Nói không với “bệnh thành tích” trong xóa đói giảm nghèo
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 12:49 - 22/05/2016
Đã gần 10 năm lập gia đình, nhưng Vợ chồng anh Hồ Văn Lối, ở thôn 3 (xã Hồng Quảng) chỉ có 1 căn nhà tạm. Với diện tích đất sản xuất quá ít ỏi, lại thiếu công ăn việc làm ổn định nên cái nghèo vẫn cứ đeo bám gia đình anh Lối. Khi đoàn kiểm tra của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đến, trong căn nhà gần 20m2 vợ anh Lối cho biết, chồng đang đi làm thuê. Nếu không có thông báo của chính quyền địa phương là có đoàn kiểm tra đến, thì chị cũng đã đi làm cùng chồng. Được biết, một ngày công ít ỏi của cả hai vợ chồng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày.
Tương tự là hoàn cảnh của vợ chồng anh Lê Thanh Xiêm, chị Hồ Thị Soa, ở thôn 5 (xã Hồng Quảng). Mặc dù anh Xiêm đã ra làm nhà riêng ở từ năm 2011 và sau đó 1 năm mới cưới vợ, nhưng chỉ với 2ha đất rẫy để trồng sắn, thu nhập chưa đến chục triệu một năm, nên gia đình này được xếp vào diện những hộ nghèo nhất xã.
Ông Nguyễn Dung tặng quà cho gia đình ông Hồ Văn Lối (thôn 3, xã Hồng Quảng).
Báo cáo của UBND huyện A Lưới cho thấy, kết quả điều tra hộ nghèo, cận nghèo năm 2015 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện có 4.337 hộ nghèo (17.784 khẩu), chiếm tỷ lệ 45,4%. Trong đó, có 4.182 hộ (17.308 khẩu) dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 96,43% tổng số hộ nghèo.
Trong tổng số 21 xã, thị trấn của huyện A Lưới, có đến 17 xã nghèo; có 6 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Những dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo có tỷ lệ thiếu hụt cao tại A Lưới như: Bảo hiểm y tế (86,379%), chất lượng nhà ở (55,43%), diện tích nhà ở (60,83%), nguồn nước sinh hoạt (64,17%), hố xí, nhà tiêu hợp vệ sinh (80,54%). Riêng vấn đề chất lượng nhà ở theo chuẩn mới, toàn huyện A Lưới hiện còn khoảng 2.404 căn nhà tranh tre nứa lá, chiếm đến 55,43%. Trước thực trạng trên, ông Dung chất vấn: “A Lưới có cần thành tích là đã xóa hết nhà tạm không? Nếu không thì cứ công bố là có nhà tạm đi. Điều quan trọng nhất là nhà ở cho người dân thôi.”
Những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng hộ nghèo vẫn chiếm ty lệ cao tại huyện A Lưới được cho là do người dân thiếu tư liệu sản xuất, không có việc làm ổn định, không có tay nghề, gia đình đông con, nhiều đối tượng ăn theo, mới tách hộ,… ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, hiện tại thu nhập chính của người dân trong huyện là từ cây keo thương mại. Bên cạnh đó, một phần nhỏ là từ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi,…Còn lại diện tích rừng cao su, cà phê dù không phải nhỏ, nhưng do rớt giá và do những nguyên nhân khác nên những loại cây này hiện không sinh lời bao nhiêu.
Trong bản kế hoạch giảm nghèo các xã, thị trấn của huyện A Lưới năm 2016 và giai đoạn 2016 - 2020, địa phương này đặt chỉ tiêu sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2 - 3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến 2020 đạt 35 - 40%, riêng năm 2016 đạt 30%; tạo việc làm mới cho 250 lao động. Những giải pháp thực hiện kế hoạch được huyện A Lưới đặt ra như: Các xã, thị trấn phải kiện toàn lại Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020; tăng cường công tác vận động, tuyên truyền về chương trình giảm nghèo; triển khai các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả trên địa bàn huyện phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng và trình độ dân trí; tăng cường công tác vận động người lao động đi làm việc tại các khu chế xuất, tham gia học nghề tự tạo việc làm tại chỗ,…Để cải thiện thu nhập cho người dân, A Lưới sẽ chọn các mô hình VACR (vườn - ao - chuồng - rừng) có hiệu quả trên địa bàn huyện, đầu tư cho các hộ có sức lao động, am hiểu về khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tùy theo điều kiện cụ thể của từng xã để đầu tư; tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất cho các hộ thực hiện mô hình sản xuất; hỗ trợ công cụ sản xuất, đất sản xuất cho hộ thiếu đất; phối hợp với các tổ chức, chương trình 135 để đầu tư cho các hộ về nước sạch, nhà ở, nhà vệ sinh…
Ông Cường cũng cho biết thêm, hiện nay UBND huyện A Lưới đã phê duyệt Dự án định canh, định cư cho người dân xã Hồng Quảng thiếu đất ở vào xã Nhâm. Huyện cũng đã phê duyệt quyết định về hỗ trợ đất sản xuất cho các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Dung cho rằng: “Chương trình giảm nghèo tại A Lưới đã có những tiến chuyển tốt trong thời gian qua. Bản thân các hộ gia đình dân tộc thiểu số, các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở đây đã được hưởng lợi từ những chính sách của chương trình, như BHXH, BHYT, nhà ở, chất lượng đời sống nâng lên”,…Đồng thời ông Dung khẳng định, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Ban chỉ đạo tỉnh đang tích cực chỉ đạo các chương trình phát triển trung và dài hạn của địa phương, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới. Tỉnh yêu cầu các địa phương vận dụng tối đa và có hiệu quả nguồn lực từ các chương trình 135 giai đoạn 3, nguồn vốn phát triển xã bãi ngang,… Đặc biệt, ông Dung nhấn mạnh: “Trong chương trình giảm nghèo ở A Lưới nói riêng, trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên -Huế nói chung cần phải xóa bỏ tư duy thành tích và tập trung vào những việc làm thiết thực, mang lại hiệu quả cao”.