THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:27

Níu giữ mạch nguồn truyền thống

Giữ nghề bằng niềm đam mê

Hà Nội là đất trăm nghề. Người dân từ khắp nơi đổ về để mưu sinh, mang theo nghề địa phương như cách phù sa đổ vào sông Hồng để làm trù phú Thăng Long, bồi đắp cho Hà Nội. Thế nhưng qua những biến thiên của thời gian, nhiều nghề bị mai một hoặc tồn tại một cách lay lắt. Chẳng khó để thấy nhiều làng nghề nức tiếng như: Làm giấy dó Bưởi (quận Tây Hồ), tết thao Triều Khúc (huyện Thanh Trì)… đã dần bị lãng quên. Người làng nghề dần buông bỏ cái nghiệp nuôi sống bao đời.

Ấy nhưng không phải nói vậy để thấy sự ảm đạm. Tôi nghiệm rằng, cứ trân quý ắt nghề chẳng phụ. Bằng chứng là nhiều người đã và đang sống được bằng nghề truyền thống trên quê hương. Đặc biệt, khi những người giữ nghề phần nhiều lại là người trẻ. Tôi gặp Nguyễn Tuấn Minh, nghệ nhân trẻ đặc biệt của làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) khi cậu đang mải miết vuốt ve, tạo hình cho gốm. Khi mới 25 tuổi, Nguyễn Tuấn Minh đã nổi tiếng khắp xa gần bởi cậu được UBND TP. Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội - ngành nghề gốm sứ.

Nghệ nhân trẻ làm gốm.

Nghệ nhân trẻ làm gốm.

Qua lời kể của nghệ nhân trẻ, Bát Tràng từng là thủ phủ của một trong “tứ nghệ tinh” đất Thăng Long, gồm: “Lĩnh Yên Thái, gốm Bát Tràng, bạc Định Công, đồng Ngũ Xã”. Nức tiếng là vậy song nghề cũng từng có một thuở bị “ngủ quên” hàng thập kỷ. Sinh ra ở làng nghề, trong gia đình nhiều đời gắn bó với sản xuất đồ gốm, nhờ vậy Minh đã “bén duyên” với nghề. Tốt nghiệp trung học phổ thông, chàng trai trẻ quyết định rẽ khác con đường của chúng bạn mà theo nghề truyền thống của gia đình. Làm nghề mới vỡ, Minh nhận thấy các sản phẩm làm ra quá đại trà, không tạo được dấu ấn riêng nên khó thu hút khách hàng.

Ôm niềm trăn trở, cậu quyết định đi theo hướng riêng. Vẫn là xương, là men của gốm Bát Tràng nhưng toàn bộ sản phẩm của Minh đều được làm thủ công, vuốt bằng tay. Thông qua việc kết hợp các đường nét của nghệ thuật điêu khắc, Minh đã cho ra những sản phẩm gốm mang đậm hơi thở truyền thống xen lẫn nét điêu khắc hiện đại. Sản phẩm làm ra từ đôi bàn tay của Minh đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của khách hàng. Hàng gốm độc đáo của người nghệ nhân trẻ được xuất đi và đón nhận ở thị trường khắp trong Nam, ngoài Bắc.

Rời Bát Tràng, tôi ngược về xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ). Trên đất nghề này, ngày mới thường bắt đầu bằng tiếng kêu xèn xẹt của lưỡi cưa nghiến vào thớ gỗ, tiếng đục, tiếng gõ lách cách phát ra từ hàng trăm xưởng mộc. Tôi gặp anh Nguyễn Chí Ba - nghệ nhân trẻ đến nay là đời thứ ba nối nghề dựng nhà cổ. Toàn thân bám đầy bụi nhưng Ba vẫn luôn tay chạm trổ những nhánh hoa mai trên chiếc xà hạ. Sau khi đục tạo hình, anh dùng máy chà nhám đánh bóng cho hoa văn trơn nhẵn, mượt mà.

Dừng tay lau mồ hôi trên trán, Nguyễn Chí Ba nói, người thợ trong nghề muốn thành công thì ngoài việc có “hoa tay”, trí tưởng tượng phong phú còn cần sự kiên trì. Chỉ có hội tụ những nét này, thợ mới chạm trổ được hoa văn đẹp. Dĩ nhiên, do khắt khe nên chỉ ai yêu nghề, chịu khó, kiên nhẫn thì mới gắn bó lâu dài với nghề được. Cũng nhờ sự tỉ mẩn, kiên trì, tên tuổi Nguyễn Chí Ba nhanh chóng được khắp xa gần biết đến. Những đơn hàng có quanh

Nghệ nhân Lê Bá Chung bên một sản phẩm dát quỳ vàng.

Nghệ nhân Lê Bá Chung bên một sản phẩm dát quỳ vàng.

Tại Hà Nội, nhiều nghề truyền thống đang được quan tâm gìn giữ, phát huy giá trị trong đương đại như: Nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); dệt tơ tằm, tơ sen Phùng Xá (huyện Mỹ Đức); khảm trai, sơn mài Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên); chuồn chuồn tre Thạch Xá (huyện Thạch Thất)… Sau hàng trăm năm, những sản phẩm của các làng nghề truyền thống đã vượt ra khỏi khuôn khổ địa phương để đến với khách hàng cả nước và quốc tế.

Một điểm đáng trân quý nữa là những người giữ nghề đã và đang khéo léo chuyển mình để thích ứng với cơ chế thị trường. Nghệ nhân trẻ Lê Văn Hưng (sinh năm 1978, tại xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín) là một trong số hiếm hoi người trẻ còn tâm huyết với nghiệp giữ hồn cốt tranh thêu Quất Động cho biết, để tạo ra những bức tranh thêu tay đẹp đã khó, việc bán ra thị trường càng vô cùng khó khăn.

Theo anh Lê Văn Hưng, dù là sản phẩm thủ công, làm mất nhiều thời gian, tâm huyết nhưng để ra được thị trường thì cần đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Vì sao ư? Bởi mỗi ngày, hàng trăm sản phẩm mới, mẫu mới, giá cả cạnh tranh được tung ra thị trường. Nếu không có sự linh hoạt và tự làm mới bản thân, việc lỗi thời và bị thu hẹp thị phần là khó tránh.

Chẳng thế từng có thời điểm, để tìm đầu ra cho sản phẩm, người nghệ nhân trẻ đã đi khắp các tỉnh: Hải Dương, Hải Phòng... đến từng cửa hàng tranh để chào bán. Dần dần, bên cạnh chất lượng, giá cả tốt, cộng thêm sự cởi mở trong quảng bá, tranh thêu của nghệ nhân trẻ Lê Văn Hưng được nhiều cửa hàng các tỉnh, thành chú ý và đón nhận.

Lê Bá Tươi làm nghề dát quỳ vàng ở làng Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm) cũng từng phải chật vật khi cố công lưu giữ nghề. Chẳng là, Lê Bá Tươi học dát quỳ vàng từ thuở còn lên 5, nhưng cái nghề tổ truyền khi ấy còn giữ tục mỗi người thợ chỉ được phép truyền dạy 1 trong 40 công đoạn của nghề. Mỗi khâu đoạn mỗi khác, 40 người thợ nếu không cùng hợp tác thì sẽ không có sản phẩm ưng ý. Ấy nhưng, cơ chế thị trường khiến nhiều người làm nghề bỏ dở. Luyến tiếc nghiệp làng, Lê Bá Tươi không theo tục lệ tổ truyền. Anh theo học và ghi chép lại tỷ mẩn hàng chục khâu đoạn của nghề. Nhờ sự “phá cách”, nhiều người trẻ trong làng đã nắm bắt được cái tinh túy của nghề và quyết tâm đeo đuổi, làm hồi sinh tên tuổi Kiêu Kỵ.

Nhiều nghệ nhân thêu tay tích cực giữ nghề của cha ông.

Nhiều nghệ nhân thêu tay tích cực giữ nghề của cha ông.

Mùa xuân, ai cũng mong muốn có niềm vui và những người làm nghề truyền thống cũng vậy. Những đổi thay và thích ứng của làng nghề như: Gốm Bát Tràng, thêu Quất Động, dát quỳ vàng Kiêu Kỵ… là tất yếu. Tiếp nối mạch nguồn từ nghề, những nghệ nhân khi được hỏi về ước vọng đầu xuân, họ chỉ cười và mong cầu đất nước, làng nghề ngày một phát triển. Đơn giản và rất đỗi mộc mạc.

Tôi trộm nghĩ, nên chăng việc cần làm để tiếp thêm nguồn sinh lực cho làng nghề là tăng cường giữ gìn và phát triển, từ sinh kế của nghệ nhân đến việc giáo dục dạy nghề phổ quát. Nếu các ban, ngành cùng chung tay, cùng giữ mùa xuân này và những mùa xuân sau thì mạch nguồn làng nghề truyền thống sẽ mãi chảy, dồi dào và đầy ý nghĩa.

Đinh Luyện

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh