THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:37

Ninh Bình khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2022

Ninh Bình vùng đất linh thiêng, đầy huyền tích tiền sử, xưa kia là Kinh đô vang bóng trời Nam, mỗi tấc đất, ngọn núi, dòng sông nơi đây đều gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, gắn liền với tên tuổi của các bậc tiên đế, tiền nhân. 

 Một trong những chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Lễ hội Hoa Lư 2022

Một trong những chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Lễ hội Hoa Lư 2022

Cách đây 1.054 năm sau khi đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối. Ngày 10/3 năm Mậu Thìn 968 Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, xưng là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu Thái Bình, thành lập nên Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc. 

Kế tục sự nghiệp huy hoàng của nhà Đinh, Vua Lê Đại Hành đã cùng quân và dân cả nước phá Tống, bình Chiêm, xây dựng Đại Cồ Việt thành quốc gia hưng thịnh. Cũng tại mảnh đất linh thiêng này, vào mùa thu năm Canh Tuất 1010, Vua Lý Thái Tổ đã tuyên chiếu dời đô về Đại La, tạo vận hội mới cho sự phát triển của đất nước với sức vươn mình dựa thế rồng bay. 

Kinh đô Hoa Lư trở thành nơi lưu giữ những giá trị khởi nguyên trong hành trình phục hưng dân tộc, là mạch nguồn hình thành Kinh đô Thăng Long cùng sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật Lý - Trần trong lịch sử nghệ thuật văn hóa Việt Nam.

Lễ hội Hoa Lư là một hoạt động văn hóa lâu đời, được tổ chức hàng năm theo quy mô cấp tỉnh phản ánh đậm nét, sinh động về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế và lịch sử Việt Nam qua 3 triều đại: Đinh - Tiền Lê - Lý. Lễ hội Hoa Lư xưa được các vương triều phong kiến tổ chức lễ trọng, có tầm ảnh hưởng lớn lao, bảo lưu được những yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc.

Lễ hội đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Cố đô Hoa Lư và nhân dân cả nước nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp, thể hiện lòng tri ân sâu sắc, thành kính với các bậc tiên đế, tiền nhân đã có công khai thiên lập quốc, thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong cội nguồn văn hóa Việt Nam và làm cho giá trị Nhà nước Đại Cồ Việt luôn sống mãi với thời gian và lịch sử. 

Với những giá trị tiêu biểu và trường tồn ấy, Lễ hội Hoa Lư được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Cố đô Hoa Lư là một điểm sáng trong Danh thắng Tràng An, được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Sau diễn văn khai mạc tại Lễ hội Hoa Lư là chương trình nghệ thuật với chủ đề "Huyền thoại từ lòng đất", với những hoạt cảnh để tưởng nhớ công lao to lớn của Vua Đinh, phản ánh đậm nét, sinh động về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế và lịch sử Việt Nam qua ba triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý; các màn hòa tấu trống hùng tráng Đại Cồ Việt, cờ lau tập trận, màn đăng quang Đinh Tiên Hoàng Đế, giới thiệu về kết quả khai quật khảo cổ tại cánh đồng phía Nam Đền thờ Vua Lê ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư; kết quả khai quật đóng góp thêm những nhận thức mới, quan trọng về vùng đất Ninh Bình giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên…

Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 9 - 11/4, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh