Niềm hy vọng với 'luồng sinh khí U19'
- Văn hóa - Giải trí
- 15:31 - 26/02/2015
* phóng viên thể thao: Anh hy vọng điều gì ở bóng đá Việt Nam trong năm mới, anh Hồng Ngọc?
- Hồng Ngọc: Hiển nhiên, ai cũng hy vọng những điều tốt đẹp hơn cho bóng đá nước mình. Như giải đấu hạng cao nhất là V-League sẽ hấp dẫn hơn, cống hiến hơn, chơi đẹp hơn, và nhờ thế mà đông khán giả hơn . Ở cấp đội tuyển thì trong năm lẻ chúng ta sẽ dự SEA Games với đội tuyển U23, và chiếc HCV vẫn là giấc mộng kể từ ngày Việt Nam tái hòa nhập vào bóng đá khu vực.
* Không lẽ năm mới mà cứ nhắc lại những ước mơ cũ. Có niềm hy vọng gì mới trong năm nay không, từ góc nhìn của anh?
- Niềm hy vọng cũ, nhưng tính khả thi thì mới. Cơ sở cho tính khả thi đó bộc lộ từ năm cũ, quan trọng nhất là “hiện tượng U19”. Đội tuyển trẻ này với những cầu thủ lứa đầu của Học viện HA.GL Arsenal JMG làm nòng cốt đã thổi một luồng sinh khí mới vào bóng đá Việt Nam, kéo những người hâm mộ bóng đá đã quay lưng với bóng đá nội từ lâu trở lại.
Công Phượng (44) và các đồng đội đang tạo ấn tượng tại V-League 2015
Nhờ thứ bóng đá đẹp và trong sáng, lãng mạn và cống hiến, tốc độ và hiện đại, khán giả Việt Nam như thể được xem thứ bóng đá tưởng chỉ có ở giải Ngoại hạng Anh nay được trình diễn trên đất Việt bởi những cầu thủ Việt.
Tuy chỉ là đội trẻ, nhưng khởi đầu bằng việc nhân danh quốc gia khi đại diện cho bóng đá Việt Nam tham dự các giải trẻ quốc tế như U19 Đông Nam Á và U19 châu Á, đã cộng hưởng với tinh thần dân tộc tiềm tàng của người Việt để chuyển hóa sang tình yêu bóng đá.
Nếu không khởi đầu trong màu áo đội tuyển mà chỉ đơn giản là với các giải trẻ quốc gia, chắc chắn các cầu thủ trẻ từ HA.GL Arsenal JMG không thu hút được sự hâm mộ đông đảo và sâu sắc như thế.
Nhưng giờ thì các cầu thủ này đã có được tình yêu đó từ người hâm mộ, dù họ thi đấu trong vai trò đại diện cho CLB HA.GL. Việc mang theo tình cảm “hoàn hảo” đến mức mà ngay cả các bình luận viên của VTV khi bình luận sau trận đấu nói về đội HA.GL mà dùng đại từ nhân xưng “chúng ta”, khái niệm chỉ được các bình luận viên dùng tới khi nói về đội tuyển nước mình.
* Dù sao HAGL chỉ là một trong số 14 đội bóng tham dự V-League. Làm sao nó có thể làm tăng chất lượng của cả một giải đấu và thay đổi cả một nền bóng đá?
- Xét về số lượng thì đúng là như vậy. Nhưng như tôi từng nói cũng trong một chầu Cà phê thể thao gần 1 năm trước, rằng chất lượng và sự trong sáng trong lối chơi của các cầu thủ này sẽ đánh thức cảm xúc tích cực của cả một nền bóng đá.
Ai làm bóng đá, ai xem họ thi đấu cũng đều có chung mong muốn họ tiếp tục phát triển, và trước hết họ phải được bảo vệ. Bảo vệ cả ở trong sân lẫn ngoài sân.
Mối lo đầu tiên là khi họ lên thi đấu chuyên nghiệp họ sẽ bị xé lẻ, và vì vậy phải tuân theo luật chơi của các đàn anh. Bầu Đức đã giải quyết mối lo đó ở phạm vi đội bóng, khi đôn cả lứa này lên đội 1, và “dọn dẹp” đội 1 để tạo môi trường cho các cầu thủ trẻ mà họ là nhân tố chủ đạo chứ không chỉ là nhân tố bổ sung.
Mối lo thứ 2 là môi trường không trong sạch của V-League mà tệ hại nhất là nạn bán độ đã được lãnh đạo VFF xử lý bằng việc trừng phạt cực kỳ nghiêm khắc trong năm qua, với mức án nặng nhất cho các cầu thủ phạm pháp của Ninh Bình, và chắc chắn sẽ được thực hiện tương tự với các cầu thủ Đồng Nai nếu họ bị khép tội.
Tất nhiên môi trường không trong sạch còn có cả lối sống buông thả, bê tha, và lấy tệ nạn làm… giá trị sống của cầu thủ thì cần có thời gian dài để thay đổi, mà vai trò của lãnh đạo các đội bóng quan trọng hơn vai trò của lãnh đạo VFF trong việc này.
Các cầu thủ U19 khi khoác áo HA.GL cũng nhận được sự yêu mến không kém gì lúc đá cho đội tuyển U19 Việt Nam.
Mối lo thứ 3 là thứ bóng đá bạo lực ở V-League sẽ “lấy giò” các cầu thủ này, hoặc ít nhất cũng làm họ sợ hãi mà không thể hiện được khả năng kỹ thuật tốt nhất nữa. Khi Công Phượng cùng HAGL sang tập huấn tại Thái Lan, em đã lý giải tại sao bóng đá Thái phát triển, chỉ đơn giản ở chỗ các cầu thủ của họ để cho đồng nghiệp chơi bóng chứ không lấy giò hay đe dọa đồng nghiệp bằng các động tác triệt hạ. Đó rõ ràng là cách để Công Phượng nói về vấn đề này của bóng đá Việt.
Chúng ta cũng đã nghe Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng “tiết lộ” rằng “anh Đức nhờ tôi bảo vệ các cầu thủ HA.GL”, và chắc chắn lãnh đạo VFF sẽ làm việc đó, vì bảo vệ các cầu thủ tài năng của HA.GL cũng là bảo vệ thứ bóng đá đẹp và cống hiến.
Tất nhiên, điều mà chúng ta chờ đợi không phải là sự thiên vị, mà là sự công tâm của các trọng tài: họ cũng phải bảo vệ tất cả các cầu thủ chơi bóng khác, và trừng phạt tất cả các cầu thủ thô bạo khác ngay cả khi họ không thi đấu với HA.GL. Nếu thế, sự bảo vệ các cầu thủ HA.GL sẽ được chuyển hóa thành sự bảo vệ bóng đá đẹp, và đó sẽ là môi trường cho sự phát triển của V-League và bóng đá Việt.
Như thế thì một đội HA.GL không chỉ còn là một trong số 14 đội bóng dự V-League nữa. Nó đã trở thành một hiện tượng đánh thức sự quan tâm của người hâm mộ với bóng đá Việt, thúc đẩy nỗ lực cải tạo môi trường bóng đá trong và ngoài sân của những nhà lãnh đạo bóng đá. Đó là những điều chúng ta đã và đang thấy. Rất có thể, nó cũng sẽ thúc đẩy các CLB khác đầu tư nhiều hơn vào đào tạo trẻ.
* Vậy còn hy vọng tấm HCV SEA Games 2015 thì tính khả thi đến đâu?
- Sau kế hoạch của lãnh đạo VFF là cầu thủ dự SEA Games 2015 cũng phải trong độ tuổi dự SEA Games 2017, chúng ta có thể đoán trước được, đội hình này sẽ là nòng cốt cho đội tuyển U23 Việt Nam tại SEA Games năm nay. Đó thực chất là cách để tiếp tục bảo vệ lứa cầu thủ này khỏi bị lép vế, có thể vì thế mà bị lôi kéo vào cám dỗ của các cầu thủ đàn anh, như bầu Đức đã làm với đội 1 HA.GL.
Như thế cũng có nghĩa là họ sẽ giảm chịu sức ép về thành tích, đó là thuận lợi đáng kể. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào sự trưởng thành của các cầu thủ ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp. Nếu HA.GL có thể kết thúc V-League 2015 trong top 3 thì họ đã thật sự sẵn sàng để chinh phục tấm HCV SEA Games năm nay, cho dù họ chịu thiệt thòi so với các đối thủ về độ tuổi và kinh nghiệm thi đấu. Tôi tin vào năng lực của họ, nhưng cũng không mong rằng thành công đến với họ quá sớm và dễ dàng, vì những thất bại sau này cũng sẽ đến nhanh và dễ dàng như thế.