Ninh Bình:Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau
- Dược liệu
- 13:20 - 30/09/2020
Phong trào thi đua giảm nghèo bền vững và thực hiện tốt chính sách bảo trợ xã hội đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đạt kết quả khá toàn diện và có nhiều đổi mới, đời sống nhân dân được cải thiện, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo được triển khai đồng bộ, có hiệu quả; việc chăm sóc sức khỏe, dịch vụ xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, lồng ghép các chương trình, dự án, công tác xã hội hóa nguồn lực được quan tâm, chú trọng.
Trong 05 năm, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hơn 32 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn phát triển sản xuất, hơn 2.000 HSSV có khó khăn được đi học, xây dựng và cải tạo gần 100 ngàn công trình nước sạch, vệ sinh; giải quyết việc làm cho gần 10 ngàn lao động; xây mới và cải tạo trên 500 ngôi nhà cho hộ nghèo... với tổng doanh số cho vay đạt 2.921 tỷ đồng; cấp thẻ BHYT cho 100% người nghèo, cận nghèo; xây mới, sửa chữa 3.679 nhà ở cho hộ nghèo và hộ chính sách; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,46% (2015) xuống còn 2,57% cuối năm 2019; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ 6,62% xuống còn 4,07% năm 2019.
Tiêu biểu cho phong trào này là: Quỹ Thiện Tâm thuộc tập đoàn Vingroup đã tham gia tích cực vào các hoạt động nhân đạo từ thiện; vào dịp lễ, tết tặng trên 5 ngàn suất quà, giá trị khoảng 600 nghìn đồng/suất cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo; mua tặng 2.983 con bê giống, với tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng, đến nay đã sinh sản thêm 4.286 con, góp phần giúp các hộ nghèo tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Công tác trợ cấp xã hội được thực hiện thường xuyên, chính xác, đảm bảo đúng thời gian và đối tượng quy định. Hằng năm, Ngành thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho trên 45.000 đối tượng bảo trợ xã hội ngoài cộng đồng. Công tác nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho đối tượng bảo trợ xã hội, tâm thần, khuyết tật tại các Trung tâm trực thuộc sở có nhiều nỗ lực, cố gắng, đã và đang xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến nhân ra diện rộng.
Phong trào " Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" bước đầu đã lan tỏa tới các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư. Các xã, phường, cộng đồng dân cư thi đua đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và từng bước làm giàu, hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và cùng nhau vươn lên thoát nghèo.
Ngành LĐ,TB&XH Ninh Bình đã xây dựng và phát động phong trào thi đua "Ngành Lao động Thương binh và Xã hội chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Trong những năm qua, cán bộ, công chức các phòng nghiệp vụ đã tích cực tham mưu triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm giảm nghèo bền vững, đã tham mưu cho tỉnh Ninh Bình ban hành nhiều chính sách đặc thù giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo như chính sách về y tế, dạy nghề, xuất khẩu lao động... đã từng bước tạo chuyển biến rõ nét, tác động sâu sắc tới nhiều mặt đời sống xã hội, làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Từ năm 2015 đến nay, có trên 50 nghìn lượt học sinh thuộc hộ nghèo được miễn giảm học phí với tổng số tiền trên 8 tỷ đồng; cấp trên 600 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn và người dân sống tại vùng KT-XH đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí 185,8 tỷ đồng.
Người nghèo được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế 100% chi phí thanh toán dịch vụ khám chữa bệnh, được hỗ trợ tiền ăn và chi phí đi lại tại các cơ sở khám, chữa bệnh; trên 140 nghìn lượt hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện với số tiền trên 19 tỷ đồng; trên 200 lượt người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu, số được trợ giúp pháp lý miễn phí.....