CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:12

Nơi bán dâm của những cô gái “hàng Tàu”

Bãi biển Thiên Cầm, Hà Tĩnh mùa đông vắng khách là dịp “làm ăn” hiếm hoi của những cô gái bị lừa bán trốn về.

Cơn mơ hãi hùng

Dễ tính kì lạ! Giá cả quy định cho một chuyến “tàu nhanh” của khu “hàng Tàu” ở bãi biển Thiên Cầm là 150.000 đồng (tiền xe ôm và chai bia trong thời gian chờ đợi nữa là 200.000 đồng) nhưng chị em làm “gái” ở đây đều bảo: “Thích thì cứ “làm” thêm cái nữa. Cho thêm bao nhiêu thì cho, mùa lạnh lẽo này vắng khách, có người nói chuyện là vui”. Duyên (tên cô gái bán dâm) bảo: “Cả dãy 7 quán dưới chân đồi Thông này có hơn 20 chị em, đều là dân bị lừa bán sang Trung Quốc, sau “lệch hộp” (trốn khỏi nhà chồng) được”.

Duyên người Quảng Xương, Thanh Hoá bị lừa bán như muôn vàn người khác: Có người bảo đưa sang Trung Quốc tìm việc lương cao, sau đó bị bán vào nhà chứa. Chấp nhận làm “gái” được 3 năm, cũng gửi được về nhà dăm bảy triệu, không may là xuân sắc chẳng mấy mặn mà, thế là bị bán vào gần Lũng Vài (cách biên giới Việt - Trung gần trăm kilomet). Nhà chồng có 3 thằng con trai suốt ngày vào rừng chặt cây, cưa kéo (chỉ biết láng máng thằng anh trai cả là chồng chính thức vì nó là người đầu tiên quan hệ). Mẹ chồng chết sớm, bố chồng bị dở hơi. Nhưng khốn khổ nhất là 3 thằng chồng xuẩn ngốc, dân sơn tràng, khoẻ như trâu, máu như dê, đang bữa cơm, tiện mấy chén rượu say, đang nuốt dở miếng cơm cũng bị nó lôi tuột vào phòng. Thằng anh đang oằn oại trên người, thằng em đã đạp cửa phòng thình thình. Tranh giành, ghen tuông nhau nên bao nhiêu bực dọc chúng dồn hết lên đầu Duyên.

Rồi Duyên cũng có thai trong chuỗi ngày đày ải, bố nó là ai thì không biết nhưng chắc chắn đó là con mình. Đấy là thời gian tương đối dễ chịu trong gần ngàn ngày bị đoạ đày, có chửa nên cũng đỡ bị hành hạ về mặt thể xác. Ngày lâm bồn cũng đến, bà cô nhà chồng - gầy quắt như con mắm và bị mù - đến để đỡ đẻ. Khi đứa con vừa ra đời, bàn tay gầy như nhánh củi khô của bà cô vuốt ngược chân đứa bé đến háng rồi khuôn mặt mụ tối sầm, khi mụ cất giọng thé thé gọi ra ngoài, gã chồng (đúng hơn là gã anh cả của đám chồng) lao vào phòng cầm chân đứa bé cho vào thùng tro bếp (chiếc thùng để đựng giấy lau và nhau thai).

Tưởng đó là một cử chỉ lấy khước cho trẻ nhỏ ở địa phương, Duyên khẽ cười. Bất chợt tiếng trẻ con khóc bỗng thành sặc sụa chỉ còn nghe thấy tiếng ùng ục, nhìn mặt gã chồng, Duyên lăn ra ngất xỉu. Sau này, Duyên mới biết đứa con mình đẻ là con gái, nó không được quyền sống vì chỉ con trai mới có thể nối dõi được tông đường.

Sau hôm ấy, mặc cho lũ chồng đánh đập, vùi dập, Duyên cứ trơ ra như con ma dại, ngày ngày ngồi bó gối nhìn về phía trời Nam. Nhân một đêm, gia đình chồng không bắt nhốt Duyên vào phòng kín, Duyên chạy băng băng về nơi có ánh sáng le lói, hoá ra, chỉ có hơn 30km, Duyên đã đến nơi có đường xe ôtô đi. Rốt cuộc, Duyên bảo: “Nếu biết thế thì em đã trốn từ lâu. Trước nay, mọi người bị bán sang Trung Quốc thường sợ không dám trốn, nếu trốn thì cũng không khó”.

Theo giới thiệu của Duyên, tôi mò sang quán bên cạnh hỏi gặp Thắm - người có con còn để bên Trung Quốc, Thắm đang bận khách. Chờ mãi, Thắm mới ra, Thắm bảo: “Cho em xin chai bia. Anh còn trai trẻ thế kia, chơi bời làm gì, mang bệnh thì khổ”. Chán mớ đời kiểu tiếp thị của bà này!

Chuyện của Thắm na ná chuyện của Duyên, chỉ khác một điều, Thắm đã có chồng và một con trai ở quê Ý Yên, Nam Định. Nhà chồng Thắm ở Trung Quốc tương đối dễ chịu, anh chồng cũng có vẻ thương vợ, thương con (sau mới biết anh chàng này bị bệnh đao thể nhẹ, hiền nhưng dữ đòn như quỷ, có lần vụt Thắm gãy tay), phải cái lại có bà mẹ chồng nanh ác. Đứa con đầu là gái, bà mẹ chồng lẳng vào thùng nước giải, may có anh chồng đỡ kịp. Nuôi con mà như trốn giặc, hễ thấy bóng bà mẹ chồng, hai mẹ con nằm im không dám khóc. Con nhỏ tên Trung Quốc là Linh, tên Việt là Yên (để nhớ vùng quê Ý Yên của mình). Con đầu lên 1 tuổi, Thắm có chửa đứa thứ hai.

Ngày phát hiện ra mình bị tắt kinh, Thắm nghĩ đến khuôn mặt bà mẹ chồng hôm ném cháu Linh (Yên) vào thùng nước giải. Nếu đứa em của Linh (Yên) là con gái chắc nó không còn một cơ hội như cô chị.

 

Các cô gái Việt tại các nhà thổ tại Pó Chài (Trung Quốc) phần nhiều bị lừa bán. 

Bịt kín lối về

Kế hoạch bỏ trốn của Thắm đã được vạch ra khi cái thai ở tháng thứ ba. Quần áo, đồ đạc được chuẩn bị sẵn ở mấy bụi rậm cách nhà gần 1km. Buổi chiều hôm ấy, lừa bế con ra khỏi nhà, đến nơi cất đồ đạc, Thắm đặt con trên phiến đá rồi chui vào bụi lấy đồ.

Đang định bò ra thì ông chồng khật khưỡng hơi rượu mò đến, thấy con ngồi một mình giữa rừng vắng, ông chồng bế thốc lên rồi vớ thanh củi hằm hằm nhìn quanh tìm vợ (ông này có món vũ khí ưa thích khi đánh vợ là thanh củi). Từng nếm trận đòn đến gãy tay bởi những thanh củi, Thắm không dám khóc thành tiếng, chờ chồng bế con đi khuất, cô mới chạy băng băng về phía đường biên. Ba ngày luồn rừng, vượt núi tìm về đất mẹ làm sảy mất đứa con ở trong bụng Thắm.

Dù hai năm rõ mười những cô gái bị lừa bán sang Trung Quốc là nạn nhân nhưng cái nhìn của xã hội và người thân với họ vẫn đầy sự ghê tởm, kì thị. Thắm bảo: “Em trốn được về nhà, chồng đuổi đi đã đành, về nhà bố mẹ đẻ cũng bị lũ em dâu nó bảo, nhà này không chứa đồ đĩ. Nhục chỉ muốn chết thôi. Như bọn cái Duyên không có con cái gì còn đỡ, chứ chúng em sống thì ô nhục mà chết cũng chẳng xong, hàng tháng em vẫn phải gửi tiền về cho con, thằng bố nó rượu chè suốt ngày, có biết con cái là gì đâu”.

Những người như Thắm - có con để lại phương trời lạ - ở bãi biển Thiên Cầm này cũng gần chục người, có người như Nguyệt (quê Hoa Lư, Ninh Bình) còn có tới hai con vẫn ở bên Trung Quốc. Không giống với những chị em khác, gia đình chồng nhà Nguyệt ở thị trấn Phiên Bạch, gần Hà Khẩu, nên kinh tế cũng tương đối khá, mỗi tội chồng bị tàn tật, liệt hai chân, phải đi lại bằng xe lăn. Có hai đứa con xong, chồng Nguyệt phần vì nhiều tuổi, phần vì bệnh tật nên bị bất lực. Bất lực nhưng ghen ghê gớm vì Nguyệt còn trẻ, còn xinh. Vậy là, gã chồng này có những “biện pháp” áp dụng với thân thể và các bộ phận nhạy cảm của Nguyệt rất kinh tởm, những biện pháp này cốt để Nguyệt bị hỏng đi chức năng sinh lí nữ của mình.

Không chịu nổi, Nguyệt phải để con lại nước người để trốn về Việt Nam. Hai năm ở quê mình, Nguyệt thấy mình như "một con hủi”, gia đình không cho về ở, phải làm một căn nhà trên đất ruộng để ở nhưng nào có được buông tha. Ở làng có mấy cô gái bỗng nhiên đi đâu mất, Nguyệt bị gọi lên để “phục vụ điều tra”, nhiều lúc đang đêm bỗng có mấy người đàn bà ập vào nhà, bắt Nguyệt ngồi im rồi kiểm tra trong tủ, gầm giường. Không thấy ai, có bà vẫn bảo: “Chồng chị đi đêm chắc chỉ đến nhà con đĩ này thôi. Hôm nay lão ý chạy thoát, hôm khác thế nào cũng vớ được”.

Quay sang Nguyệt, mấy bà còn hầm hè: “Mày cứ giỏi giấu đi. Hôm nào mà phát hiện ra, bọn tao cạo đầu”. Chán quá, Nguyệt chép miệng, “đã đĩ thì đĩ luôn” và đến nhập bọn với mấy chị em tại đây.

Đêm khuya vắng khách, dăm chị em trong tập đoàn “hàng Trung Quốc về” tụ tập làm trận rượu cho quên sự đời. Thắm bảo: “Mùa này thì đổ ra biển, đến mùa du lịch, bọn “gái” trẻ nó xuống, giá thuê cửa hàng lại đắt, không cạnh tranh được thì lại “đứng đường” hay làm ở mấy quán ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Cố gom đủ vốn, mở được cái quán hàng rồi tụ tập mấy chị em cùng cảnh lại, cùng làm với nhau”.

Tôi bảo làm gì, Thắm với Duyên cười: “Thì vư..ỡ..n”. Nguyệt - cô gái có hai con “hàng Tàu” - cười buồn: “Còn biết làm gì nữa. Lao động nặng không quen, với lại làm bình thường thì bao giờ gom đủ tiền sang Trung Quốc đón con mình về”. Thắm ngồi thừ, “kể cả có tiền nhưng “chúng nó” có cho mình đón con về hay không?”. Nguyệt lạnh tanh: “Thì có đến chết là cùng chứ gì, lúc mình đủ tiền sang đấy thì cũng già mõ rồi, có chết cũng chẳng sao”.

Chẳng ai tính bỏ “nghề”, ai cũng bảo: “Phải đi làm nghề này để sống, để nuôi con. Hết tuổi thì xin vào mấy ngôi chùa xin tá túc. Chắc Phật tổ chẳng nỡ bỏ rơi mình?".

 

Cô bé Linh (Yên) giờ đã 7 tuổi, đêm đêm Thắm vẫn khóc nhớ con còn ở bên Trung Quốc. Thắm cười nhăn nhó: “Anh thông cảm thì em mới nói. Nhiều thằng khách làng chơi cười khẩy khi em bảo là mình nhớ con. Em nói thật, con người ta dù làm con phò, con đĩ, con gì đi chăng nữa nhưng con thì ai chẳng thương, chẳng nhớ hả anh? Thằng cu lớn nhà em năm nay thi lên cấp 3 mà lâu lắm em cũng chẳng dám gặp”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh