Thanh Hoá: Thực hiện tốt chính sách chăm sóc NCC
- Tây Y
- 14:30 - 06/06/2022
"Đền ơn đáp nghĩa" trở thành phong trào sâu rộng
Thanh Hóa là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và yêu nước đã góp nhiều sức người, sức của cùng với Nhân dân cả nước đấu tranh giải phóng dân tộc trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Thanh Hoá hiện nay đang quản lý trên 329.000 NCC, hơn 56.000 liệt sĩ, gần 46.000 thương binh, hơn 16.000 bệnh binh, hơn 18.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiếm chất độc hóa học và có trên 200.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế.
Toàn tỉnh hiện đang chi trả trợ cấp thường xuyên cho hơn 74.000 đối tượng NCC và thân nhân, với tổng kinh phí gần 140 tỷ đồng/tháng. Hằng năm, có hơn 100.000 người có công và thân nhân được thăm hỏi, tặng quà nhân dịp tết Nguyên đán và kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ; gần 15.500 lượt người có công với cách mạng được điều dưỡng, chăm sóc sức khoẻ và 100% người có công và thân nhân người có công được cấp thẻ BHYT theo quy định.
Cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Ðảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, các đơn vị quân đội, công an, doanh nghiệp và các cá nhân trong và ngoài tỉnh cũng đã tích cực tham gia các phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, như: xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ Ðền ơn đáp nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, ổn định đời sống thương binh, bệnh binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ ...
Có thể nói phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc NCC ở Thanh Hoá đã thực sự trở thành một phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội. Những tình cảm và việc làm thiết thực đó đã góp phần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá.
Trong những tháng đầu năm 2022, sở LĐ-TB&XH Thanh Hoá đã tích cực hướng dẫn, chỉ đạo Cơ quan LĐ,TB&XH các cấpthực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân theo đúng quy định; hướng dẫn, chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chi trả trợ cấp ưu đãi hằng tháng đảm bảo đầy đủ, kịp thời. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp nhận và xử lý kịp thời hồ sơ đề nghị hưởng chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó: Đã ban hành quyết định công nhận mới (thương binh, liệt sĩ; phong tặng, truy tặng huân, huy chương, danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng; trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng khác…
Những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình đó được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc.
Nâng cao chất lượng chăm sóc người có công
Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Thanh Hoá Vũ Thị Hương cho biết; “Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian tới, Thanh Hoá tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, tích cực, chủ động tham gia nghiên cứu, tổng hợp những bất cập, hạn chế trong việc tổ chức triển khai thực hiện các quy định về chính sách đối với NCC để kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương điều chỉnh kịp thời. Đẩy mạnh phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", bảo đảm thiết thực, sâu rộng, hiệu quả; huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc xây dựng và phát triển Quỹ "Ðền ơn đáp nghĩa". Thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công, kiến nghị cấp ủy và cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi của NCC với cách mạng. Ngành tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể vận động kinh phí từ nguồn xã hội hóa để hỗ trợ đảm bảo đời sống cho người có công với cách mạng; tăng cường giám sát công tác quản lý, chi trả trợ cấp ưu đãi, giải quyết chế độ, chính sách đối với NCC".
Hướng đến kỷ niệm 75 năm ngày TB-LS (27/7/1947-27/7/2022, được biết ngành LĐ-TB&XH Thanh Hoá đã tham mưu tổ chức các hoạt động tri ân NCC trong dịp này, đưa ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú và không còn hộ nghèo có thành viên là NCC với cách mạng.100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, NCC.
Trong những năm tiếp theo, tỉnh Thanh Hoá tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể trong công tác thực hiện chính sách đối với người có công. Phát huy vai trò của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, người đứng đầu cơ quan trong việc tham gia giám sát thực hiện chính sách người có công.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội. Giải quyết kịp thời các đơn thư của người dân. Quản lý chặt chẽ đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi NCC; chỉ đạo các địa phương giải quyết kịp thời các hồ sơ theo đúng quy định, không để hồ sơ tồn đọng tại cơ quan quản lý các cấp.
"Để tạo đột phá, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc NCC, thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tập trung đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, liệt sĩ, NCC với cách mạng. Tập trung thực hiện các hoạt động hỗ trợ nâng cao đời sống củangười có công và gia đình NCC với cách mạng, duy trì xây dựng 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công, Đồng thời phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách. Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác NCC, tập trung giải quyết căn bản hồ sơ xác nhận NCC còn tồn đọng. Tiếp tục quán triệt, triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi NCC với cách mạng, mà trọng tâm là Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021, rà soát, xem xét, giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương trong công tác NCC" - Giám đốc Vũ Thị Hương nhấn mạnh.