THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:57

Ninh Bình: Cội nguồn tạo nên sức mạnh

Tinh hoa hội tụ trên Kinh đô đá

Tỉnh Ninh Bình có diện tích tự nhiên gần 1.400 km2, được thiên nhiên ưu ái tạo nên vùng đất có biển, có rừng núi, có đồng bằng, giàu tiềm năng phát triển toàn diện và là địa bàn có thế hiểm yếu về quân sự: tiến có thể đánh, lui có thế giữ. Vì vậy, Ninh Bình là vùng đất mang đầy dấu tích lịch sử. Dân số Ninh Bình năm 1992 có 819.600 người và đến hết năm 2021 tăng lên trên 973.000 người; đại bộ phận dân cư là dân tộc Kinh và có khoảng 20.000 người thuộc dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường, sống tập trung ở một số xã miền núi huyện Nho Quan. Có 2 tôn giáo chính: Phật giáo và Công giáo, (trong đó Phật giáo chiếm khoảng 5,18% và Công giáo chiếm 16,3% dân số), chủ yếu tập trung ở huyện Kim Sơn.

Tràng An - Ninh Bình

Tràng An - Ninh Bình

Ninh Bình là vùng đất giàu tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, giàu truyền thống lịch sử văn hoá, là mảnh đất thiêng, từng là Kinh đô của Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của nước ta, là nơi phát tích của ba vương triều: Ðinh, Tiền Lê và Lý. Đặc biệt, năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An đã được tổ chức UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Hiện, tỉnh Ninh Bình có 2 thành phố và 6 huyện với 143 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 119 xã, 17 phường và 7 thị trấn. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, vùng đất và con người Ninh Bình đã để lại những dấu ấn đặc biệt. Đầu Công nguyên, Hai Bà Trưng dựa vào địa hình rừng núi Tam Điệp để chống lại quân Đông Hán do Mã Viện chỉ huy. Tại đây nhân dân trong vùng đã cung cấp lương thảo, gia nhập nghĩa quân đánh giặc. Những năm đầu thế kỷ X, Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền dựa vào dãy núi Tam Điệp đắp thành luỹ để xây dựng và bảo vệ lực lượng ở miền Thanh Hoá, rồi tiến quân đánh thắng quân Nam Hán, lập chiến công vang dội ở Đại La năm 930, Bạch Đằng năm 938. Vào nửa cuối thế kỷ X, Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, thu giang sơn về một mối, lập vương triều phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, dựng kinh đô ở đất Hoa Lư, vào năm 968 xây dựng triều chính và quản lý đất nước. 

Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Ninh Bình

Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Ninh Bình

Trong thực tiễn xây dựng và chiến đấu bảo vệ quê hương, người dân Ninh Bình đời sau nối tiếp đời trước hun đúc nên những phẩm chất, tính cách cao đẹp trở thành truyền thống quý báu. Đó là truyền thống lao động cần cù sáng tạo, đoàn kết, đùm bọc giúp đỡ nhau trong khó khăn, gian khổ, chống đỡ, khắc phục hậu quả thiên tai, dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Quá trình lịch sử đấu tranh xây dựng và phát triển quê hương của nhân dân Ninh Bình đã sáng tạo một không gian văn hoá đặc sắc, năng động. Đến nay, có 1.821 di tích lịch sử, văn hoá, trong đó có 379 di tích đã được xếp hạng; 81 di tích cấp quốc gia; 298 di tích cấp tỉnh; 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt: Di tích lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư; khu du lịch sinh thái Tràng An - Tam Cốc - Bích Động; di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Non Nước. Đặc biệt, năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (Di sản hỗn hợp thứ 38 của thế giới và là đầu tiên của Đông Nam Á). Những thành tựu rực rỡ về kiến trúc, điêu khắc như đền thờ Vua Đinh - Vua Lê, đền Thái Vi, nhà thờ đá Phát Diệm; những áng thơ văn, lễ hội, ca múa, trong đó hát chèo có từ thời Đinh, hát ca trù, hát xẩm ở Yên Phong (Yên Mô), hát văn (Phủ Đồi, Nho Quan)... còn duy trì và phát triển đến ngày nay. 

Mỗi ngọn núi, con sông trên đất Ninh Bình đều là những địa danh ghi lại những dấu tích về văn hoá, lịch sử trong tiến trình thích ứng với thiên nhiên, chống thù trong, giặc ngoài để đứng vững và phát triển. Mỗi tên đất, tên làng đều thể hiện khát vọng về một cuộc sống hoà bình, hạnh phúc bền vững của nhân dân trên mảnh đất Ninh Bình.

Cội nguồn tạo nên sức mạnh

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: “Ninh Bình đang bước vào một chặng đường phát triển mới với mục tiêu “phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển trung bình khá của khu vực đồng bằng sông Hồng” đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục đoàn kết, tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh với đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, huy động sức mạnh của nhân dân để lãnh đạo thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ mới”.

 Lễ khánh thành Nhà máy đúc thép công nghệ cao Ninh Bình

Lễ khánh thành Nhà máy đúc thép công nghệ cao Ninh Bình

“Để đạt được những mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế; chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược, triển khai các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng giá trị sản phẩm và đóng góp ngân sách lớn, ưu tiên công nghiệp phụ trợ, sản xuất lắp ráp ô tô; phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hình thức sản xuất tiên tiến, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch; từng bước phát triển vùng kinh tế ven biển; tạo sự đột phá về phát triển sản phẩm, chất lượng dịch vụ, định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, quan tâm tổ chức sản xuất cho nhân dân, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, tăng tính bền vững trong thu ngân sách, tạo đà vững chắc cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 và những năm tiếp theo khi tỉnh Ninh Bình tự cân đối ngân sách”, Bí thư tỉnh Ninh Bình thông tin thêm.

Đồng thời, tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển đô thị hiện đại, tập trung cao cho việc thực hiện các dự án, công trình trọng tâm giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện tốt công tác quy hoạch, sớm hoàn thành quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát huy lợi thế về vị trí chiến lược, trung điểm vùng kinh tế Bắc bộ (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa) làm cơ sở hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển gắn với đổi mới cơ chế, chính sách quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Ninh Bình tiếp tục phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống tốt đẹp của quê hương; đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ lao động có trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển; khuyến khích thu hút và trọng dụng nhân tài, khơi dậy khát vọng vươn lên của con người Cố đô; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác y tế, giáo dục; tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.

Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình cũng đổi mới phương thức tổ chức thực hiện theo hướng trọng tâm, trọng điểm, giải quyết các việc theo chuyên đề với những quyết sách chiến lược, bài bản, khoa học, tổng thể, liên thông và đảm bảo tính khả thi cao; ban hành các cơ chế chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo nguồn lực; dám nhìn thẳng vào khuyết điểm, hạn chế, rà soát tháo gỡ những “điểm nghẽn” về cơ chế chính sách. Đồng thời, đổi mới tư duy, thực hiện tốt khâu đột phá xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số; quyết liệt đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ngành, địa phương và cấp tỉnh (PCI) thúc đẩy thu hút đầu tư. Với phương châm lấy “Cội nguồn tạo nên sức mạnh” để đưa Ninh Bình phát triển mạnh mẽ hơn nữa”, Bí thư Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh