THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:56

Nơi đàn ông không mặc váy sẽ... ế vợ

Mặc váy sặc sỡ để thu hút phái đẹp

Lần đầu tiên tiếp cận với cộng đồng người Chà để tìm hiểu nền văn hóa và phong tục của họ, TS. văn hóa Trần Văn Nam cũng phải ngỡ ngàng: “Trước đây khi chưa đến vùng đất biên giới này, tôi cũng có nghe nhiều đồng nghiệp nói, nhưng cứ nghĩ chỉ những người già mới mặc váy cho thuận tiện hơn trong một số sinh hoạt cá nhân. Thế nhưng khi đến đây, thì tôi thấy các chàng trai càng trẻ lại thích mặc váy hơn, giống như người Kinh trưng diện các loại áo sơ mi và quần tây vậy”.

Làng người Chà nằm ở xã Đa Phước (huyện An Phú, An Giang). Từ lâu nhiều nét văn hóa độc đáo của người Chà vẫn được giữ gìn, gây tò mò lẫn sự lý thú đối với nhiều khách đến thăm vùng đất này. Ông Trần Văn Tĩnh, thường xuyên đến vùng đất sông nước này thổ lộ: “Sở dĩ tôi thích qua lại vùng đất này nhiều lần cũng bởi mê đắm những phong tục người Chà đấy. Họ lạ lắm, chào khách thì nghẹo đầu sang một bên chứ không cúi xuống hay nhoẻn miệng cười như những nơi khác”. Nằm ở cuối dòng sông Tiền thơ mộng, ngay bên đường biên giới, người Chà sống như tách biệt hẳn.

Trong ý nghĩ nhiều người, làng người Chà này như một vương quốc riêng đầy huyền bí vậy. Hôm đó sau bữa cơm chiều, khi biết chúng tôi có ý định tìm hiểu sự kỳ lạ ở vùng đất này, được ông Trà Văn Bông, kể: “Vùng đất này còn có một lời nguyền riêng, những kẻ độc ác sẽ bị biến thành heo. Còn những kẻ trộm cắp sẽ bị sông Tiền kéo chân xuống đáy sông và không bao giờ lên được. Còn con trai, nếu không mặc váy từ khi lên 7 tuổi thì không phải là người ngoan hiền”.

Sau lời giới thiệu, ông Bông chỉ chúng tôi sang nhà anh Bàn Văn Thi. Mấy ngày nay anh Thi xốn xang sắm rất nhiều váy sặc sỡ để chuẩn bị đi rước dâu. Thi bảo: “Nếu bước sang tuổi đôi mươi, ngưỡng tuổi để đi tìm hiểu và lập gia đình, các chàng trai người Chà không có các bộ váy sặc sỡ thì các cô gái sẽ không tiếp chuyện. Có ông bố khó tính còn cấm cửa nếu như các chàng trai không sắm được những chiếc váy hoa với nhiều màu sắc”.

Cũng theo anh Thi, người Chà nghĩ rằng, đàn ông mặc váy hoa nhiều màu khi đi tìm hiểu và lấy vợ sau này cuộc sống của vợ chồng trẻ sẽ tươi mới, luôn vui vẻ và tràn đầy sự hấp dẫn như chính những chiếc váy của các chàng trai vậy. Ông Trà Văn Bông bảo: “Nhiều chàng trai trẻ trong vùng đất này khi đi lên thị xã hay lên TP. Hồ Chí Minh họ đều bị rất nhiều người săm soi. Hơn nữa, những bộ quần áo của người Kinh không làm vừa mắt người Chà, nên người ta chỉ thích ở đây thôi, không muốn ra ngoài làm gì, lạc lõng và xa lạ lắm.

Những chàng trai Chà là con nhà khá giả khi chuẩn bị cưới vợ là sắm đến hàng chục chiếc váy với đủ loại màu sắc”.Cũng giống các chàng trai trẻ, khi đến tuổi lấy chồng, các cô gái Chà vấn khăn quanh đầu, che kín cổ. Ông Bông tự hào cho biết: “Cái đẹp nhất của con trai ở đây là chiếc váy, thì cái cuốn hút nhất của các cô gái là đôi mắt. Họ bịt kín hết, chỉ giao tiếp và nhắn nhủ với đối phương bằng đôi mắt là chính, khi nào thân thiện mới mở chiếc khăn che mặt ra. Có nhiều chàng trai mê đắm các cô gái cũng bởi đôi mắt sâu thăm thẳm ấy. Khi thấy hợp ý nhau rồi thì không trò chuyện qua lớp khăn bịt mặt nữa”.

Thực hư luyện phép thuật thiên linh?

Trước khi vào vùng đất kỳ bí của người Chà, ông chủ quán nước Trần Văn Bang kể cho tôi nhiều câu chuyện về bùa ngải và thuật yểm thiên linh của người Chà. Theo ông Bang: “Nhiều năm trước có những người xa lạ vào vùng đất của người Chà chơi đúng vào đêm họ làm lễ tế cúng các thần linh nên họ yểm luôn.

Có người bị yểm xong không còn muốn trở về nhà nữa mà cứ ở mãi vùng đất đó để phục dịch và làm lụng cho người Chà giống như nô lệ vậy. Cũng có những người vì trót đi lạc vào vùng đất này mà bị họ bắt tham gia một buổi luyện phép thiên linh khiến cho tâm hồn và tính cách biến thành người Chà luôn đấy. Thế nên, nhiều người đến đây nhưng rồi lại quyết định không vào thăm làng người Chà nữa đâu”.Lời nói của ông Bang cứ thế truyền tai cho nhiều người, trở nên huyền bí hơn.

Tuy nhiên theo lý giải của TS. Trần Văn Nam, những lời của ông Bang chỉ mang tính truyền miệng và cũng thiếu cơ sở. Bởi vì việc luyện phép thuật thiên linh dường như chỉ có trong những truyện thần thoại xa xưa chứ làm sao mà tồn tại giữa vùng đất với nhiều sự phát triển hiện đại ở đây được.

Nghe thông tin của ông Bang, ông Cả Musa (tộc trưởng của người Chà) hoàn toàn ngỡ ngàng và phủ nhận ngay. Ông giãi bày: “Người ta cứ đồn thổi thế chứ cái phép thuật luyện thiên linh gì đó chỉ là chuyện kể cho các cháu bé mới sinh nghe để chúng thích thú và dễ ngủ thôi chứ thực tế làm gì có. Ngay cả chuyện bùa ngải người Chà cũng không biết yểm đâu. Nhiều người vào đây thì sẽ hiểu rõ điều này.

Tuy nhiên người Chà có một nguyên tắc bất biến rằng, khách lạ nếu là đàn ông khi đến thăm vùng đất này thì phải mặc thử váy của các chàng trai ở đây để thể hiện lòng mến mộ với chủ nhà”. Theo ông Cả Musa, người Chà ở vùng đất này thường được gọi là người Chà Châu Giang. Tộc người Chà này được hình thành từ những năm cuối của thế kỷ XIX. Sau này do nhiều biến loạn có lúc họ tan rã ra khắp nơi nhưng không hội nhập được với phong tục ở những nơi khác nên lại quay về quần tụ với nhau bên dòng sông Tiền này.

Nhiều người Chà cao tuổi kể rằng, có người còn gọi họ là Chăm miền Tây. Xưa, tướng Thoại Ngọc Hầu khi thực hiện công trình kênh Vĩnh Tế, đã huy động một nhóm người Chăm vào vùng đất này. Đào xong kênh Vĩnh Tế, tướng Thoại Ngọc Hầu đã chia đất vùng Châu Giang cho người Chăm sinh sống nên trong tiềm thức của mỗi người Chà nơi đây họ đều xem đây là vương quốc của mình. Điều thú vị nữa, là hầu như gia đình nào cũng lập bàn thờ tướng Thoại Ngọc Hầu để thể hiện lòng kính trọng đối với ông.

Phân biệt địa vị, tuổi tác nhờ màu của váy

Người Chà lập ra quy ước miệng với nhau rằng, những chuyện quan trọng trong cộng đồng đều do phụ nữ quyết định. Ngay cả những việc trong gia đình cũng thế, người đàn ông chỉ biết phục tùng tuân theo. Ngay cả cách ăn mặc, phụ nữ có thể mặc áo hoặc quần tùy ý, nhưng đã là đàn ông thì chỉ được mặc duy nhất váy mà thôi. Ông Cả Musa kể rằng: Sau này có một số người Chà từ tận Malaysia cũng sang đây định cư, họ ăn ở hiền lành nên chính quyền cũng tạo thuận lợi cho họ sinh sống thôi. Thế nên cộng đồng người Chà mới ngày càng đông lên đến thế.

Trong các dòng họ đều phân ra các chi. Chi trên thì đàn ông mặc váy màu nâu sẫm, chi dưới thì mặc váy màu xanh, chi nhỏ nhất thì mặc váy đỏ. Ai không làm theo coi như phỉ báng lại tổ tông của mình. Ngay cả các chức sắc trong làng cũng thế, già làng hay trưởng làng thường mặc váy gấm màu sám. Thanh niên thì mặc váy hoa nên rất dễ phân biệt. Một người đàn ông đúng nghĩa là phải mặc váy từ bé cho đến khi chết.

Ông Cả Ma Yên năm nay đã bước vào tuổi 60, bộc bạch thêm: “Vì phụ nữ lo những công việc chủ chốt trong làng nên đàn ông phải nấu ăn và lo nội trợ. Người Chà chỉ thích ăn thịt một con vật duy nhất là bò. Con trai khi bước qua tuổi lên 10 sẽ được phân công mỗi người nuôi một con bò, làm thịt luân phiên hết nhà này đến nhà khác. Nếu thịt bò mua từ chợ hoặc nơi khác về là không chấp nhận được. Vì theo họ  chỉ có những con vật chính mình nuôi mới cho sức khỏe dồi dào sau khi ăn thịt nó”.

Mỹ Nga

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh