THỨ NĂM, NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 2024 10:21

Nổi da gà với những thành tích “không tưởng” của cậu bé bại não

Anh Công Luận là thầy giáo dạy kỹ thuật điện, còn chị Kim Ngọc vợ anh là cô giáo dạy tin học. Cả hai kết hôn gần một năm thì cậu con trai kháu khỉnh chào đời, được ba mẹ đặt tên là Phúc. Sự xuất hiện của bé Phúc khiến gia đình nhỏ của họ tràn ngập hạnh phúc.

Thế nhưng cuộc đời vốn không êm đềm như vậy. Khi Phúc tròn 6 tháng tuổi, chị Ngọc phát hiện con vẫn chưa thể ngồi được dù ánh mắt của con vẫn rất lanh lợi. Lo lắng con phát triển khá chậm so với cột mốc vận động của một đứa trẻ bình thường, chị Ngọc đưa con đi khám điện não thì được bác sĩ kết luận con bị bại não.

Nổi da gà với những thành tích “không tưởng” của cậu bé bại não: Thành thạo vi tính, giỏi tiếng Anh, giải nhất cuộc thi viết - Ảnh 1.

Anh Công Luận là thầy giáo dạy kỹ thuật điện, còn chị Kim Ngọc vợ anh là cô giáo dạy tin học.

Chẳng có cha mẹ nào có thể tưởng tượng nổi căn bệnh nghiệt ngã ấy lại có thể rơi vào chính đứa con bé nhỏ của mình. Vì vậy mà cầm trên tay kết quả, chị Ngọc không dám tin, cũng không muốn tin vào sự thật. Cái cảm giác tuyệt vọng như có ai đó vừa đẩy chị xuống vực thẳm, chẳng thể vùng vẫy, cũng chẳng có chỗ để bám víu. Chị tự chất vấn bản thân đã làm gì sai mà biến cố khủng khiếp này lại rơi vào chính gia đình nhỏ của chị, rơi vào chính đứa con chỉ vừa vài tháng tuổi.

Chị Ngọc tự “thôi miên” bản thân với suy nghĩ rằng năm sau con sẽ khác, 3 tuổi con sẽ phát triển hơn. Và cứ như vậy, chị Ngọc phải mất 3 năm ròng rã mới dần chấp nhận sự thật con là trẻ bại não do ngạt khi sinh dẫn đến biến chứng tổn thương não.

“Nhưng dần dần tôi thấy rằng người phụ nữ là linh hồn của gia đình, nhưng nếu cứ buồn cứ khóc thì chồng con cũng đâu vui vẻ gì, và cũng không có động lực để tiếp tục, vì vậy tôi bắt đầu tự tạo năng lượng tích cực cho gia đình”, chị Ngọc nghẹn ngào.

Nổi da gà với những thành tích “không tưởng” của cậu bé bại não: Thành thạo vi tính, giỏi tiếng Anh, giải nhất cuộc thi viết - Ảnh 2.

chị Ngọc phải mất 3 năm ròng rã mới dần chấp nhận sự thật con là trẻ bại não do ngạt khi sinh dẫn đến biến chứng tổn thương não

Đối diện với sự thật, chị Ngọc bắt đầu tự tạo năng lượng tích cực cho gia đình. Dù bận rộn đến mấy chị cũng cố gắng dành thời gian cuối tuần để cùng chồng đưa con đi chơi. Chị rơi nước mắt khi nhớ lại cái khoảnh khắc dẫn con ra ngoài với những ánh nhìn chằm chằm vào con. Có ánh mắt cảm thông, tò mò cũng có và thậm chí là ánh nhìn soi mói của những người xung quanh khi bắt gặp một đứa trẻ khuyết tật. “Thậm chí có những người nói với tôi, như vậy mà còn ẵm đi chơi cầu trượt làm gì”, chị Ngọc nghẹn ngào kể.

Nhưng đã từ lâu gia đình chị chẳng còn quan tâm đến ánh mắt của những người xung quanh, mà chỉ mong con có thể được sống một cuộc sống bình thường, vui vẻ giống bao người. Và để có được điều tưởng chừng như đơn giản đó thì một người mẹ như chị đã trải qua không biết bao nhiêu khổ cực.

Chị Ngọc cho biết, lúc con 6 tháng đến năm 6 tuổi có thể nói là khoảng thời gian cùng cực nhất của gia đình. Vì ngoài bại não, con trai chị còn bệnh vặt liên tục, từ viêm phổi, viêm phế quản hay tiêu chảy… đến chuyện ăn uống cũng khó khăn và hầu như tuần nào chị cũng phải bế con đi gần 50 km từ Long An lên TP.HCM để con nhập viện điều trị.

Nổi da gà với những thành tích “không tưởng” của cậu bé bại não: Thành thạo vi tính, giỏi tiếng Anh, giải nhất cuộc thi viết - Ảnh 3.

Phúc năm 21 tuổi còn rất giỏi tiếng Anh.

“Khi con từ 6 tháng đến 6 tuổi thì đều lấy bệnh viện làm nhà, vợ chồng cũng chỉ gặp nhau lúc thay ca chăm con. Cũng may tôi và chồng cùng đi dạy học nên khi tôi lên bệnh viện chăm con thì anh ấy dạy thế cho tôi được, rồi một tuần thì đổi lại anh lên trông con, tôi về dạy học”, chị Ngọc xót xa nói.

Cứ như vậy, vợ chồng chị Ngọc anh Luận nương tựa vào nhau. Người kiếm tiền thì người vào bệnh viện chăm con rồi lại thay phiên đổi vị trí cho nhau. Thậm chí tranh thủ thời gian ở bệnh viện, chị Ngọc còn tự mày mò tập làm hoa thủ công để bán hay bất cứ việc gì kiếm ra tiền để lo cho con.

Vì kể từ thời khắc biết con mang trong mình căn bệnh bại não, chị không bao giờ dám nghĩ đến việc nghỉ ngơi mà chỉ quan tâm con có khỏe không. “Thậm chí lần đầu tiên tôi make up là lúc đám cưới và lần thứ hai là khi xuất hiện trong chương trình”, chị Ngọc lặng lẽ rơi nước mắt khiến Ốc Thanh Vân cũng không kiềm được mà bật khóc.

Nổi da gà với những thành tích “không tưởng” của cậu bé bại não: Thành thạo vi tính, giỏi tiếng Anh, giải nhất cuộc thi viết - Ảnh 4.

Ốc Thanh Vân cũng tin rằng, dù Phúc không được may mắn như những đứa trẻ khác, dù ba mẹ em cũng đã gặp thử thách quá lớn nhưng Phúc ở một khía cạnh nào đó thì vẫn đúng, vẫn đầy, và vẫn đủ cho một mái ấm “siêu nhân” của gia đình anh Luận chị Ngọc

Năm Phúc lên 6, gia đình chị Ngọc hay tin Giáo sư Nguyễn Tài Thu châm cứu rất tài tình vì vậy hai vợ chồng gom hết tiền bạc để anh Luận đưa con ra Hà Nội cứu chữa. Điều trị suốt 10 ngày liền tại Bệnh viện Châm cứu Trung Ương khiến Phúc hoàn toàn kiệt sức nên anh Luận quyết định đưa con về nhà vì lo sợ con không chịu đựng nổi.

Về nhà hơn 3 ngày thì Phúc khiến cả gia đình hoàn toàn bất ngờ khi đánh dòng chữ: “Mẹ ơi, Hà Nội có hội nghị APEC” rất rõ ràng trên máy vi tính. Theo chị Ngọc, vì tình trạng sức khỏe của con nên từ trước đến giờ chị chưa bao giờ nghĩ đến chuyện dạy con học chữ, ấy vậy mà Phúc đã có thể tự mình biết hết mọi thứ như một phép màu.

Đến bây giờ, Phúc đã tự mày mò tìm hiểu để có thể sử dụng máy vi tính rất thành thạo. Phúc năm 21 tuổi còn rất giỏi tiếng Anh. Em viết truyện và từng đạt giải bài viết ấn tượng nhất trong cuộc thi viết về Doraemon. Thậm chí bây giờ em còn dựng clip cho CLB Gia đình siêu nhân và tìm được niềm yêu thích của mình dành cho phim ảnh và truyền hình khi lập cả một hội nhóm chuyên review phim.

“Mặc dù nhìn con “dặt dẹo” như vậy thôi nhưng lên mạng xã hội thì con trở thành một người khác hoàn toàn”, chị Ngọc nói đầy tự hào và còn cho biết, Phúc là người sống rất tình cảm, hay vỗ về an ủi mẹ mỗi khi mẹ “mít ướt”.

Đã 21 năm trôi qua kể từ ngày con trai chào đời, nhưng đối với chị Ngọc, mọi chuyện cứ như vừa xảy ra. Mỗi lần nghĩ về hành trình cùng con vượt qua số phận trớ trên này, chị Ngọc đều không thể nào kiềm nén được cảm xúc. Thậm chí, đôi khi chị còn không hiểu tại sao bản thân có thể vượt qua được đoạn đường dài và khó khăn như vậy, để đến giờ phút này, chị không chỉ sống một cách mạnh mẽ mà thậm chí còn sống vui vì học được cách bằng lòng và chấp nhận sự thật.

Nổi da gà với những thành tích “không tưởng” của cậu bé bại não: Thành thạo vi tính, giỏi tiếng Anh, giải nhất cuộc thi viết - Ảnh 5.

Anh Công Luận là thầy giáo dạy kỹ thuật điện

Bên cạnh đó, dưới sự hướng dẫn và chăm sóc tận tình của các bác sĩ, gia đình chị Ngọc anh Luận may mắn chào đón thêm một thành viên nhỏ. Em gái của Phúc ra đời lành lặn, kháu khỉnh, tự lập từ rất sớm và rất hiểu chuyện cũng là điều giúp gia đình chị có thêm động lực để mạnh mẽ cùng nhau bước tiếp.

Cũng từ những gì mà bản thân đã vượt qua, giờ đây chị Ngọc trở thành người lắng nghe và chia sẻ những bế tắc trong cuộc sống cùng những gia đình có con bị bại não, với hy vọng có thể giúp họ mau lấy lại năng lượng để vượt qua mọi chuyện.

Đôi mắt đỏ hoe vì không kiềm được nước mắt của người đàn ông ít nói, rắn rỏi như anh Luận và câu chuyện kỳ diệu của vợ chồng anh khiến Ốc Thanh Vân cũng nghẹn ngào rơi nước mắt. Chị cho rằng, đây là điều kỳ diệu hạnh phúc xuất hiện trong cuộc đời của họ dù nó bắt nguồn từ một biến cố quá lớn. Ốc Thanh Vân cũng tin rằng, dù Phúc không được may mắn như những đứa trẻ khác, dù ba mẹ em cũng đã gặp thử thách quá lớn nhưng Phúc ở một khía cạnh nào đó thì vẫn đúng, vẫn đầy, và vẫn đủ cho một mái ấm “siêu nhân” của gia đình anh Luận chị Ngọc.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh