minh vừa diễn ra ngày 7/7 với chủ đề "Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số", 50 đại biểu là thanh thiếu nhi TP đã đề xuất giải pháp cho trẻ em có thể sử dụng Internet để học tập và giải trí.

Vừa tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10, Đoàn Lê Sơn (học sinh ở quận 5) cho biết, trước kỳ thi cậu và các bạn đọc tin trên mạng nói về chuyện một thành phố lớn sẽ cho học sinh thi tổ hợp môn. "Khi biết sẽ thi tổ hợp môn chúng em rất hoang mang, không biết ở thành phố mình thế nào. Khi đó chúng em rất cần một kênh chính thống để tham khảo cho yên tâm. Chúng em mong muốn Sở GD&ĐT mở một trang thông tin điện tử chính thức, cập nhật liên tục các thông tin về việc học hành, thi cử cho học sinh thành phố”, Sơn nêu ý kiến.

Bổ sung ý kiến của Sơn, Nguyễn Đức Kiệt (học sinh quận Phú Nhuận) cho rằng, một số kiến thức trên lớp chưa hiểu nên em rất cần một trang tin tổng hợp kiến thức do các thầy cô biên soạn để tham khảo, tự học ở nhà. Ngoài ra, Kiệt cũng muốn thành phố lắp các trụ phát wifi miễn phí ở những tuyến đường gần trường để học sinh có thể lên mạng tra cứu thông tin, học hành lúc cần thiết. Trong khi đó, một số học sinh khác đề nghị ngành giáo dục có thêm các buổi học ngoại khóa về kỹ năng sử dụng mạng xã hội để các em biết cách sử dụng phương tiện này cho việc học tập, giải trí lành mạnh.

Trưởng ban Công tác Thiếu nhi T.Ư Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết: “Tỉnh, thành nào chưa thành lập được HĐTE thì tiến hành thực hiện mô hình Kỳ họp trẻ em để kịp thời lắng nghe trẻ. Các tỉnh, thành cũng phải đa dạng hình thức lắng nghe trẻ em thông qua nhiều mô hình khác nhau, như: hộp thư, diễn đàn, câu lạc bộ quyền trẻ em; khẩn trương thực hiện phiên họp/ kỳ họp HĐTE tại địa phương. Đoàn- Hội - Hội cần quan tâm tổng hợp, xử lý các kiến nghị của các em sau kỳ họp, gửi về các sở, ngành có liên quan. Khi có kết quả cần trả lời lại với các em”.

THANH HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh