Ninh Bình: Khẩn trương thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19
- Dược liệu
- 02:34 - 01/05/2020
Chủ động nguồn kinh phí
Ngay khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ngày 29/4/2020 UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành CV số 286 /UBND-VP6 về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh, để tiền hỗ trợ nhanh chóng được chuyển đến người thụ hưởng.
Căn cứ Nghị quyết số 42 của Chính phủ, hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia sẽ được hỗ trợ 250 nghìn đồng/khẩu/tháng; đối tượng bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc (lao động tự do) được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng; người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên sẽ được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6/2020.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn cho biết: "Để đảm bảo nguồn ngân sách để thực hiện các chính sách theo quy định tại Nghị quyết 42, tỉnh Ninh Bình đã chủ động được nguồn kinh phí cấp tạm ứng. Trước đó, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 560/QĐ-UBND về việc cấp tạm ứng ngân sách năm 2020 cho UBND các huyện, thành phố để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 để tiền hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời được chuyển đến người thụ hưởng. Đồng thời giao cho sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ kinh phí cho các huyện, thành phố để thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID- 19"
Nghị quyết 42 của Chính phủ có ý nghĩa nhân văn to lớn
Gia đình ông Bùi Gia Tăng, thôn Đầm Bòng là một hộ nghèo của xã Thạch Bình (huyện Nho Quan - Ninh Bình) cho biết: "Những ngày này, khi biết tin gia đình mình sẽ được nhận hỗ trợ của Chính phủ, tôi vui lắm, dịch bệnh xảy ra khiến cuộc sống của gia đình tôi khó khăn hơn. Trước đây, để mưu sinh, tôi làm nghề vót đũa để bán. Khi có dịch, thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, tôi không thể mang hàng đi bán nữa. Mọi khoản chi phí sinh hoạt của cả gia đình 4 người chỉ trông vào số tiền trợ cấp hàng tháng, chi tiêu rất tằn tiện cũng khó đảm bảo được mức sống tối thiểu".
"Qua theo dõi chương trình thời sự, cùng với triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh quyết liệt, Chính phủ còn dành sự quan tâm thiết thực đến các đối tượng yếu thế như chúng tôi. Sự hỗ trợ này thực sự có ý nghĩa rất lớn đối với gia đình, giúp chúng tôi vượt qua những ngày khó khăn để ổn định cuộc sống" – ông Bùi Gia Tăng phấn khởi chia sẻ.
Xã Thạch Bình là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của huyện Nho Quan. Theo số liệu rà soát đến ngày 31/12/2019, toàn xã có 539 khẩu nghèo và 1.165 khẩu cận nghèo. Ông Đinh Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Khi được nghe tuyên truyền về gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho các đối tượng khó khăn do dịch COVID-19 thì bà con rất phấn khởi. Đối với chính quyền xã, thực hiện công văn chỉ đạo của huyện, chúng tôi tích cực rà soát, tổng hợp các đối tượng được thụ hưởng. Để đảm bảo an toàn trong phòng dịch, xã không tổ chức tập huấn chung một lần cho tất cả các trưởng thôn mà chủ động chia làm nhiều đợt với số lượng người tham gia ít".
"Đồng thời, xã cũng thực hiện tư vấn, hướng dẫn trực tiếp và giải đáp các thắc mắc qua điện thoại. Trong quá trình khai, người dân thắc mắc tới đâu sẽ được tư vấn ngay tới đó, đảm bảo chắc chắn về thông tin tư vấn. Đến nay, việc rà soát các đối tượng có tiêu chí rõ ràng đã cơ bản được hoàn thành. Xã Thạch Bình đã sẵn sàng triển khai thực hiện hỗ trợ đến tận tay các đối tượng được thu hưởng theo gói chính sách này" – ông Đinh Văn Kiên cho biết thêm.
Huyện Nho Quan hiện có 3.562 khẩu nghèo, 6.955 khẩu cận nghèo và có 4.486 hộ người có công với cách mạng. Trên tinh thần nghiên cứu kỹ Nghị quyết số 42, đồng thời thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, hướng dẫn của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình, UBND huyện Nho Quan đã chủ động xây dựng kế hoạch rà soát các đối tượng.
Hiện nay, ở tất cả các địa phương trong huyện đã tổng hợp danh sách đối với 3 đối tượng thụ hưởng: Người có công với cách mạng hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đối với những lao động hợp đồng, đóng bảo hiểm thì việc rà soát cũng thuận lợi do có các doanh nghiệp và cơ quan bảo hiểm phối hợp xác nhận.
Nhưng đối với các lao động tự do bị mất việc, công tác rà soát, thống kê sẽ khó khăn hơn do không chịu sự quản lý của cơ quan chức năng nào. Vì vậy, việc rà soát đối tượng lao động tự do cần phải có thời gian và sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị- xã hội ở cơ sở.
Công khai, minh bạch, tránh bỏ sót đối tượng
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình Lâm Xuân Phương cho biết: "Tính đến ngày 31/12/2019, toàn tỉnh còn 7.898 hộ nghèo, 12.493 hộ cận nghèo và 23.434 người có công, thân nhân người có công và người trực tiếp tham gia kháng chiến đang hưởng trợ cấp hàng tháng; gần 45 nghìn đối tượng bảo trợ được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Thực hiện nghiêm thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan chủ động xây dựng kế hoạch và đôn đốc các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện rà soát, tổng hợp đối tượng được thụ hưởng theo đúng quy định tại Nghị quyết số 42 của Chính phủ".
"Đối với các đối tượng chịu sự quản lý của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, việc rà soát cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên, các địa phương vẫn phải tiếp tục nắm bắt, rà soát lại các đối tượng này trước khi thực hiện chi trả, nhằm đảm bảo sự chính xác, tránh trường hợp bỏ sót đối tượng hoặc một đối tượng được hưởng hai lần hỗ trợ" – Giám đốc Lâm Xuân Phương cho biết thêm.
Được biết, theo Quyết định này, UBND tỉnh Ninh Bình sẽ cấp tạm ứng cho các huyện: Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn và thành phố Tam Điệp với tổng số tiền gần 112 tỷ đồng từ nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2020.
Đối với thành phố Ninh Bình, UBND tỉnh cho phép sử dụng số tiền trên 10,5 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư tại Quyết định số 177/QĐ-UBND ngày 15/1/2020 của UBND tỉnh để cấp ứng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ…
"Như vậy, với việc chủ động được nguồn kinh phí tạm ứng, những đối tượng được nhận hỗ trợ ngay sau đợt nghỉ lễ 30/4 & 01/5 này theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình. Đối với các đối tượng còn lại theo quy định tại Nghị quyết số 42 của Chính phủ sẽ tiếp tục được rà soát, tổng hợp và tổ chức chi trả trong tháng 5/2020" - Giám đốc Lâm Xuân Phương nhấn mạnh.