CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:11

Nở rộ hình thức bán lẻ hiện đại

 

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị Co.opmart Huỳnh Tấn Phát, Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

 

Theo đó, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 1891/QĐ - UBND ngày 8/5/2018 về triển khai thực hiện “Quy hoạch phát triển ngành thương mại Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", nhằm thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi giúp các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước cạnh tranh lành mạnh. 
Kênh mua sắm hiện đại hút vốn ngoại 
Theo quy hoạch giai đoạn 2025 – 2030, Tp. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu hình thành tối thiểu 5 Tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Việt Nam. Đồng thời, tỷ trọng bán lẻ hàng hóa theo các loại hình phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị...) đến năm 2020 đạt tối thiểu 40%; năm 2025 là 50% và năm 2030 tăng lên 60%. 
Ngoài ra, Tp. Hồ Chí Minh hướng đến xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên cơ sở cân đối hài hòa nhu cầu phát triển và tính khả thi của từng dự án cụ thể. Riêng đối với cửa hàng bán lẻ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại, kinh doanh tổng hợp (cửa hàng tiện lợi) hoặc chuyên doanh. 

Báo cáo của Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, hiện trên địa bàn thành phố có 207 siêu thị; trong đó có 116 siêu thị trong nước, chiếm 56% và 91 siêu thị có yếu tố nước ngoài, chiếm 44%; 43 trung tâm thương mại; trong đó có 29 trung tâm thương mại trong nước, chiếm 66,67% và 14 trung tâm thương mại có yếu tố nước ngoài, chiếm 33,33%. 
Hệ thống phân phối hiện đại của Tp. Hồ Chí Minh còn có gần 2.280 cửa hàng tiện lợi, gồm: chuỗi cửa hàng tiện lợi trong nước và chuỗi cửa hàng tiện lợi có yếu tố nước ngoài. 
Nhìn chung, các doanh nghiệp nội địa vẫn đang chiếm ưu thế về điểm bán đối với loại hình siêu thị và cửa hàng tiện lợi với tỷ trọng lần lượt là 79% và khoảng 70%. Ngược lại, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đang chiếm tỷ trọng cao tại loại hình trung tâm thương mại với 53,66%.

Các chuỗi cửa hàng tiện lợi kinh doanh thực phẩm và đồ uống ngày càng được mở rộng về quy mô và phủ sóng rộng khắp đã và đang giúp các doanh nghiệp ngành này có thêm nhiều kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa. 
Ghi nhận thực tế trên địa bàn Tp. Hồ Minh cũng cho thấy, bên cạnh rất nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tham gia ngành bán lẻ từ rất sớm thì ngày càng có những thương hiệu bán lẻ toàn cầu tìm kiếm cơ hội.

Đơn cử như: Mega Market (tên gọi cũ là Metro), B’smart, Big C, Robinson với chuỗi siêu thị thuộc doanh nghiệp Thái Lan, chưa kể Central Group cũng nắm 49% cổ phần hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim… 
Còn các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đã từng bước thâm nhập thị trường Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng, với hệ thống đại siêu thị Aeon Mall, trung tâm thương mại Saigon Centre, hệ thống cửa hàng tiện ích như Family Mart, mới nhất là hệ thống 7-Eleven; Hàn Quốc gắn liền với tên tuổi của LOTTE Mart, Emart và mới đây là SG25… 
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Kantar Worldpaner Việt Nam cho biết, mặc dù các nhà bán lẻ ngoại tập trung nhiều ở phân khúc đại siêu thị và cửa hàng tiện lợi, nhưng vẫn chú trọng phát triển thương hiệu cũng như phục vụ khách hàng khu vực thành thị. Ngược lại, các nhà bán lẻ nội vẫn chiếm thị phần khá cao so với doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài ở khu vực nông thôn. 
Kênh mua sắm hiện đại không ngừng đạt tốc độ tăng trưởng cao, cùng với làn sóng công nghệ đã góp phần thay đổi phương thức mua sắm và hành vi tiêu dùng. Điều này, đòi hỏi những loại hình kinh doanh mới hoặc các loại hình cửa hàng bán lẻ truyền thống phải chuyển mình thay đổi để hòa nhập với xu hướng chuyển động của thị trường. 
Cùng với đó, người tiêu dùng ngày càng kỳ vọng được trải nghiệm mới đối với hoạt động mua sắm, tăng nhu cầu tiện ích nên sản phẩm, dịch vụ theo xu hướng cá nhân hóa. Đây là yêu cầu đang tăng nhanh chóng và đặt ra nhiều thách thức cho các nhà bán lẻ. Đặc biệt, các yếu tố tạo nên chuỗi cung ứng hiệu quả và nhanh chóng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết 
Tuy nhiên, trong cuộc đua nắm bắt cơ hội và xu hướng ngành bán lẻ, khái niệm về sự “tiện lợi” cũng được định nghĩa lại với “tiện lợi là tốc độ” nên còn rất nhiều cơ hội cho những loại hình cửa hàng bán lẻ mới.

Ngoài ra, sự tiện lợi ngày nay tính bằng tốc độ thay vì khoảng cách như trước đây, đồng nghĩa với việc chú trọng khả năng mua hàng – giao nhận hàng nhanh chóng hơn là vấn đề địa lý. Đây là điều mà các nhà bán lẻ đã làm thay đổi thói quen người tiêu dùng, tạo ra xu hướng mới cho thị trường bán lẻ trong hiện tại và định hướng tương lai. 
Cuộc đua của những “tay chơi” nội lực 
Thống kê cho thấy, kênh bán lẻ hiện đại chỉ mới chiếm khoảng hơn 20% so với tổng ngành thương mại bán lẻ nên các nhà đầu tư cũng đang tập trung khá nhiều cho việc phát triển những loại hình bán lẻ mới. Bên cạnh đó, nền kinh tế thị trường tạo ra sự cạnh tranh sản phẩm và dịch vụ trong thời đại kỹ thuật số ngày càng gay gắt và trở thành yếu tố sống còn của doanh nghiệp. 
Đặc biệt trong bối cảnh thị trường bán lẻ mở cửa, các công ty nước ngoài vào thị trường sẽ tạo nên sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa. Do đó, vấn đề đặt ra là các nhà bán lẻ làm sao cạnh tranh và đi nhanh hơn trong xu hướng tiêu dùng của nền kinh tế số khi thị trường ngày càng xuất hiện những “tay chơi mới”, nhất là các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài có lợi thế về công nghệ và nắm bắt thị hiếu tiêu dùng. 

LOTTE Mart là một trong những nhà bán lẻ đang tận dụng triệt để thị trường Việt Nam. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

 

Theo ông Jason Moy, Giám đốc điều hành của Công ty Boston Consulting Group (BCG) Singapore, những ai muốn tìm cơ hội kinh doanh và thâm nhập vào thị trường bán lẻ tại Việt Nam và các nước ASEAN thì nên chú ý vấn đề giá cả.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài có phần lợi thế hơn nhà bán lẻ nội địa nếu khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do và nhờ vào một hệ sinh thái bán lẻ với kinh nghiệm thị trường toàn cầu.

Đây là điều mà các nhà bán lẻ như LOTTE Mart, Big C, Aeon Mall… đều nhận thấy và đang tận dụng triệt để tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ tại Việt Nam trong tương lai sẽ càng ngày trở nên hấp dẫn và sẽ có nhiều nhà bán lẻ khác xuất hiện. 
Đồng quan điểm, ông Bod Hayward, chuyên gia của KPMG cho biết, thời gian qua đã có nhiều nhà bán lẻ lớn thâm nhập vào thị trường bán lẻ tại Việt Nam, nhưng vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài khi nhìn vào mật độ cửa hàng/dân số còn thấp và điều kiện phát triển ngành bán lẻ. Trong số này, có thể kể đến các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ Thái Lan, Hàn Quốc… hay các nhà bán lẻ Trung Quốc sẽ không thể bỏ qua thị trường Việt Nam. 
Khi tiến vào thị trường bán lẻ tại Việt Nam nói chung, Tp. Hồ Chí Minh nói riêng, các chuyên gia cho rằng, điều đầu tiên là những nhà bán lẻ ngoại sẽ góp phần thúc đẩy nhiều loại hình bán lẻ mới phát triển, mang lại những trải nghiệm mua sắm mới cho người tiêu dùng. Tiếp theo, những công nghệ ứng dụng trong cửa hàng, nhiều thương hiệu toàn cầu… là những yếu tố mà các nhà bán lẻ nội địa sẽ được học hỏi kinh nghiệm về quy trình, quản trị doanh nghiệp; chuyển giao công nghệ và xu hướng phát triển của ngành bán lẻ. 
Tp. Hồ Chí Minh được đánh giá là thị trường bán lẻ không chỉ tiềm năng mà còn sôi động, cũng đồng nghĩa với tính cạnh tranh và đào thải cao. Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc thường trực Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho hay, khi nhà bán lẻ nước ngoài thâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tạo nên lựa chọn mới cho khách hàng, sự chia nhỏ thị phần đòi hỏi các nhà bán lẻ nội địa phải đổi mới hoạt động kinh doanh và phương thức phục vụ khách hàng, cũng như mang đến cho khách hàng những giá trị thiết thực trong thời đại số hóa. 
Do đó, trong thời gian tới, Saigon Co.op sẽ tăng cường áp dụng công nghệ triển khai các quy trình ứng dụng tại các cửa hàng của đơn vị để mang lại những trải nghiệm mới cho khách hàng. Song song với hoạt động kinh doanh hàng hóa, tại đại siêu thị Co.opXtra nói riêng, các hệ thống bán lẻ khác của Saigon Co.op nói chung còn tăng cường cung cấp các dịch vụ tiện ích đi chợ tại nhà, thanh toán các hóa đơn điện, nước, điện thoại, internet… 
Để nâng cao năng lực cạnh tranh và giữ vững sân nhà, một số nhà bán lẻ tại Tp. Hồ Chí Minh nhận định, trong điều kiện hiện nay không những thị trường bán lẻ ở Việt Nam mà cả thị trường bán lẻ ở các nước trên thế giới có những biến động rất khác biệt so với những giai đoạn trước đây nên cần đẩy mạnh đầu tư, liên kết nhằm tận dụng lợi thế mỗi bên và cùng phát triển. 
Đồng thời, trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ, các nhà bán lẻ phải định hướng phát triển theo xu hướng đáp ứng nhu cầu đối với khách hàng và tạo nên sự tiện dụng trong quá trình mua sắm. Trong đó, có tính đến chiến lược cạnh tranh và hợp tác để triển khai những mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu thế như mô hình không có cửa hàng, cửa hàng ảo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử…

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh