Nỗi niềm dân nghèo nơi “ốc đảo” Cồn Hến sau lũ
- Dược liệu
- 02:11 - 10/11/2017
"Ốc đảo" Cồn Hến nằm giữa dòng sông Hương. Những ngày đỉnh lũ, khu vực này bị cô lập hoàn toàn
Cồn Hến là một hòn đảo nằm ở phần hạ lưu sông Hương (TP. Huế, Thừa Thiên Huế) với diện tích tự nhiên khoảng 26,4ha. Cồn Hến có 5 tổ dân phố và được chia làm 2 Khu vực gồm Khu vực 6A và 6B thuộc phường Vỹ Dạ. Các tổ dân phố 16, 17 và 18 nằm ở Khu vực 6A, còn 2 tổ 19, 20 nằm ở Khu vực 6B. Hiện nay trên Cồn Hến có khoảng 750 hộ dân, với hơn 3.600 nhân khẩu sinh sống. Người dân ở đây chủ yếu buôn bán nhỏ lẻ và đi làm thuê. Nơi đây được mệnh danh như là một “ốc đảo” do chỉ có 1 cây cầu đường bộ để qua lại.
Trước đây, người dân Cồn Hến còn 3 nghề chính bán cơm hến, làm mũ nón và làm các loại bánh lọc, nậm, ram, ít, bánh ướt,…Thời gian gần đây, khi sản lượng hến vùng hạ lưu sông Hương cạn kiệt, người dân Cồn Hến đàn ông thì đi làm xe thồ, thợ nề, phụ nữ thì đi làm thuê, giúp việc nhà, ai thuê gì làm nấy. Do đó, đời sống đa số người dân Cồn Hến hết sức khó khăn.
Trong những ngày mưa lũ kéo dài vừa qua, “ốc đảo” Cồn Hến bị cô lập hoàn toàn.
Sáng 9/11, nhiều nhà dân ở Cồn Hến vẫn đang trong tình trạng ngập ngụa bùn đất
Trưa ngày 9/11, tại khu vực Đập Đá, chúng tôi bắt gặp bà Nguyễn Thị Hường (55 tuổi, ở tổ 20, Khu vực 6B, phường Vỹ Dạ) đang “bì bõm” lội nước để qua bên này thành phố Huế hành nghề bán vé số. Hôm nay là ngày đầu tiên sau 4 ngày bị nước lũ cô lập, bà mới đi bán vé số trở lại được.
Bà Hường cho biết, cả bà và chồng bà đều hành nghề bán vé số. Nhưng hôm nay chỉ có một mình bà đi bán, vì người chồng còn phải ở nhà trông mẹ già (85 tuổi) đau ốm. Hoàn cảnh gia đình bà Hường tương đối khó khăn khi có mẹ già thường xuyên đau ốm và một người cô bị bệnh, trong khi nghề bán vé số lời lãi không bao nhiêu. 2 vợ chồng bà Hường chỉ có 1 người con, năm nay 20 tuổi. Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng ông bà vẫn nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện nay, con của 2 ông bà đang là sinh viên của trường Đại học Khoa học Huế.
Sáng 9/11, chúng tôi đã tìm về Cồn Hến. Đi qua cầu Phú Lưu, hay còn gọi là cầu Cồn, lối đi độc đạo để đến với Cồn Hến, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh nhiều con đường vẫn còn lầy lội, ngập trong bùn đất; người dân Cồn Hến tất bật với việc dọn dẹp nhà cửa. Đến trưa, họ tranh thủ ăn miếng cơm với những miếng rau, miếng đậu khuôn, hoặc hộ khá giả hơn thì họ có thêm miếng thịt, cá đầu tiên sau mấy ngày dài chỉ “nhai” mì tôm sống.
Một số tuyến đường ở Cồn Hến chưa được dọn dẹp sau lũ
Đến tổ dân phố 18, Khu vực 6A, chúng tôi gặp cụ Nguyễn Thị Cải (80 tuổi) đang lom khom nhặt một cái gì đó. Phóng viên chưa kịp hỏi, cụ Cải đã lên tiếng: “Ôi khổ quá chú ơi! Mấy bữa nay vừa bị nước vào nhà vừa đói, nhà chả còn gì để ăn.”
Nhà cụ Cải thuộc diện hộ nghèo nhất trong xóm. Cách đây hơn 10 năm, gia đình cụ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để cất được 1 căn nhà cấp 4. Cụ có 5 người con, 3 gái, 2 trai. Hiện nay cụ đang ở với 1 trong 2 người con trai của mình tại Cồn Hến. Vợ chồng người con này cũng không có việc làm ổn định, trong khi 1 người con trai khác lên sống ở phường An Cựu, nhưng cuộc sống cũng hết sức khó khăn.
Cụ cải chỉ cho chúng tôi 1 căn nhà cấp 4 tềnh toàng nằm sát bờ sông Hương. Khu vực sân trước ngôi nhà đầy bùn đất; phía sau nước lũ vẫn đang ngấp nghé. Đó là nhà của ông Võ Văn Dả (52 tuổi), bà Ngô Thị Duyên, gia đình con rể và con gái cụ Cải. Có lẽ, cái nghèo của cụ Cải nó truyền sang không chỉ con trai mà cả con gái và con rể của cụ.
Trước đây, gia đình ông Dả làm nghề cào hến trên sông Hương. Đến khi sản lượng hến không còn nhiều, ông Dả chuyển qua làm nghề thợ nề, còn bà Duyên thì đi làm thuê giúp việc, ai thuê gì làm nấy. Cách đây 3 năm, do làm việc nặng, ông Dả bị lao lực và nay chỉ còn ở nhà làm nội trợ. Mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình hiện nay gần như đổ lên đầu bà Duyên. Nhưng theo bà Duyên thì 1 ngày, giỏi lắm bà cũng chỉ kiếm được từ 50 – 70 nghìn đồng.
Ông bà Dả cũng khá đông con, 2 trai, 4 gái. Trong khi 4 cô con gái đã đi lấy chồng nhưng do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên chưa giúp gì cho cha mẹ được. Cậu con trai út 20 tuổi đang đi nghĩa vụ quân sự. Cậu còn lại đi làm hợp đồng cho 1 đội khoan địa chất, công việc cũng không ổn định.
“Mấy hôm rồi nước lũ lên, vợ chồng tôi không kịp vớt đồ, nhiều đồ bị trôi, bị ướt hết. Ngay cả cái bình ga và bếp cũng bị ngâm dưới nước, muốn nấu nước chế mì tôm để ăn mà cũng không được, cả nhà đành phải ăn mì sống qua ngày”, ông Dả kể.
Cũng tại Cồn Hến, chúng tôi còn gặp bà Lê Thị Thủy Lan làm nghề bán bún. Bà Lan cho biết, quán bún của bà bị nước ngập làm tủ lạnh, bếp ga hư hại, bàn ghế trôi hết, hiện chẳng biết lấy vốn ở đâu để kinh doanh tiếp.
Bùn lỏng, nước bẩn cộng với rác thải là mối nguy hiểm, đe dọa bệnh tật đối với người dân trên "ốc đảo" sông Hương
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ cho biết, trong đợt lũ lụt vừa qua, Vỹ Dạ bị ngập khoảng 80% diện tích toàn phường, trong đó nặng nhất là khu vực Cồn Hến. Trong những ngày đỉnh lũ, chính quyền địa phương đã phải tổ chức di dời 15 hộ với khoảng 80 nhân khẩu tại tổ 17, Khu vực 6A, do lo ngại sạt lở.
Sau khi lũ rút, các ban trong UBND phường Vỹ Dạ đã đi vận động bà con tự dọn dẹp vệ sinh trong và khu vực phía trước nhà mình. “Tại những điểm bùn dày, hoặc thưa dân cư, chúng tôi đã cử lực lượng dân quân tự vệ đến giúp bà con dọn dẹp”, ông Phú cho hay. Về công tác hỗ trợ cho bà con sau lũ, theo ông Phú hiện nay vẫn chưa có gì.
Cuộc sống của người dân Cồn Hến vốn dĩ đã khó khăn, nay lại thêm phần khó sau khi cơn lũ đi qua. Không những thế, hiện nay, họcòn phải đối diện với nguy cơ bệnh tật khi nhiều chỗ vẫn còn ngập nước, bùn lỏng và rác thải.
Cũng nên biết rằng, “ốc đảo” Cồn Hến đã phải chịu cảnh quy hoạch treo suốt 20 năm nay. Theo đó, năm 1998, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định quy hoạch tổng thể khu vực Cồn Hến để xây dựng khu du lịch sinh thái và dịch vụ giải trí cấp cao. Đến cuối tháng 6-2015, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế tiếp tục có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) xây dựng khu du lịch, dịch vụ cao cấp Cồn Hến, với diện tích 26,4ha, gồm diện tích đất 23,8ha và mặt nước 2,6ha. Tuy nhiên cho đến nay, quy hoạch này vẫn chỉ nằm trên giấy tờ, do chưa tìm được nhà đầu tư.
Người dân Cồn Hến kể lại những ngày vượt lũ: