CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:02

Nợ trăm nghìn tỷ, EVN gửi hơn 42.000 tỷ không kỳ hạn trong ngân hàng

 

“Để hơn 42.000 tỷ gửi không kỳ hạn ở ngân hàng và gần 20.000 tỷ đầu tư tài chính ngắn hạn, EVN có đang lãng phí các nguồn lực tài chính?” – đây là câu hỏi được đặt ra đối với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trước số dư tiền gửi ngân hàng và vấn đề quản lý dòng tiền của tập đoàn này tại ngày 30/6/2018.

Các số liệu này thu thập tại báo cáo hợp nhất của EVN kỳ tài chính bán niên 2018 – cũng là những số liệu báo cáo cập nhật mới nhất của tập đoàn này được công bố công khai.

Trước vấn đề đang thu hút sự quan tâm của công luận nói trên, đặc biệt là trong bối cảnh giá điện vừa tăng mạnh, EVN đã có văn bản phản hồi.

 

EVN bị đặt vấn đề liệu có để lãng phí nguồn lực khi đem hơn 42.000 tỷ đồng gửi ngân hàng không kỳ hạn (lãi suất rất thấp)


Theo giải thích tại văn bản này, số dư tiền gửi hơn 42.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6/2018 của EVN so với số dư nợ phải trả ngắn hạn tại cùng thời điểm (hơn 106.000 tỷ đồng) là quá nhỏ, chưa đủ để sử dụng cho trả nợ ngay cho các nhà cung cấp nhiên liệu (khí, than, bán điện) là 55.000 tỷ đồng và trả nợ ngân hàng đến hạn 22.000 tỷ đồng.

“Do nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh quá lớn nên với số dư tiền gửi trên mới giúp cho EVN và các đơn vị thành viên hoàn thành nhiệm vụ được giao” – văn bản do Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Nam ký thay Tổng giám đốc EVN nêu rõ.

Số dư tiền gửi không kỳ hạn ở ngân hàng của EVN tại ngày 30/6/2018 tăng rất mạnh so với cùng kỳ các năm trước đó. Một số ý kiến tỏ ra băn khoản do mức lãi suất cho số tiền này chỉ là 0,2%/năm trong khi nếu gửi có kỳ hạn thì lãi suất tối thiểu cũng là 4,5%/năm, theo đó chi phí cơ hội đối với số tiền này không phải là ít.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo EVN, tập đoàn này có hàng chục đơn vị cấp 2 và hàng trăm đơn vị cấp 3, cấp 4 hoạt động trên nhiều lĩnh vực từ đầu tư đến sản xuất, kinh doanh điện năng. Mỗi đơn vị phải duy trì một số dư tiền gửi nhất định để phục vụ cho công việc thường xuyên và xử lý đột xuất.

Chẳng hạn, với các công ty nhiệt điện cần có một số lượng tiền lớn để mở L/C thanh toán nhiên liệu nhập khẩu hoặc thanh toán cho các đơn vị cung cấp trong nước. Còn công ty mẹ EVN cần phải có một số tiền lớn đủ để thanh toán tiền mua điện hàng tháng cho các đơn vị bán điện.

Hơn nữa, do doanh thu tiền điện thường tập trung vào cuối tháng trong khi nhu cầu thanh toán tiền nhiên liệu và điện mua ngoài thường tập trung vào đầu tháng. Đây là lý do mà số dư tiền gửi của EVN vào cuối tháng (thời điểm lập báo cáo quyết toán) thường cao hơn so với các ngày còn lại.

Mặt khác, cùng với nhu cầu vốn đầu tư lớn thì số dư nợ vay hiện tại của EVN cũng rất lớn. Vì thế, theo giải thích của lãnh đạo EVN, nhu cầu trả nợ trong năm tương đối cao đòi hỏi EVN phải duy trì số dư đủ để trả nợ khi đến hạn để đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay trong tương lai.

“EVN đã chỉ đạo các đơn vị cân đối dòng tiền để đảm bảo thanh toán kịp thời cho các nhà cung cấp theo quy định của hợp đồng đã ký, đồng thời thực hiện các giải pháp thích hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn  của đơn vị” – lãnh đạo tập đoàn này nhấn mạnh.

Theo Dân Trí

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh