Nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững
- Dược liệu
- 13:25 - 28/01/2020
Trước thực trạng đó, công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm. Ngay từ đầu kỳ, UBND huyện, Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện đã tích cực chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo, chú trọng lồng ghép các nguồn lực của các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội nhằm góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo hướng nhanh và bền vững.
Huyện Tây Giang đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009 - 2020; Kế hoạch giảm nghèo hàng năm; Kiện toàn Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời phân công các ngành liên quan chủ trì thực hiện từng dự án, chương trình, yêu cầu các xã xây dựng kế hoạch giảm nghèo tại địa phương... Song song với đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về giảm nghèo; tổ chức đối thoại, họp dân, tiếp xúc cử tri, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ xã, thôn làm công tác giảm nghèo; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách giảm nghèo.
Trong giai đoạn 2016 - 2018, trên cơ sở nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và nguồn huy động từ cộng đồng, huyện Tây Giang đã thực hiện hiệu quả Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP thông qua chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Theo đó, huyện đã phân bổ hơn 21,5 tỷ đồng cho các cơ quan, đơn vị, UBND các xã thực hiện 17 dự án phát triển sản xuất và 3 mô hình giảm nghèo. Trong đó, năm 2016, hỗ trợ 737 hộ nghèo phát triển sản xuất; năm 2017 hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả cho 6.576 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo và 60 hộ mới thoát nghèo; năm 2018 hỗ trợ 2 ngành của huyện và UBND 10 xã tập trung hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi. Đã có nhiều mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập ổn định cho người dân và được nhân rộng như: Trồng cây dược liệu dưới tán rừng: Ba kích 311ha, đảng sâm 447ha, táo mèo 170ha, đinh lăng 22,4ha, cam bản địa 15.200 cây...
Ngoài ra, huyện thực hiện phân bổ vốn cho các công trình khởi công mới, công trình chuyển tiếp và các công trình duy tu bảo dưỡng. Trong công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, các ngành địa phương đã phối hợp với các trường dạy nghề trong tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề cho 243 lao động nông thôn là người nghèo, dân tộc thiểu số. Sau khi hoàn thành khóa học, các học viên đã tự tạo việc làm ngay tại địa phương hoặc đi làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và thành phố Đà Nẵng. Chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động tuyển chọn đưa 29 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong 3 năm (2016 - 2018), đã cấp 54.772 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, với tổng kinh phí trên 24,5 tỷ đồng. Thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định cho 6.434 học sinh.
Thời gian qua, huyện đã tập trung cho vay 7 chương trình như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm... Chính sách tin dụng ưu đãi đã cho vay hộ nghèo hơn 49 tỷ đồng, hộ cận nghèo 1,4 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 10,7 tỷ đồng; cho vay làm nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 33 hơn 3,7 tỷ đồng.
Với đặc thù là nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, huyện Tây Giang cũng đặc biệt chú trọng thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật. Huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh kịp thời giải quyết các yêu cầu của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng cần được trợ giúp pháp lý bằng các hình thức tư vấn trực tiếp; ngoài ra, phát 2.000 tờ rơi, tờ gấp; treo 20 băng zôn; tổ chức 4 đợt tập huấn trợ giúp pháp lý. Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý các xã đã tổ chức 240 buổi sinh hoạt thu hút 3.190 người tham gia.
Thực hiện các chính sách giảm nghèo đặc thù từ nguồn ngân sách tỉnh, UBND huyện Tây Giang đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện ngay từ đầu năm. Các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, tăng cường phổ biến tuyên truyền chính sách nên việc đăng ký danh sách đối tượng cơ bản kịp thời theo yêu cầu của tỉnh. Việc đăng ký thoát nghèo là do hộ gia đình tự nguyện, cán bộ xã, thôn chỉ kiểm tra, tuyên truyền và hướng dẫn hộ nghèo đăng ký thoát nghèo trước khi điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo hàng năm. Kết quả, trong 3 năm 2016 - 2018, toàn huyện có 164 hộ đăng ký thoát nghèo, với kinh phí thực hiện trên 1.444 tỷ đồng. Cùng với đó, huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp với Trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc miền núi Quảng Nam và các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và thành phố Đà Nẵng thực hiện tuyển sinh đào tạo nghề cho 111 lao động trên địa bàn huyện; Trích Quỹ Vì người nghèo 684 triệu đồng hỗ trợ các nội dung thiết yếu về nhà ở, phát triển sản xuất để giúp người nghèo cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập.
Chương trình 135 đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toan khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Chương trình đã đầu tư xây dựng mới 4 công trình, duy tu bảo dưỡng 3 công trình; hỗ trợ 8 xã thực hiện dự án phát triển sản xuất như giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, với 1.440 đối tượng là người dân tộc thiểu số.
Theo đánh giá, nhờ thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. Tính đến cuối năm 2018, toàn huyện Tây Giang còn 2.119 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 43,14%. Mục tiêu xóa đói, giảm nghèo đã trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu gắn với nhiệm vụ chính trị; nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân có nhiều chuyển biến rõ rệt, người nghèo đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình, chủ động tiếp nhận các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Đời sống của người nghèo được cải thiện, những nhu cầu cơ bản thiết yếu trong sinh hoạt được đáp ứng như: Nhà ở, nước sinh hoạt, y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm...