THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:04

Những xã nông thôn mới bị "đẻ non" ở Hòa Bình

 

Vị cựu trưởng thôn già nhìn đống giấy khen như nhìn vào một bức vách. Trong mắt ông có nỗi buồn chất chứa vì xóm làng vẫn còn nghèo, dân tình vẫn còn nhiều người khổ...  

Nặng gánh thành tích

Ông Bạch Văn Viên - cựu trưởng xóm Đá Bạc, xã Liên Sơn lẹt xẹt mở cánh cửa nhà văn hóa thôn. Không gian thoảng mùi ẩm mốc. Ánh sáng lờ nhờ khiến cho mắt người phải một lúc mới thích ứng được để nhìn thấy rõ những gì bên trong.

Mái dột, xà quá giang là mấy cây gỗ róc sơ vỏ nhỏ như bắp chân, tường tứ bề nước thấm loang lổ không còn ra màu vôi ve nguyên bản. Thứ đáng giá nhất là tấm băng rôn đỏ chói đang treo bên trên “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới” và một vách tường ken dầy những giấy khe, bằng khen các loại.

Chưa bao giờ tôi thấy nhiều giấy khen, bằng khen đến thế! Cái cũ thì chữ bạc chữ nhòe, cái mới vẫn còn tươi rói màu mực đóng dấu. Tôi nhẩn nha đếm được tổng cộng 52 cái cả thảy nhưng ông Viên bảo vẫn còn rất nhiều cất trong tủ vì không còn chỗ để mà treo.

 

Ông Viên bên mớ giấy khen, bằng khen đủ loại ở nhà văn hóa

 

Vị cựu trưởng thôn già nhìn đống giấy khen như nhìn vào một bức vách. Trong mắt ông có nỗi buồn chất chứa vì xóm làng vẫn còn nghèo, dân tình vẫn còn nhiều người khổ, lại thêm nỗi sản xuất năm nay thất bát, lợn gà mất giá mà lúa má thì lại hỏng ăn.

“Vẫn còn nặng gánh thành tích lắm chú ạ!”. Ông bắt đầu câu chuyện với tôi bằng một câu chiêm nghiệm như vậy. Bệnh thành tích có từ thời HTX Hợp Nhất mấy chục năm trước chuyên rong công, phóng điểm, sản xuất thấp tẹt nhưng báo cáo vẫn tốt vời đến nỗi một đồng chí lãnh đạo cấp cao khi về thăm năm 1991 vẫn cứ gật gù khen. HTX sau đó duy trì được 9 năm tiếp thì phá sản còn ông Chủ nhiệm HTX của một thời tiêu biểu đành ôm nợ mà khuất núi.

Giờ bệnh thành tích tuy có đỡ hơn nhưng vẫn còn nặng gánh. Trưởng xóm cũ là ông Viên hay trưởng xóm hiện tại là anh Nguyễn Văn Huấn đều nhận ra chuyện đó nhưng vì nằm trong vòng quay ấy mà vẫn phải chịu: Thứ nhất là hình thức trong việc xóa đói giảm nghèo. Cứ mỗi dịp cuối năm là xóm phải nâng số hộ khá lên, giảm số hộ nghèo đi. Tiêu chí để bình xét thì nhiều bất cập như có 1 con bò cũng chấm điểm ngang với có cả 1 đàn bò, có 1 cái ti vi nát giá vài trăm ngàn cũng được điểm ngang với có 1 cái ti vi xịn vài chục triệu…

Thứ hai là hình thức trong việc thống kê năng suất lúa. Vụ mùa vừa rồi khắp vùng bị dịch bệnh nặng khiến năng suất tụt xuống thảm hại. Lãnh đạo xóm cùng các ban hành đoàn thể đã chọn trong 8,4 ha lúa của Đá Bạc ra một thửa ruộng quân bình nhất để gặt thống kê rồi tính toán, cân đong đi đến thống nhất năng suất chỉ 20 tạ/ha. Nhưng khi báo cáo lên trên con số ấy không được công nhận đã đành mà còn được định hướng: “Ít ra phải là 25 tạ/ha chứ?”.

Thứ ba là hình thức trong việc thống kê thu nhập bình quân. Xóm tính toán chỉ được 25 triệu/người/năm tuy nhiên khi báo cáo lên trên thì được giải thích rằng: “Mặt bằng chung là 27 triệu/người mà xóm các anh kê có 25 triệu/người/năm, thiếu mất 2 triệu thì ai bù cho?”. Nhưng lần này khác với chuyện năng suất lúa, Đá Bạc vẫn kiên quyết giữ nguyên thông số 25 triệu/ người/năm.

Để minh chứng cho những điều vừa kể mọi người dẫn tôi đến nhà anh Bùi Văn Thanh. Lối vào cỏ mọc xanh, không một dấu hiệu nào của phương tiện qua lại vì gia chủ không có cả xe máy lẫn ti vi. Người đàn ông tàn tật đó đi lại khó khăn, mỗi lần muốn mở miệng ra để nói chuyện đều là một cực hình khiến nước dãi nhỏ thành dòng.

 

Gia cảnh của một hộ nghèo

 

Vợ mất sớm do hậu sản, một mình anh ở vậy nuôi con bữa no bữa đói. Căn nhà tình thương mấy năm trước người ta dựng cho anh giờ đã xuống cấp và rệu rã lắm. Mất gần hết sức khỏe nên anh chẳng làm ăn gì được cho ra hồn để đến giờ vẫn phải mắc nợ.

Thứ đáng giá nhất trong nhà là 3 con bò gầy có tổng giá trị khoảng hơn 20 triệu. Chính những con bò này đã “gạt” anh ra khỏi danh sách hộ nghèo một thời gian bởi hễ có bò là được chấm điểm cao, bởi ở một mình lại còn có bò mà không phải nuôi ai (con của anh hiện đang đi làm thuê xa xứ và cũng rất nghèo - PV). Loại ra được một thời gian thì dường như thấy bất nhẫn quá nên vừa rồi xóm lại đưa anh vào danh sách 3 hộ nghèo của Đá Bạc.  

Chúng tôi không muốn nợ nhưng…

Ông Lưu Hữu Toán - Chủ tịch xã UBND Liên Sơn khẳng định xã mình không nằm trong danh sách phấn đấu NTM ngay từ đầu của huyện mà chỉ nhập cuộc sau khi có một cuộc vận động thi đua. Năm 2015, Liên Sơn về đích xã NTM nhưng vẫn còn mắc nợ hai tiêu chí là trường mầm non và trạm y tế thiếu nhiều trang thiết bị quan trọng. Tóm lại chúng chỉ có cái vỏ bên ngoài hoành tráng mà bên trong thì trống rỗng.

Bởi vậy khi trên định công nhận NTM cho xã, ông Toán cũng có thắc mắc nhưng đoàn thẩm định cứ gạt đi: Đầu tư là phải phân kỳ, đã bố trí vốn rồi nên cứ từ từ sẽ giải ngân. Để cho đoàn về dự lễ công nhận NTM ở Liên Sơn không nhìn thấy sự xuống cấp trầm trọng của tuyến huyện lộ đang là nỗi thống khổ của người dân nhiều xã, một đoạn mấy trăm mét từ UBND xã về đến nhà văn hóa - địa điểm tổ chức sự kiện được gấp rút sửa.

Những “ổ trâu”, “ổ voi” được cánh công nhân lấp qua quýt bằng đá mạt rồi cầm ô doa vẩy vẩy nhựa đường lên trên hệt như người ta tưới rau. Sau lễ đón NTM, chẳng mấy chốc con đường lại trở về nguyên trạng, lộ ra những mảnh vá víu, lớp nhựa đường bên dưới mỏng tang như vỏ bánh đa. 

 

  

Con đường đau khổ

 

Ông Toán gửi gắm một nguyện vọng tha thiết với tôi rằng: “Từ kinh nghiệm của xã, tôi kiến nghị nơi nào có đủ điều kiện về vốn, về lực mới cho tiến hành xây dựng NTM và khi công nhận thì không nên cho nợ bất kỳ tiêu chí nào nữa”.

Rời trụ sở UBND xã, tôi sang trạm xá nơi đang thiếu đủ thứ từ giường, tủ, bàn ghế đến cả dụng cụ y tế. Trạm có đúng 3 cái giường nên nhiều lúc bệnh nhân phải nằm chung. Nửa giường bên này người nằm chờ đẻ kêu la oai oái, nửa giường bên kia người lên cơn sốt quằn quại vật vã. Dụng cụ đỡ đẻ, khám phụ khoa thiếu trầm trọng nên đội ngũ kỹ thuật ở đây phải khử trùng liên tục để xoay vòng.

Đặc biệt nhất là trạm không hề có bình thở ôxy. Than thở về chuyện này, chị Phạm Thị Thu Hường - Trạm phó bảo đã nhiều lần xin bình ôxy nhưng vừa rồi trên chỉ cấp cho thêm mấy bình… chữa cháy trong khi trước đó đã có 9 chiếc, chẳng biết để đâu cho hết. Bởi vậy mà cả trạm đều lo ngay ngáy trong trường hợp cần cấp cứu khẩn, chẳng biết người bệnh có đủ sức khỏe để chịu đựng quãng đường xấu dài cả nửa tiếng xe chạy để ra được tới bệnh viện huyện hay không?

 

Sát ngoại thành Hà Nội nhưng trục huyện lộ từ thị trấn Lương Sơn qua các xã Tân Vinh, Cư Yên, Liên Sơn, Tiến Sơn tựa như đường Trường Sơn năm nào với vô số hố bom là các “ổ trâu”, “ổ voi”. Trời mưa chúng biến thành ao, thành hồ còn trời nắng thì bụi thốc tháo thẳng vào mặt vào mũi, bụi phủ kín những bóng người. Đường xóc nhảy chồm chồm đến nỗi lắm kẻ mắc bệnh sỏi thận lỡ đi qua về nhà chỉ có nước đái ra máu. Đã nhiều lần họp hành dân thắc mắc nhưng cấp trên chỉ bảo: “Không chỉ đường huyện mình mà quốc lộ hay đường Hồ Chí Minh cũng đều nhanh hỏng như thế cả”.

DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh