Ninh Bình: Đền ơn đáp nghĩa là truyền thống, là đạo lý
- Tây Y
- 12:49 - 19/12/2022
Ninh Bình là tỉnh đóng góp nhiều sức người, sức của cho cách mạng; có 235.000 cán bộ, chiến sỹ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các mặt trận. Toàn tỉnh có trên 16.900 liệt sỹ; 1.275 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 14 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, hơn 13.000 thương binh, trên 8.000 bệnh binh, trên 8.900 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học và trên 102.000 người thuộc diện các đối tượng người có công khác.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết: “Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã luôn nỗ lực, cố gắng chăm sóc người có công với ý thức không chỉ là bổn phận, đạo lý, là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự với các cấp, các ngành, các tổ chức và của người dân. Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo hướng dẫn chuyên đề về công tác người có công hoặc lồng ghép với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.
Đến nay, tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành việc giải quyết và không còn hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH, ngày 20/3/2017 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; 100% xã, phường, thị trấn đã được công nhận là xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công. Từ năm 2012 đến nay đã thực hiện đào tạo nghề cho 233 người là con liệt sỹ, con thương binh nặng, sau học nghề đã bố trí việc làm cho 187 người, đạt trên 80%.Bên cạnh đó, tỉnh đã phát động và tổ chức thực hiện tốt các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” nhằm phát huy sức mạnh của toàn xã hội cùng tham gia vào các hoạt động chăm sóc, phụng dưỡng NCC.
Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ nhà ở cho trên 2.000 hộ với tổng kinh phí trên 60 tỷ đồng (trong đó trích từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội” của tỉnh là 15,4 tỷ đồng). Ngoài ra, từ nguồn xã hội hóa, đã xây dựng mới và sửa chữa 276 nhà tình nghĩa, kinh phí trên 10,3 tỷ đồng. Tặng 141 sổ vàng tiết kiệm tình nghĩa, trị giá 143 triệu đồng cho người có công. Hằng năm, vào các ngày lễ, Tết từ tỉnh đến cơ sở đều duy trì tốt việc thăm hỏi tặng quà cho NCC và gia đình liệt sĩ; phân công các cơ quan, đơn vị trong tỉnh nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đến hết đời.
Đã chỉ đạo vận động, đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội” các cấp đạt hàng chục tỷ đồng và một phần được trích để sử dụng cho việc trợ cấp khó khăn, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ là đối tượng chính sách; xây dựng và tu bổ nghĩa trang liệt sỹ, nhà bia ghi tên liệt sỹ...
Tỉnh Ninh Bình luôn xác định công tác Đền ơn đáp nghĩa không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên và nhân dân, thời gian qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về chăm sóc NCC trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, Ninh Bình tiếp tục giải quyết cơ bản hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC với cách mạng, trên 98% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC ;100% hộ NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú;100% công trình liệt sĩ được xây dựng đảm bảo kiên cố, sạch sẽ, tôn nghiêm; vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trên 03 tỷ đồng. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể trong công tác thực hiệnchính sách đối với người có công.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lâm Xuân Phương cho biết: “Với việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Đảng, Nhà nước và những chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh đối với các gia đình NCC, đến nay trên địa bàn tỉnh không còn các đối tượng thuộc hộ nghèo có thành viên là NCC; hầu hết các gia đình chính sách có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của Nhân dân địa phương. Bên cạnh sự chăm lo của Nhà nước và xã hội, nhiều đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và NCC trong tỉnh, đã tự mình vượt lên trên đau thương, mất mát, không đòi hỏi, ỷ lại vào sự chăm lo của Nhà nước và xã hội, khắc phục khó khăn nhiều mặt để chăm lo cho cuộc sống của bản thân và gia đình, đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng quê hương đất nước. Đặc biệt, nhiều đồng chí đã nỗ lực vươn lên trở thành những tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi ở nhiều lĩnh vực, tạo việc làm cho nhiều lao động”.
Chăm lo cho NCC chính là việc làm để tôn tạo truyền thống quý báu của dân tộc; chăm lo cho sự phát triển của đất nước hôm nay và mai sau. Để thực hiện được các mục tiêu đó, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng và Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 22/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về công tác chăm sóc người có công với cách mạng; quan tâm và thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình NCC.
Tập trung triển khai đồng bộ, thống nhất, kịp thời Pháp lệnh Ưu đãi NCC, giải quyết tốt các vấn đề tồn đọng sau chiến tranh; cải cách thủ tục hành chính trong xác nhận người có công qua các thời kỳ; tạo điều kiện thuận lợi để NCC thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những vụ việc tiêu cực sai phạm trong quá trình thực hiện chính sách. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác NCC với cách mạng. Làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; nhanh chóng giải quyết hồ sơ tồn đọng.
Chủ tịch Phạm Quang Ngọc thông tin thêm: “Đẩy mạnh xã hội hóa công tác ĐƠĐN, vận động để công tác này thực sự là một nghĩa vụ, bổn phận của tất cả mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, thế hệ trẻ… Phát triển sâu rộng, nâng cao chất lượng các phong trào, chương trình ĐƠĐN làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, NCC với cách mạng. Chú trọng giáo dục thế hệ trẻ; nâng cao chất lượng các phong trào, chính sách hậu phương quân đội, các chương trình tình nghĩa, phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo lý ĐƠĐN đẩy mạnh các chương trình nhà tình nghĩa, nhà đồng đội... tạo sự tham gia sâu rộng của toàn xã hội.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội. Thường xuyên động viên, khích lệ, kịp thời biểu dương, khen thưởng các thương binh, bệnh binh, gia đình NCC phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công mãi mãi được khắc ghi trong trái tim mỗi người chúng ta, là nguồn lực tinh thần quý báu, tiếp thêm sức mạnh để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Ninh Bình đoàn kết, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, hiện thực hóa khát vọng phát triển Ninh Bình nhanh và bền vững” - Chủ tịch Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh.