THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:18

Nỗi lo tái nghèo của người dân nhường đất cho thủy điện

 

Mong mỏi chờ đất

Dù đang thời điểm vào vụ, nhưng nhiều bà con ở khu phố 11, thị trấn Mường Tè (Lai Châu) vẫn "ngồi chơi xơi nước". Hỏi chuyện, ông Điêu Văn Khẩn cho hay: "Về đây từ đầu năm 2014, nhưng đã có đất đâu. 200 mét được giao chỉ đủ dựng nhà thôi".

Người dân cho biết, ở Khu phố 11 là nơi ở mới của hơn 130 hộ dân, với gần 700 nhân khẩu thuộc đối tượng di vén lòng hồ thủy điện Lai Châu. Đến nay họ vẫn mong ngóng, chờ đợi được giao đất để bắt tay vào sản xuất, ổn định cuộc sống. Là các hộ dân nông nghiệp, nhưng được bố trí về ở khu đô thị của thị trấn, diện tích đất ở chật hẹp, không có nơi để chăn nuôi, tăng gia, nên cuộc sống của bà con hiện đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, đang vào thời vụ dọn nương, làm đất để gieo trồng cho vụ mùa mới, nhưng người dân chỉ biết loanh quanh ở nhà.

Nhà thì đẹp, nhưng người dân thiếu gạo ăn.

"Là dân nông nghiệp mà không có đất thì khổ lắm. Sau ba năm hết hỗ trợ của nhà nước thì dân sẽ tái nghèo thôi", ông Lý Văn Thơm, Trưởng khu phố 11 than thở. Tại Lai Châu, nhiều thôn bản chung cảnh (cùng lúc thực hiện dự án thủy điện Lai Châu, Bản Chát và chịu ảnh hưởng bởi dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La). Người dân ở các huyện Nậm Nhùn, Sìn Hồ đã có nhiều kiến nghị về tình trạng bất ổn do thiếu nguồn sinh kế, nên vào tháng 2/2016, UBND tỉnh Lai Châu mới quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng và lâm nghiệp thành đất trồng lúa cho xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn.

Để rộng nguồn tin, chúng tôi tìm về khu vực di vén, tái định cư (TĐC) tại thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) và cũng gặp nhiều nỗi trăn trở của người dân. Vào giữa buổi sáng, người dân bản Na Nát đang cố gắng cải tạo diện tích đất bán ngập, mới được cơ quan chức năng giao cho vào đầu năm 2016. Vừa cuốc đất, ông Điêu Văn Vấn, Trưởng bản Na Nát cho hay: "Đất thiếu, lại hết hỗ trợ của nhà nước rồi, nhiều hộ lo lắng không có cái ăn".

Cạnh ruộng nhà ông Vấn là vợ chồng ông Điêu Văn Sấn- Lường Thị Viêng, bản Na Nát, cũng đang cải tạo đất. Song chốc chốc ông bà lại đứng lên thở dài. Nỗi nhọc mệt của ông bà không chỉ vì đã lâu không làm việc nặng, mà ông lo lắng vì chẳng biết cây khoai nước khi trồng xuống có chịu sinh trưởng trên nền đất cứng đơ. "Trước đây, đất đai màu mỡ, nay biến thành vùng hồ thủy điện. Nước rút cạn đáy sáu tháng thì chúng tôi phải tính toán trồng cây gì đó ngắn ngày. Hoặc khoai nước, hoặc lúa giống mới. Nhưng trồng thì trồng, chứ chẳng biết có được ăn hay không. Ây dà, đất nhiều sỏi quá!", ông Sấn vung một vòng cánh tay lên không trung, thể hiện sự tiếc nuối.

Phía sau, hàng chục hộ dân bản Na Nát cũng gắng gỏi cải tạo đất, gieo trồng kiếm gạo ăn trong nỗi hoang mang, bởi kể từ ngày 31-12-2015, là hết thời hạn ba năm bà con được nhà nước cấp phát gạo và một số nhu yếu phẩm. 108 hộ dân bản Na Nát lựa chọn phương án di dân gắn với nông nghiệp cùng nhiều hộ gia đình khác phải tìm cách mưu sinh. Trong khi đó họ bị cấm khai hoang đất trên đồi núi, chỗ nào được phép thì đã "có chủ".

Ước mơ những cánh đồng màu mỡ như xưa.

Người dân lựa chọn phương án gắn với nông nghiệp đã khó khăn như vậy, thì người chọn phương án bồi thường phi nông nghiệp sẽ chẳng còn chút đất nào để canh tác. Ông Hoàng Văn Phiến, tổ trưởng tổ 7, phường Na Lay thở dài: "Dân chúng tôi phi nông nghiệp, rồi thành ba không: không nghề, không chỗ chăn nuôi, không tương lai. Người dân có được gọi đi học cơ khí, chăn nuôi. Nhưng học cơ khí xong không có chỗ tiếp nhận, chăn nuôi thì không có đất làm chuồng. Không việc, nhà đẹp cũng sinh chán. Nhà chỉ thành cái xác nhà thôi".

Phải chăng là khó khăn chung?

Nhường đất cho lòng hồ thủy điện Lai Châu, xã Mường Tè, huyện Mường Tè phải di chuyển 445 hộ, khoảng 2.000 nhân khẩu, và đến nay, người dân cũng vô cùng lo lắng, họ chỉ biết kiến nghị lên trên. Ông Lý Văn Phón, Chủ tịch UBND xã Mường Tè nói: "Xã cũng đã quy hoạch bãi để mà khai hoang mới, nhưng hiện nay tiến độ thi công thủy lợi mới hoàn thành được khoảng 50%. Một phần khó khăn nữa là hiện nay bà con phải khai hoang bằng thủ công nên tiến độ chắc chắn sẽ chậm".

Người dân bất ổn vì các dự án thủy điện, hẳn là các cấp quản lý địa phương phải có trách nhiệm chăm lo đời sống cho người dân. Song ông Phan Tuấn Anh, Phó trưởng Phòng Quản lý đất đai (Sở TN&MT Lai Châu) cho rằng, đến nay tỉnh vẫn chưa có báo cáo đầy đủ về công tác di dân, TĐC, ổn định đời sống cho người dân, bởi công tác này vô cùng phức tạp. Ông Tuấn chỉ ra hoàn cảnh cụ thể: "Theo tập tục, bà con sống phụ thuộc vào núi rừng, sông suối. Khi về nơi ở mới thì các điều kiện đó không còn. Nên nói là tốt hơn nơi ở cũ thì cũng chưa hẳn, bởi nhiều người dân vẫn thích cuộc sống như xưa".

Khi phóng viên liên hệ làm việc với cấp cao hơn là UBND tỉnh Lai Châu, lãnh đạo tỉnh gửi xuống gặp Ban Quản lý dự án, bồi thường TĐC tỉnh Lai Châu. Ông Trần Văn Dũng, quyền Trưởng ban cho biết, hiện công tác di dân trên địa bàn tỉnh đã xong 100%, công trình phúc lợi mới được 90%, nhưng nhiều công trình đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. "Cái khó của công tác TĐC là cơ chế phối hợp chưa được thực hiện tốt. Rồi nguồn vốn còn đọng, chính sách thủ tục lại rườm rà, tranh chấp nhiều dẫn đến khiếu nại kéo dài", ông Dũng thốt lên.

Ông Dũng còn cho biết thêm, các công trình đầu tư cho vùng TĐC cũng đã hoàn thiện 90%, nhưng chính địa phương và người dân thiếu cơ chế bảo vệ, và đầu tư sửa chữa khi xuống cấp. Vậy là công trình đã xuống cấp càng thêm xuống cấp. Việc này ngoài vòng kiểm soát của Ban Quản lý dự án, bồi thường TĐC tỉnh Lai Châu.

Nhiều người dân không có việc làm phải ngồi chơi.

Cơ quan có trách nhiệm kêu khó, còn người dân chỉ biết kiến nghị lên các cấp nhưng không phải lúc nào cũng được thấu hiểu. Nhìn khuôn mặt phờ phạc như sắp trào nước mắt của người dân, tôi hiểu họ đã thất vọng, bởi cuộc sống nơi ở mới không tốt hơn nơi cũ như người dân được hứa hẹn. Có người đã khóc trước nghịch cảnh, như phóng viên từng ghi nhận bi kịch và nước mắt của người dân vùng lòng hồ thủy điện khác.

Đến nay, tại Điện Biên và Lai Châu đang lặp lại bi kịch như một số dự án các tỉnh khác: người dân di cư ngược về nơi ở cũ. Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa (Điện Biên) xác nhận: "100% hộ TĐC có nhà ở kiên cố theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng. Một số điểm dân cư còn chưa có đường giao thông, công trình phúc lợi và thiếu đất sản xuất, một số đã bỏ về nơi ở cũ".

Có điều đáng tiếc là, trong những ngày diễn ra Hội nghị tổng kết Dự án di dân TĐC Thủy điện Sơn La trên địa bàn hai tỉnh Điện Biên và Sơn La vừa qua, công tác hậu TĐC, phương án hiệu quả cải thiện đời sống người dân đã không được đưa ra cụ thể. Các cơ quan chức năng chủ yếu nói đến những thành quả, tiến độ về nhanh hơn dự tính.

Ông Hoàng Văn Phiến, tổ trưởng tổ 7, phường Na Lay (thị xã Mường Lay) buồn rầu: "Dân đang ngấm nỗi khổ, cán bộ thì ở xa, các cuộc tiếp xúc cử tri lại chưa đến tới dân". Thừa nhận những khuyết thiếu trong vấn đề tiếp xúc dân, đền bù, bà Nguyễn Thị Khương, Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thị xã Mường Lay chỉ ra: "Chính sách thay đổi liên tục, liên quan đến nhiều ngành, và đặc biệt là phải giải quyết mâu thuẫn giữa lợi ích của người bị thu hồi đất và chủ đầu tư nên nảy sinh nhiều khiếu khuyết. Thêm nữa công tác vận động chưa sâu, còn chung chung, đại khái".

Cần những giải pháp hiệu quả

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, Điện Biên cần hoàn thành những phần việc còn dở dang của dự án trong năm 2016; tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đổi mới phương thức đào tạo nghề nông thôn gắn với thực tiễn sản xuất… nhằm cải thiện đời sống của bà con đã nhường đất cho các dự án.

Chung quan điểm ấy, ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa (Điện Biên), đề xuất: " Cần đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật canh tác, tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua các lớp đào tạo nghề và khai thác các mô hình vào sản xuất; đưa giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời có chính sách hậu TĐC để người dân các khu TĐC có cuộc sống vật chất, tinh thần thực sự tốt hơn nơi ở cũ".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cuộc sống người dân vùng TĐC đã khó khăn, và nay những khó khăn lớn hơn thực sự mới bắt đầu, khi họ không còn được hỗ trợ gạo và các nhu yếu phẩm theo quy định. Đúng như người dân huyện Mường Tè kêu: "Đất không có, dân không thể ngồi chơi mãi. Ngay như chuyện ngồi chơi, không làm gì cũng sinh ra nhiều hệ lụy. Chúng tôi cần các cơ quan có trách nhiệm thực hiện lời hứa trước dân bằng các việc làm cụ thể, hiệu quả!".

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh