CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:25

Nơi cội nguồn tri ân

Du khách đến thăm quan Khu di tích.

Du khách đến thăm quan Khu di tích.

Nơi ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ

Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Với tinh thần quật cường, kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững nền độc lập Tổ quốc, quân, dân ta đã anh dũng chiến đấu chống lại quân xâm lược.

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt chống thực dân Pháp, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh, cống hiến xương máu, sức lực trên các chiến trường. Thấm nhuần đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc và thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh đối với đất nước, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh.

Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn ra đời ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác, sau đó ít lâu được đổi thành Hội giúp binh sĩ bị thương. Ở Trung ương có Tổng Hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Hội.

Chiều ngày 28/5/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Tổng Hội giúp binh sĩ bị nạn tổ chức cuộc nói chuyện quan trọng để kêu gọi đồng bào gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sĩ bị thương tùy theo điều kiện của gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự. Sau đó, nhiều chương trình quyên góp, ủng hộ bộ đội được phát động, đáng chú ý nhất là cuộc vận động "Mùa đông binh sĩ". Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban vận động đã họp phát động phong trào may áo trấn thủ cho chiến sĩ.

Chiều ngày 17/11/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam đã tổ chức lễ xung phong “Mùa đông binh sĩ”, mở đầu cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ” trong cả nước để giúp chiến sĩ trong mùa đông giá rét với sự có mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ. Ngay tại buổi lễ, Bác Hồ đã cởi chiếc áo len đang mặc để tặng lại các binh sĩ.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 19/12/1946, theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên, đời sống của chiến sĩ, nhất là những chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trước tình hình trên, Đảng, Nhà nước đã đưa ra những chính sách quan trọng về công tác thương binh, liệt sĩ, góp phần ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sĩ.

Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL "Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ". Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn một ngày làm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Dưới gốc cây đa, xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Bắc Thái (ngày nay là Tổ dân phố Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) đã tổ chức cuộc họp và các đại biểu nhất trí chọn ngày 27/7 là Ngày Thương binh toàn quốc. Chiều ngày 27/7/1947 đã tổ chức cuộc mít tinh lớn tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Tại cuộc mít tinh, các đại biểu đã nghe đại diện Chính trị Cục Quân đội Quốc gia Việt Nam đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc. Trong thư Bác viết: “… Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu…”, “… Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy…”. Từ đó, hàng năm, đến ngày 27/7, Bác Hồ đều gửi thư thăm hỏi, động viên các thương binh, gia đình liệt sĩ và nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ.

Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Khu Di tích Lịch sử Quốc gia 27/7.

Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Khu Di tích Lịch sử Quốc gia 27/7.

“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Từ tháng 7/1955, Đảng, Nhà nước quyết định đổi Ngày Thương binh toàn quốc thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27/7 hằng năm chính thức trở thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ  của cả nước.

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1997), tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ - nơi chứng kiến sự ra đời của ngày Thương binh toàn quốc, Bộ LĐ-TB&XH cùng UBND tỉnh Thái Nguyên đã khánh thành khu kỷ niệm 27/7 và dựng bia kỷ niệm với nội dung được khắc trên bia: “Nơi đây, ngày 27 tháng 7 năm 1947, 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố bức thư của Bác Hồ, ghi nhận sự ra đời của Ngày Thương binh - Liệt sĩ”.

Ngày 29/7/2007, tại Khu di tích 27/7, Đảng, Nhà nước đã tổ chức lễ đón nhận bát hương thờ vong linh các anh hùng liệt sĩ từ các nghĩa trang liệt sĩ tiêu biểu trên toàn quốc về đặt tại Khu di tích 27/7. Cùng năm đó, Khu di tích được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích Lịch sử cấp quốc gia.  Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh  - Liệt sĩ, Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục trùng tu tôn tạo mở rộng khuôn viên khu di tích và làm lễ rước chân hương các anh hùng liệt sĩ toàn quốc về thờ tại di tích.

Đã qua 3 lần trùng tu, tôn tạo khu di tích được bố trí theo lối kiến trúc truyền thống gồm cổng Tam quan, nhà tưởng niệm, sân hành lễ. Nằm trong khuôn viên khu di tích còn có đền Ông nơi thờ Đồng Doãn Khuê đỗ tiến sĩ năm 1736 và đền Bà thờ và công chúa Mai Hoa.

Giờ đây, Khu di tích Lịch sử Quốc gia 27/7 là công trình văn hóa lịch sử có ý nghĩa to lớn, đáp ứng nhu cầu du khách đến tham quan và tưởng nhớ công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các anh hùng liệt sĩ, thưởng ngoạn cảnh quan một vùng đất địa linh, sơn thủy hữu tình. Đây cũng là địa chỉ đỏ trên tuyến tham quan Khu du lịch hồ Núi Cốc và các khu di tích ở huyện Đại Từ, nối với các điểm di tích lịch sử cách mạng ATK Định Hóa và Tân Trào, Tuyên Quang.

Tấm bia đá ghi nơi ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ tại Khu Di tích Lịch sử Quốc gia 27/7.

Tấm bia đá ghi nơi ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ tại Khu Di tích Lịch sử Quốc gia 27/7.

Theo ông Trần Đăng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, Trưởng Ban quản lý Khu Di tích Lịch sử 27/7, khu di tích là niềm tự hào của quê hương, là địa chỉ đỏ thể hiện tình cảm, tấm lòng đền ơn đáp nghĩa đến thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh.

Ban quản lý di tích phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan, ngoại khoá ôn lại lịch sự hào hùng của quân và dân ta, tìm hiểu về ngày thương binh liệt sĩ. Qua đó giúp các em nâng cao ý thức tự tôn dân tộc, phấn đấu học tập vì ngày mai lập nghiệp, biết gìn giữ những thành quả mà cha ông ta đã tạo dựng trong mấy ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước.

MINH CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh