THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:51

Nỗ lực không để lại người LGBTI nào lại phía sau

 

Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định, mọi người, không vì bất kỳ lý do nào, đều có quyền được sống không bị bạo lực, ngược đãi, kỳ thị và phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào. Nhân quyền là phổ quát. Không ai được lấy bất kỳ lý do văn hóa, tôn giáo, đức tin hay thái độ xã hội để biện minh cho sự vi phạm nhân quyền đối với bất kỳ cộng đồng nào, bao gồm cộng đồng LGBTI.

 

Tôi đồng ý - một sự kiện thu hút được nhiều sự ủng hộ của xã hội cho việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới.

 

Chấm dứt việc đặt cộng đồng LGBTI bên ngoài lề xã hội là vấn đề nhân quyền và phát triển cấp bách. Tiểu ban Nhân quyền của LHQ gồm các chuyên gia phòng chống Tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, đã nhấn mạnh rằng: Nỗ lực không để lại người LGBTI nào lại phía sau là nền tảng cốt lõi của một số tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế cũng như Mục tiêu phát triển bền vững số 3 - Đảm bảo sức khỏe và cuộc sống tốt cho tất cả mọi người.

Liên hợp quốc tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng khích lệ trong những năm gần đây. Sự kiện “Việt Pride” được tổ chức thường niên từ năm 2012, điều khoản cấm người cùng giới cưới nhau đã được dỡ bỏ năm 2014, và luật có hiệu lực từ năm 2015 đã cung cấp cơ sở pháp lý cho việc thay đổi bản dạng giới hợp pháp. Liên hợp quốc hoan nghênh Bộ Y tế và Bộ Tư pháp đã đã tham khảo ý kiến của cộng đồng LGBTI và các đối tác trong quá trình xây dựng Luật chuyển đổi giới tính.

Dù đã có nhiều tiến bộ như kể trên, người  LGBTI vẫn tiếp tục bị coi thường, chế nhạo và bị phân biệt đối xử trong cộng đồng, ở trường học, nơi làm việc và cơ sở y tế. Những người LGBTI còn là đối tượng của nạn bạo hành trên cơ sở giới và tính dục chỉ vì họ sống đúng với bản thân mình, vì xu hướng tính dục và bản dạng giới của họ. Khung pháp lý, chính sách và các chuẩn mực xã hội hiện tại không bảo vệ được những người LGBTI, và không giúp họ được hưởng đầy đủ các quyền con người. Thiếu sự công nhận của pháp luật về giới tính mà họ có cũng như các biện pháp bảo vệ khác của pháp luật chống lại sự phân biệt đối xử, những người LGBTI đặc biệt là người chuyển giới sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức to lớn, bao gồm trong việc tiếp nhận các dịch vụ xã hội và y tế cũng như các cơ hội bình đẳng về việc làm. Cộng đồng LGBTI rất dễ bị tổn thương về nhiều mặt. Ví dụ, Việt Nam đang có những bằng chứng gần đây cho thấy dịch HIV đang gia tăng một cách đáng ngại trong nhóm những người nam quan hệ tình dục đồng giới (tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm này đã tăng từ 4% năm 2013 lên 8,2% vào năm 2016) và tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ chuyển giới đang ở mức cao.

LHQ tại Việt Nam cho rằng, tất cả mọi người cùng chung tay để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho cộng đồng LGBTI, bằng việc tạo cho họ những cơ hội để họ có thể được hưởng các quyền của mình và từ đó có thể đóng góp một cách đầy đủ cho xã hội và có được cuộc sống có giá trị và được tôn trọng. Với vai trò chủ đạo của Bộ Y tế và Bộ Tư pháp, Việt Nam đã có bước tiến lớn trong việc thực hiện quyền được thừa nhận giới tính hợp pháp của người chuyển giới. Tuy nhiên, sự hiểu biết về sự đa dạng của cộng đồng chuyển giới và những người tự  định xu hướng tính dục và bản dạng giới vẫn còn hạn chế. Vì vậy, LHQ mong muốn các cơ quan liên quan của Chính phủ tiếp tục khuyến khích sự tham gia của cộng đồng người chuyển giới, cha mẹ họ và các tổ chức xã hội dân sự vào vấn đề này.

Việc sửa đổi Bộ luật lao động sắp tới cũng là cơ hội giúp chống phân biệt đối xử tại công sở. Hơn nữa, LHQ tin vào hiệu quả của việc chấm dứt kỳ thị và phân biệt đối xử thông qua giáo dục, để có thể đảm bảo tốt hơn môi trường an toàn, bình đẳng và công bằng cho cộng đồng LGBTI. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe tâm thần, cũng cần được cải thiện để đáp ứng nhu cầu của người chuyển giới

Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra cho rằng, tất cả mọi người đều được sinh ra tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Vì vậy, việc đảm bảo công lý cho cộng đồng LGBTI là một phần quan trọng của các Mục tiêu phát triển bền vững và không để ai lại phía sau. Ông nói: “LHQ sẽ hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy bình đẳng và công bằng cho cộng đồng LGBTI, thiết lập nền tảng vững chắc để cộng đồng có thể tiếp cận đầy đủ các dịch vụ giáo dục, xã hội và y tế, cũng như các cơ hội cần thiết để thực hiện khát vọng và nguyện vọng của mỗi người. LHQ cam kết xây dựng trong chính LHQ một môi trường làm việc nơi các nhân viên LGBTI có thể là chính mình và làm việc hiệu quả, trong sự hỗ trợ và hoàn toàn tôn trọng của tất cả các đồng nghiệp”, ông Kamal Malhotra nhấn mạnh.

Cùng với tất cả các đối tác đã cam kết, LHQ tại Việt Nam tham gia vào Liên minh Đoàn kết IDAHOT. Hãy chấm dứt kỳ thị người đồng tính, chuyển giới và song tính. Hãy tôn trọng sự đa dạng!

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh