CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:31

Niềm hy vọng của những xóm “ổ chuột” sau chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng

 

Những mảnh đời trôi

Sài Gòn thường được nhắc đến là biểu tượng cho sự phồn hoa, tráng lệ với những cao ốc sừng sững, biệt thự nguy nga, nhà cao tầng chọc trời mà ít ai biết ẩn mình sau các tòa cao ốc ấy còn biết bao mảnh đời “tha phương cầu thực”, ngày ngày phải nương nhờ sống tạm bợ trong những nhà chòi ven sông lụp xụp, bẩn thỉu và thiếu thốn trăm bề.

Theo chân một  người bạn thợ hồ, chúng tôi có dịp “thị sát”  đời sống của người dân một khu nhà ven kênh, tại phường 13 (quận Bình Thạnh). Khu nhà người bạn nằm sâu trong một con hẻm nhỏ với đầy mùi hôi thối nồng nặc từ dòng nước đen kịt phía dưới con kênh. Những mái “lều”  được  che chắn bằng thứ vật liệu “tổng hợp” với đủ loại bao bì, bạt, giấy báo,… phập phồng. Không chỉ thế, nơi ở của anh bạn  được người người ví như “khách sạn ngàn sao”, mà nguyên khu này nhà nào cũng “thoáng đãng” đến khó tin như thế. Tới đây, chúng tôi không thể ngồi lâu vì những thứ mùi từ hàng trăm loại rác rưởi người dân thải xuống con kênh đen ngòm, đặc quếnh xông vào mũi ngột ngạt.

Những khu lấn sông, kênh rạch đang làm xấu đi bộ mặt thành phố.

Trong khi đó, những ngôi nhà này không dựng trên mặt đất mà được thiết kế bằng các cọc gỗ chôn xuống lấn ra dòng kênh cả chục mét. Cọc gỗ làm giá đỡ cho những vách sàn cũ kĩ, mục nát. Khi ‘thăm quan” khu vệ sinh của xóm này, thì hoàn toàn sững sờ trước viễn cảnh của một thành phố sầm uất bậc nhất cả nước. Thay vì nhà vệ sinh chắc chắn, thì người dân chỉ cần lấy những tấm bạt nhàu nát khoanh vùng một góc sàn, ở giữa khoét một lỗ hỏng và cứ thế phóng uế xuống dòng kênh hết sức hồn nhiên. Tệ hại hơn, chính những người dân ở đây lại bơm trực tiếp nước từ con kênh đó và xử lý thô sơ để dùng làm nước sinh hoạt. Khi được hỏi: “Làm sao có thể sống được ở một nơi như thế?”. Anh bạn tôi cười hiền trả lời: “Sống ở đây riết thành quen, mà mình nghèo không có tiền thì không dám đòi hỏi gì hơn”.

Nhiều người dân quan niệm, họ chỉ cần có chổ để “chui ra chui vào” nghỉ ngơi sau một ngày mưu sinh vật vã, chứ chẳng quan tâm gì đến những vấn đề khác, mà nói như anh bạn tôi “ Người nghèo đâu có quyền đòi hỏi”.

Cuộc sống của những người dân đang bị đe dọa về sức khỏe và tính mạng nếu tiếp tục bám víu những khu nhà này.

Thực tế  khu mà anh bạn tôi đang tá túc chỉ là số ít trong rất nhiều xóm nhà tạm bợ lụp xụp giữa thành phố. Trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh hiện có rấy nhiều khu nhà lấn sông dựng lên trái phép, tập trung nhiều ở các quận 4, 6,7, 8, Bình Thạnh và các huyện Nhà bè, Bình Chánh. Người dân vì nhu cầu sử dụng nhà ở, dù biết mình vi phạm pháp luật cố nhắm mắt làm liều. Chính quyền địa phương ban đầu có biết nhưng vì chưa tìm ra giải pháp nào nên đành làm lơ. Đến khi hình thành nên những xóm “nhà chồ” lại gặp rắc rối trong việc tháo gỡ, xử lý và quản lí. Cứ thế, qua thời gian, tình trạng làm nhà lấn sông trái phép vì thể cứ tiếp diễn và để lại nhậu quả khó lường. Dòng chảy của sông, kênh, rạch bị thu hẹp, gây sạt lở nghiêm trọng, môi trường ô nhiễm khiến nguy cơ gia tăng dịch bệnh. Hơn hết, với những túp lều xiêu vẹo, rách nát, con người lam lũ nghèo khó và cả những thành phần “bất hảo” ẩn nấp… tạo cho các xóm nhà ven kệnh rạch này sự bất ổn. Mảng tối ở các khu ổ chuột như là nét vẽ nguệch ngoạc lên bức tranh Sài thành diễm lệ, là “nốt trầm” của bản nhạc du dương. Đây cũng là bài toán nan giải trong việc di dời giải tỏa các khu nhà lấn sông tạm bợ ở TP.Hồ Chí Minh từ nhiều năm qua.

“Không thể có người dân nào sống khổ sở trên kênh rạch được”

Theo thống kê sơ bộ của Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh, thành phố hiện còn hơn 17.000 căn nhà bám theo các con sông, kênh, rạch. Tuy nhiên thực tế có thể số lượng nhà trên cao hơn con số thống kê được. Bởi hiện nay 67 tuyến kênh chưa có số liệu khảo sát và chưa cắm mốc hành lang an toàn. Việc thay đổi ranh giới giải tỏa hành lang kênh rạch cộng với các quận có nhiều nhánh kênh rạch cần chỉnh trang, nên số lượng nhà lụp xụp có thể tăng lên.

Người dân đang hy vọng sau chỉ đạo của Bí thư Thăng

Trong 5 năm tới, kế hoạch đặt ra là di dời, giải tỏa một nửa trong số này. Quận 4, quận 8 là nơi có số lượng nhà ở lụp xụp ven kênh rạch nhiều nhất. Theo đề án, trong vòng 5 năm tới, thành phố sẽ tập trung di dời hàng ngàn căn nhà ven 5 tuyến kênh rạch chính: Tàu Hủ - Bến Nghé, Đôi - Tẻ, Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên. Hiện dự án chung cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) được xem là một “đại chung cư” tái định cư dành chủ yếu cho những hộ dân di dời từ ven kênh rạch với gần 2.000 căn hộ và hơn 500 nền đất. Điều đáng nói là với nhiều lý do khác nhau, số hộ dân về đây ở chưa đến 15% mặc dù dự án đã hoàn thành từ gần 5 năm nay. Khi được hỏi, nhiều hộ thừa nhận môi trường tốt hơn nhưng cuộc sống của họ bị xáo trộn nghiêm trọng. Người dân ở đây chủ yếu là những lao động tạm bợ, quen dựa vào sông nước kiếm kế sinh nhai nay được lên bờ chưa thể bắt nhịp với cuộc sống mới. Nhiều người thừa nhận sẵn sàng chui rúc trong các ngôi nhà tạm bợ, dựa vào sông nước mưu sinh hơn là đến ở chung cư hiện đại. Tuy nhiên, họ sẵn sàng di dời khi thành phố giúp giải quyết vấn đề hòa nhập, tái làm việc kiếm sống.

Lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh khẳng định: Quan điểm của thành phố là khi tái định cư cho người dân thì chỗ ở mới phải tốt hơn chỗ ở cũ. Công ăn việc làm cũng như chuyện học hành của con em có thể bất tiện hơn do phải di chuyển tới nơi ở mới xa trung tâm thành phố, nên địa phương phải hết sức quan tâm đến cuộc sống cho bà con. Thực tế nhiều năm qua, một số dự án tái định cư đã không được sự ủng hộ của người dân, công trình bỏ không ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài việc tìm giải pháp an dân, ngăn chặn sự xuất hiện mới của những xóm nhà vên sông, kênh, rạch lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh đang quyết tâm đẩy nhanh quá trình tái định cư.

Vấn đề quan trọng nhất hiện tại là việc cung ứng vốn xây dựng khu tái định cư và vốn hỗ trợ người dân hòa nhập cuộc sống mới. Chỉ tính riêng địa bàn quận 8, lãnh đạo quận cho biết quận hiện có hơn 9.500 căn nhà trên và ven kênh rạch. Điều kiện sống của người dân rất khó khăn, tình hình ô nhiễm môi trường tại các kênh rạch ở quận đang ngày càng trầm trọng. Người dân cũng mong muốn sớm được di dời đến một nơi ở mới tốt hơn. Trước mắt, quận tập trung chỉnh trang đô thị, di dời hơn 5.300 hộ dân có nhà lụp xụp hai bên bờ Kênh Đôi. Hai phương án quận 8 đưa ra để thực hiện dự án này là hoặc sẽ di dời, giải tỏa, chỉnh trang toàn bộ hoặc một nửa số hộ dân nói trên. Với phương án di dời toàn bộ thì kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự kiến gần 14.000 tỉ đồng.

Trong cuộc họp với UBND quận 8 cuối tháng 5 vừa qua bàn về công tác di dời dân khỏi các xóm lấn sông, Bí Thư thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã nhấn mạnh: “Tất cả người dân có nhà trên kênh rạch dù không đủ điều kiện để bồi thường vẫn phải đảm bảo cho họ có nơi ở mới, không còn ô nhiễm và điều kiện sống cũng tốt hơn hoặc ít nhất là bằng nơi ở cũ”.

 Ông Thăng quyết liệt đốc thúc các cấp: “Chúng ta đang đặt mục tiêu xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh và nghĩa tình thì không thể có người dân nào sống khổ sở trên kênh rạch được. Mình làm phải nghĩ đến người dân đang phải sống trong môi trường ô nhiễm, chưa bao giờ biết đến nước sạch”.  Bí thư Thăng thừa nhận số tiền chi phí cho việc làm trên là rất lớn, nhưng hoàn toàn có thể giải quyết được nếu tìm ra cách làm nhanh và sáng tạo. Người dân đang hy vọng sự quan tâm thấu tình đạt lý của Bí thư Thăng, việc di dời sớm đem lại kết quả tốt đẹp, góp phần ổn định đời sống và làm đẹp hơn bộ mặt thành phố.

BÌNH NGHI/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh