CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:12

Người Phát ngôn Chính phủ trả lời một số vấn đề báo chí, dư luận quan tâm

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cùng dự và chủ trì buổi họp báo có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, đại diện lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Tài chính, GD&ĐT, GTVT và Ngân hàng Nhà nước.

Thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì diễn ra cùng ngày để đánh giá tình hình KTXH 7 tháng đầu năm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết:

Đánh giá tình hình KTXH qua báo cáo của Bộ KH&ĐT, ý kiến các thành viên Chính phủ và nhiều báo cáo gửi kèm theo để các thành viên Chính phủ nghiên cứu, Thường trực Chính phủ kết luận tình hình KTXH tháng 7 và 7 tháng đầu năm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Tín hiệu đáng chú ý nhất là sản xuất công nghiệp vẫn trên đà phát triển tăng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 10%, góp phần cho tăng trưởng của chúng ta. Một số chỉ số kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, giá tiêu dùng có thấp so với nhiều năm nhưng đánh giá về sức mua tổng cầu tăng trưởng khá.

Tuy nhiên, xuất hiện nhiều vấn đề cần phải chú ý. Trước hết, chúng ta hết sức chia sẻ nỗi đau do biến động khí hậu khiến Quảng Ninh phải chịu trận lũ lịch sử. Theo đánh giá của các chuyên gia, 50 năm mới có một cơn lũ như thế. Đến giờ này, theo thống kê chưa đầy đủ, số người chết là 17 người và mất tích là 6 người. Thường trực Chính phủ đã có 2 công điện và trực tiếp chỉ đạo qua nhiều kênh thông tin khác đối với các bộ, ngành, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão và cứu nạn. Hiện nay Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được Thủ tướng phân công đang trực tiếp đến Quảng Ninh chỉ đạo khắc phục hậu quả của cơn lũ. Chính phủ chia buồn với gia đình có người thân bị chết, mất tích và những gia đình bị thiệt hại. Tổng thiệt hại đến giờ này trị giá khoảng 1.500 tỉ đồng. Trước mắt, chúng ta tập trung khắc phục hậu quả trước, còn nguyên nhân để xảy ra thiệt hại như vậy thì các cơ quan chức năng, lãnh đạo các ngành sẽ có trách nhiệm làm rõ, rút kinh nghiệm.

Vấn đề thứ hai là sản xuất nông nghiệp vẫn gặp khó khăn. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, hiện nay nhiều hộ nông dân đang cố gắng gượng dậy và tiếp tục sản xuất, kinh doanh để vực dậy tình hình. Chúng ta cố gắng giữ được nhịp độ phát triển bằng hoặc hơn năm ngoái.

Vấn đề nữa là cân đối ngân sách, thu ngân sách của chúng ta giảm, những giải pháp hỗ trợ hiện nay vẫn còn một số khó khăn nhất định.

Một vấn đề nữa là xuất khẩu có tăng so với cùng kỳ nhưng nhập khẩu vẫn ở mức cao hơn, nhập siêu 3,3 tỉ USD. Mặc dù, tín hiệu đáng mừng là du lịch tăng trở lại sau 2 tháng giảm nhưng cũng chưa nói được gì cả. Có thể chúng ta đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, trong đó có vấn đề visa, nhưng chưa đủ cơ sở để nói.

Những tháng còn lại của năm, từng bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao, tình hình và những giải pháp đề ra để có những biện pháp phù hợp thực hiện 9 giải pháp đầu năm chúng ta đề ra. Đồng thời phải có sự phối hợp đồng bộ hơn nữa để vượt qua những khó khăn trên từng lĩnh vực, cố gắng đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Về tình hình trật tự xã hội, trong tháng qua và 7 tháng, xuất hiện một số vụ án hình sự,  rồi buôn bán ma túy quy mô lớn có tính chất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Mặc dù chúng ta đã phá án, đã bắt được đối tượng nhưng cho thấy tình hình có những phức tạp, chúng ta hết sức lưu ý để truyền thông nâng cao cảnh giác, bảo vệ tình hình trật tự an toàn xã hội ngày càng tốt hơn. Các ngành chức năng đang nỗ lực phối hợp thực hiện các công việc của mình nhưng toàn xã hội phải có ý thức chung để lo việc giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên chủ trì phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2015. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Về các câu hỏi của phóng viên báo Pháp luật TPHCM, báo điện tử Vnexpress, báo Tuổi trẻ liên quan đến công tác bổ nhiệm cán bộ sau khi cơ quan công an khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), nguyên Tổng Giám đốc OceanBank; về việc rà soát đánh giá hậu quả đầu tư ngoài ngành của một số tập đoàn, tổng công ty; về vụ việc liên quan đến giải phóng mặt bằng tại tỉnh Hải Dương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho hay:

Đối với chúng ta, công tác cán bộ nói chung và bổ nhiệm cán bộ đã có quy định khá đầy đủ cho từng cán bộ, tổ chức có trách nhiệm được làm gì.

Quy định về quản lý cán bộ cũng đã khá đầy đủ. Để bổ nhiệm cán bộ lên chức vụ như thế cần có quy trình khá chặt chẽ, theo từng bước, từng khâu. Cụ thể như: Nhận xét đánh giá, xem xét điều kiện, thẩm định tiêu chuẩn… đều được công khai minh bạch dân chủ, có ý kiến của từng tổ chức có chức năng quản lý cán bộ.

Ở đây, việc thực hiện quá trình bổ nhiệm đó không phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật hay đã có dấu hiệu vi phạm nhưng cố tình làm không đúng thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ. Đương nhiên, để phát hiện sai phạm, cơ quan điều tra phải qua nhiều nguồn tin, phải có đủ căn cứ để xác định một người có hành vi vi phạm pháp luật hay không, từ đó mới áp dụng biện pháp ngăn chặn cần thiết.

Trong các khâu bổ nhiệm, quan trọng hàng đầu là công tác đánh giá cán bộ (về năng lực, đạo đức…) và đây chính là khâu khó nhất trong các khâu.

Quan điểm của Chính phủ là một người có hành vi vi phạm pháp luật ở cương vị nào cũng đều xử lý nghiêm minh, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Bắt nguồn từ vụ Hà Văn Thắm, điều tra mở rộng phát hiện ra ông Sơn có 2 tội trong thời gian làm việc ở Oceanbank là cố ý làm trái, vi phạm các nguyên tắc, cụ thể sai phạm thế nào cơ quan điều tra sẽ xác định, tìm ra khâu nào ta còn yếu kém. Chính phủ đang chỉ đạo hoàn thiện cơ chế cán bộ ngày càng chặt chẽ hiệu quả hơn.

Còn về vụ việc ở Hải Dương ngày 10/7, nghe tin ở Hải Dương có vụ xe máy xúc chèn người, Thủ tướng đã chỉ đạo ngay lập tức, xem xét đánh giá lại tình hình, đề nghị lãnh đạo tỉnh Hải Dương xử lý nhanh chóng nhất. Sau đó, UBND tỉnh Hải Dương có báo cáo sơ bộ bước đầu với Chính phủ. Sau khi đối chiếu 3 nguồn thông tin, một là từ người dân (tức là dư luận xã hội), một từ chủ đầu tư VSIP, một thông tin báo cáo từ UBND tỉnh, có một số tình tiết không giống nhau. Do đó, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra xem xét kỹ để kết luận. Nếu có dấu hiệu vi phạm thì xử lý nghiêm minh, đồng thời giải quyết các tranh chấp thỏa đáng, sớm ổn định tình hình, đưa các hoạt động bình thường trở lại. Được biết, địa phương cũng đang tập trung chỉ đạo, thực hiện vấn đề này.

Bộ trưởng nói thêm, thực tế đây là câu chuyện xảy giữa người lái máy xúc và người dân cản máy xúc không cho vào khu công nghiệp, khi chủ đầu tư VSIP thuê một công ty mang xe đến làm, lúc đó không có các cơ quan chính quyền, do đó các tình tiết chưa xác minh được. Nhưng Chính phủ chỉ đạo rõ ràng nếu có vi phạm xử lý nghiêm minh, vi phạm đến đâu xử lý đến đó.

 

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cũng câu hỏi của các phóng viên trên về đề nghị của Bộ Tài chính đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho vay 30 nghìn tỉ đồng, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN trả lời:

Các quy định pháp luật hiện hành không cấm NHNN hỗ trợ cho ngân sách Nhà nước (NSNN), trong điều hành NSNN thì điều hòa vốn qua Kho bạc Nhà nước (KBNN) có thời điểm cần hỗ trợ của NHNN.

NHNN sẽ xem xét đánh giá đề nghị trên cơ sở mục tiêu chung ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, nếu có hỗ trợ, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện theo quy định thông qua tiền cung ứng.

NHNN luôn sử dụng giải pháp đồng bộ điều tiết lượng tiền hợp lý, phù hợp mục tiêu kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế, thực hiện điều tiết qua các kênh khác nhau, đảm bảo mục tiêu.

Về thoái vốn, thực hiện chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành, NHNN đã có tờ trình Chính phủ về các giải pháp thoái vốn, trong đó có nội dung thoái vốn PVN ở PVcombank, NHNN đang phối hợp Bộ Công Thương, PVN thực hiện quy trình theo quy định của pháp luật.

PV Cầm Văn Kình (báo Tuổi trẻ TPHCM): Nguồn cung ứng tiền có phải tiền dự trữ bắt buộc hay tiền nhàn rỗi ngân hàng tại KBNN, có ý kiến cho rằng có phải năm nào NSNN cũng vay tiền từ NHNN, nếu không trả nợ đúng hạn có ảnh hưởng kinh tế vĩ mô không. Nếu NSNN khó khăn thì có nên bỏ bớt các khoản đầu tư chưa cần thiết như 11 nghìn tỉ xây bảo tàng quốc gia không?

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Về cung ứng tiền dự trữ bắt buộc thì đây là vấn đề kỹ thuậtNHNN hỗ trợ cho NSNN là tạm thời. Trong điều hành, NSNN và KBNN có thời điểm cần sự hỗ trợ, nhưng thời gian rất ngắn. Theo quy định,  các khoản NHNN tạm ứng  cho NSNN vay phải hoàn trả trong năm ngân sách.

Nếu có sự hỗ trợ NHNN đều thực hiện đúng như vậy, khi thực hiện cung ứng tiền, dù kênh nào NHNN đều có giải pháp điều tiết trở lại để đảm bảo mục tiêu chính sách tiền tệ. Thời gian qua, NHNN điều hành chính sách tiền tệ rất chặt chẽ đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải: Tình hình ngân sách như Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nêu có khó khăn chủ yếu do giá dầu thô giảm nhưng 7 tháng thu đạt 59,8% dự toán cao hơn 6-7% trong 2,3 năm gần đây. Kết quả thu ngân sách 7 tháng là tích cực. Căn cứ vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và dự báo tình hình, Bộ Tài chính đang quyết tâm chỉ đạo đảm bảo vượt dự toán thu năm 2015 do Quốc hội đặt ra.

Thu ngân sách dự kiến vượt dự toán, về phía chi, Bộ Tài chính  đang kiên quyết giữ bội chi không quá 5% theo Nghị quyết của Quốc hội. Việc điều hành dự toán Ngân sách không  bị thâm thủng so với kế hoạch đề ra. Có thể khẳng định vay 30 nghìn tỷ không phải do khó khăn về thu ngân sách. Thực tế, trong điều hành, có tháng thu nhiều, có tháng thu ít hơn. Bộ Tài chính điều hành nhiệm vụ chi, căn cứ vào nguồn thu và các kế hoạch đã đề ra. Việc vay tiền NHNN chỉ là thời điểm nhất thời, sẽ hoàn trả trong năm, việc thu và điều hành ngân sách sẽ không khó khăn gì trong việc hoàn trả.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương thực hiện triệt để dự toán chi ngân sách đã đề ra, khi thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng (về tăng cường chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2015) sẽ đảm bảo thực hiện tốt dự toán ngân sách đã đề ra trong năm 2015.

 

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phóng viên VTV 24: Mấy ngày gần đây,có tình trạng gà Mỹ chỉ có giá 30.000-40.000 đồng/kg, thậm chí không bằng mức chi phí nuôi của Việt Nam trong khi giá gà của Việt Nam vẫn ở mức cao và không bán được, nhiều người dân phải bỏ chuồng. Trong tình trạng này, nông dân của Việt Nam sẽ phải bỏ nuôi gà. Xin hỏi Bộ trưởng, chúng ta sẽ có giải pháp gì? Liên quan đến việc xuất khẩu thủy sản, trong 6 tháng vừa qua nhất là trong tháng 7, sụt giảm nghiêm trọng tới 16% so với năm ngoái. Đặc biệt, xuất khẩu thủy sản vào các thị trường chính, đặc biệt là Nga, doanh nghiệp đang kêu rằng không có cách nào để vào thị trường Nga. Trong hơn 400 DN xuất khẩu thủy sản đạt tiêu chuẩn sang EU, sang Mỹ, sang Anh, chỉ có trên 20 DN được phép xuất khẩu vào thị trường Nga. Các DN băn khoăn tại sao thị trường Nga lại khó khăn như vậy trong khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn vào EU, Mỹ, Anh?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Tại phiên họp của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT có nêu vấn đề này. Hiện nay, một số đùi gà, chân gà nhập khẩu với giá rẻ bất thường nên có ý kiến đặt ra là hiện nay, nhu cầu sử dụng thịt khi hội nhập không giống nhau. Ví dụ một số số nước sử dụng thịt không phải là đùi, chân nhưng Việt Nam lại có nhu cầu sử dụng như thế. Tuy nhiên, giá là vấn đề khác. Trong thảo luận, Chính phủ cũng có ý kiến cho rằng, có những hộ nông dân trong lĩnh vực này đã nắm thông tin rằng ngay những nước như Mỹ, giá đùi, chân cũng cao hơn họ xuất cho mình. Nếu đó là sự thật thì xuất hiện tình huống gọi là phá giá và như vậy phải có điều tra kỹ lưỡng đúng theo quy trình và quy định chung khi hội nhập. Vấn đề này, Chính phủ có bàn và kết luận là đề nghị các tổ chức, cơ quan được phân công tiếp tục làm rõ, sớm xử lý vấn đề. Mới có dấu hiệu như thế chứ chưa thể kết luận theo thông tin sơ bộ được. Còn cụ thể, xuất thế nào, nhập thế nào, đề nghị Bộ Công Thương bổ sung ý kiến, trình bày thêm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng:  Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã cơ bản trả lời câu hỏi về việc nhập khẩu gà. Khi chúng ta xác định có hiện tượng dẫn đến việc bán phá giá thì chúng ta phải tiến hành quy trình điều tra, xác minh rõ ràng xem đây là hiện tượng đơn lẻ hay hiện tượng có tính chất đồng bộ, rồi gà loại gì? Sau khi điều tra và có kết luận, chúng ta sẽ tiến hành thủ tục để kết luật phá giá hay không bán phá giá như Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP đã nói.

Về xuất khẩu thủy sản sang Nga và EU, trước kia xuất khẩu thủy sản tương đối tốt và sau một thời gian, khối lượng xuất khẩu thủy sản của chúng ta sang Nga có giảm đi, phía Nga có dừng cấp phép nhập khẩu đối với một số DN Việt Nam. Tuy nhiên, qua trao đổi, gần đây phía Nga đã mở cửa trở lại cho rất nhiều DN của chúng ta xuất khẩu. Phía Nga cũng có điều kiện và quy định rất chặt chẽ về thủy sản. Trong các DN của chúng ta được xuất khẩu, nhiều DN tiếp tục thực hiện các điều kiện của phía Nga trước khi được phép hoàn toàn vào thị trường. Chúng tôi cũng đang làm việc tích cực với phía Nga để đảm bảo thúc đẩy hơn nữa lượng xuất khẩu của DN vào thị trường Nga nhằm tăng cường hơn nữa trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nga theo đúng tinh thần 2 bên. Ngoài ra chúng ta vừa ký FTA với Nga và Liên minh Kinh tế Á-Âu (Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan), bắt đầu chuẩn bị cho một chương trình mới xuất khẩu thủy sản vào Nga và Liên minh. Hai bên vẫn đang tích cực làm việc để thúc đẩy việc này trong thời gian tới.

PV Hải Vân (tạp chí Năng lượng Việt Nam): Mới đây, Bộ Công Thương ra thông báo sẽ giảm biểu giá điện bậc thang xuống 3 bậc. Xin hỏi bao giờ thì việc này sẽ được thực hiện? Trong bối cảnh nhập khẩu than khó khăn, việc đình trệ sản xuất của ngành than tại Quảng Ninh tác động như thế nào tới nhập khẩu than và cung ứng than trong nước?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng: Giá điện bậc thang cho sinh hoạt được xác định theo bậc lũy tiến, với những mục tiêu khá rõ ràng. Bậc thang xác định trên cơ sở khuyến khích việc tiết kiệm năng lượng, sử dụng điện hiệu quả và bảo đảm cho ngành điện phát triển bền vững.

Cơ sở của việc áp dụng giá điện theo bậc thang như sau: Thứ nhất, việc sản xuất ra điện sử dụng rất nhiều tài nguyên thiên nhiên của đất nước, vì vậy, cũng như nước sinh hoạt và các tài nguyên khác, chúng ta phải khuyến khích sử dụng điện một cách tiết kiệm, hiệu quả.

Thứ hai, trong quá trình hoạt động của hệ thống nhà máy điện, khi nhu cầu thấp thì sử dụng các nhà máy điện có giá thành thấp, nhu cầu lên cao thì từng bước sử dụng những nhà máy điện có giá cao tăng dần. Vì vậy, nhu cầu càng tăng lên thì giá điện sẽ cao hơn nhiều. Tương đương như vậy, nếu chúng ta có một thị trường điện theo giờ như nhiều nước trên thế giới đã áp dụng, thì giờ thấp điểm, giữa điểm và cao điểm có giá cả khác hẳn nhau, theo bậc thang của nhu cầu tăng lên.

Thứ ba, để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của xã hội. Ở đây, ví dụ chúng ta có 6 bậc thì bậc 1, 2 dành cho hộ có thu nhập thấp, còn bậc 5, 6 dành cho những hộ có thu nhập cao hơn. Tức là, mức tiêu thụ điện gần như là tương ứng với thu nhập của các đối tượng khác nhau trong xã hội.

Như vậy, việc xác định bậc thang trong biểu giá điện sinh hoạt có cơ sở rất rõ ràng về kinh tế, kỹ thuật, xã hội và đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới.

Việc mỗi nước áp dụng bao nhiêu bậc thang thì tùy theo tính toán cụ thể.

Thời gian qua, chúng tôi thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đang nghiên cứu, rà soát lại, sẽ xem xét đề xuất để có bổ sung thích hợp hơn. Bất cứ điều chỉnh nào đều có một bộ phận chịu tác động, do đó cần phải cân nhắc kỹ lưỡng việc này để có bậc thang phù hợp hơn so với tình hình thực tế hiện nay.

Về câu hỏi thứ hai, việc nhập khẩu than đã có lộ trình để đáp ứng cho các nhà máy nhiệt điện than trong thời gian tới. Đấy là lộ trình dự kiến thực hiện năm 2016-2017.

Cơn lũ vừa rồi có ảnh hưởng tới sản xuất và cung ứng của ngành than, của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Bộ Công Thương đã chỉ đạo Vinacomin phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các nhà máy điện liên quan của Vinacomin, của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) rà soát lại vấn đề cung ứng than để bảo đảm cho các nhà máy điện hoạt động đầy đủ, trên cơ sở dự trữ than hiện có của các nhà máy điện, các nguồn khác nhau của Vinacomin từ những vùng chưa bị lũ, những vùng đang dự trữ và đồng thời kết hợp với Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia của EVN để cân đối việc huy động các nhà máy một cách thích hợp, từ các nguồn nhiệt điện chạy than, chạy khí và từ các nguồn thủy điện khác nhau. Việc này sẽ bảo đảm trong mọi tình huống xảy ra, kể cả mưa lớn kéo dài, thì vẫn bảo đảm tối đa hoạt động của các nhà máy điện và cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu của đất nước.

PV Quốc Dũng (tạp chí Tri thức trẻ): Trong bối cảnh thu ngân sách tiếp tục phụ thuộc vào khai khoáng, Việt Nam chuẩn bị gia nhập TPP, Bộ Công Thương được Chính phủ giao chủ trì xúc tiến để Việt Nam tham gia “Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng EITI”, nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa công bố Việt Nam có tham gia hay không? Có ý kiến cho rằng việc này diễn ra chậm quá. Xin hỏi ý kiến của Bộ Công Thương đối với việc này như thế nào? Và VPCP đã thúc giục Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan về vấn đề này như thế nào?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng:  Trước đây, việc thu ngân sách phụ thuộc vào khai khoáng rất nhiều và công nghiệp khai khoáng là một trong những ngành quan trọng. Chúng ta đã được các tổ chức quốc tế EITI của Anh đề nghị tham gia vào “Sáng kiến minh bạch công nghiệp khai khoáng”. Hiện tại Đông Nam Á đã có một số nước làm quan sát viên và chúng tôi đã tìm hiểu. Tuy nhiên, cần chuẩn bị thật tốt để khi chúng ta tham gia EITI với tư cách quan sát viên hay thành viên chính thức thì vẫn đảm bảo tính hiệu quả, nâng cao nỗ lực phòng chống tham nhũng và hiệu quả việc thu ngân sách.

Trong yêu cầu của họ, có rất nhiều vấn đề liên quan đến hệ thống thông tin, thống kê, báo cáo hằng năm. Do đó, chúng ta phải tìm hiểu kỹ hơn về sự tương thích giữa các hệ thống thông tin và nắm rõ hơn nội hàm trước khi xác định. Vì nhiều khi có những thông tin khi đưa ra yêu cầu chỉ số như thế này nhưng hệ thống chúng ta khác thì chúng ta phải làm rõ. Hơn nữa, hệ thống này liên quan đến tất cả các doanh nghiệp khoáng sản, không phải chỉ với các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Than-Khoáng sản mà còn rất nhiều doanh nghiệp nhỏ cấp tỉnh và thấp hơn nữa. Chúng ta phải làm việc với tất cả các doanh nghiệp đó, thống kê lại và làm rõ khả năng tiếp cận thông tin của họ. Chính vì thế, việc này cần thời gian, chúng ta không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai được. Bộ Công Thương đang trong quá trình phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để rà soát và báo cáo Chính phủ về khả năng tham gia EITI.

PV Nghĩa Nhân (báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh): Đầu tháng này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn cấp cao thăm Mỹ, hai bên đã tuyên bố những thỏa thuận hợp tác mới. Việc triển khai các thỏa thuận hợp tác này thuộc về Nhà nước, Chính phủ đã có chuẩn bị gì, đã có tính toán và đề xuất gì?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư nằm trong tổng thể chiến lược ngoại giao của Việt Nam, Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước và theo lời mời của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước đã truyền thông rất nhiều về nội dung, mục đích, ý nghĩa và kết quả chuyến đi, với những bình luận nhiều khía cạnh nhưng nhìn chung là tích cực, xem đây là chuyến đi lịch sử để đưa quan hệ đối tác toàn diện hai nước lên tầm cao mới, hiệu quả và thực chất hơn, trên cơ sở lòng tin, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chể chính trị của nhau, thể hiện qua Tuyên bố chung giữa hai nước.

Nhiều văn kiện hợp tác cấp Chính phủ, cấp bộ, ngành và doanh nghiệp đã được ký kết trong chuyến đi. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Chính phủ đã và đang chỉ đạo tích cực triển khai, trọng tâm là thúc đẩy quan hệ ngoại giao, chính trị, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục-đào tạo và đặc biệt quan trọng là hoàn tất đàm phán TPP. Theo thông tin mà chúng tôi vừa nhận được trước khi đến đây, hiện các nước đang ngồi lại chuẩn bị cho những công việc cuối cùng của đàm phán TPP. Cái gì cũng có hai mặt nhưng đây là quá trình theo đuổi kiên trì của chúng ta trong hợp tác. Chúng ta vận động Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, giảm rào cản với hàng hóa của Việt Nam. Chính phủ đang tập trung chỉ đạo việc này và đoàn đàm phán đang làm việc.

Thứ hai là hợp tác thực chất nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có việc tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ và bộ đội Việt Nam mất tích, rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả chất độc da cam tại Việt Nam.

Ba là với các vấn đề khu vực và quốc tế, chúng ta tích cực hợp tác với Hoa Kỳ trong các lĩnh vực quan tâm chung, đi đôi với xử lý các vấn đề khu vực trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo đảm an ninh an toàn hàng hải và hàng không, thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận khu vực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, đẩy mạnh ngăn ngừa phổ biến vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước. Đây là những công việc mà Chính phủ đang tập trung chỉ đạo các bộ, ngành chức năng thực hiện, nằm trong chương trình hợp tác chung.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh