Những vẻ đẹp xưa... đang trôi vào cổ tích!
- Y học 360
- 15:26 - 14/02/2018
Người làng xóm đứng trên bờ đông nghìn nghịt chỉ trỏ, ra hiệu úp chỗ này, đập nước xua cá chỗ kia. Vó kéo lên tông tỗng nước chảy theo chúm vó. Cá mè, cá chép nhảy loăng quăng rơi xuống vó lại nẩy lên. Đôi khi mới kéo nửa chừng, có con thấy động nhảy vọt ra ngoài. Trời lạnh, nước ao cũng lạnh, trai tráng cũng xuýt xoa, răng đánh vào nhau lập cập, nhưng vẫn úp nơm chọp... chọp. Trên bờ, đôi khi bọn trẻ con lại ré lên, giãn ra chụm lại khi có người úp nơm dưới ao quẳng lên con cá chày hoặc cá chuối giãy đành đạch.
Trong lúc mẹ tôi và chị dâu lúi húi nhóm bếp làm cơm cúng, thì cha tôi cùng mấy đứa cháu nhỏ hơn dựng cây nêu ở cổng. Một cây tre bằng bắp tay người lớn, thẳng tắp, róc hết mấu cành to, chỉ để mấy cành nhỏ phía ngọn phất phơ lá xanh non. Dải vải điều màu đỏ bay lay phay và những cái khánh bằng đất nung buộc ở ngọn nêu va vào nhau kêu cuông cuông vui đáo để. Cha tôi bảo: “Ông Táo coi việc bếp núc, nhà đất, chợ búa phải lên chầu trời, vắng nhà. Ma quỷ nhòm ngó, thấy cây nêu là không dám lẻn vào nhà mình quấy nhiễu”. Tôi nghe cha nói chỉ thấy xa xôi, mơ hồ. Cúng ông Táo xong, chờ hương tàn mới đốt mã. Mã là tập tờ tiền, ba bộ quần áo quan xanh đỏ tím vàng (có hai cái mũ cánh chuồn). Cha tôi sai đứa cháu đích tôn mang con cá chép phóng sinh. Cá chép đánh ở ao lên cúng xong lại thả xuống ao, có lần đem thả sông với mong muốn cá chép vượt vũ môn hóa rồng chở ông Táo đi đến nơi về đến chốn. Làm ăn lam lũ quanh năm, đứt bữa, nhưng ăn Tết vẫn phải có đủ “Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh. Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ”.
Minh họa: HT
Bây giờ về quê lạ lắm! Nhà ngói vảy cá rêu bám, khói lam chiều lãng đãng trên mái gianh bếp cũng biến mất. Làng toàn nhà mái bằng bê tông cốt sắt được cái chắc chắn nhưng vô hồn, mùa đông lạnh lẽo, mùa hạ nóng như nung. Đêm mưa, nước chảy ồ ồ rồi ngưng bặt, chẳng còn thanh âm tí tách của giọt nước dùng dằng rời mái tranh. Tiếng ếch kêu ộp ộp, tiếng dế rên rỉ lẫn tiếng chão chàng, tiếng nhóe tiếc cơn mưa đầu qua nhanh; và đèn ló lập lòe lúc nửa đêm về sáng của người đi bắt cá rô lóc ngoài cánh đồng cũng chỉ còn trong ký ức. Ao chuôm lấp sạch rồi. Dĩ nhiên, tiếng gầu sòng tát ao bì bọp từ đêm trước vẳng trong khuya khoắt và cảnh nhộn nhịp cha kéo lưới, con úp nơm cá trong Tết ông Táo cũng chỉ còn trong bài viết này của tôi. Người lớn, người trẻ bây giờ không còn phải dầm mình trong rét mướt đánh cá ao nữa, nhưng niềm vui con trẻ với công việc trồng cấy, chăn nuôi rồi thu hoạch vô tình bị tước đoạt mất rồi. Cũng chẳng thấy nhà nào trồng cây nêu ở cổng. Cổng đã có đèn màu nhấp nháy. Ma quỷ đi lang thang ở ngoài đường nhìn thấy ánh đèn công nghiệp có hãi sợ, có dám lẻn vào nhà quấy nhiễu không?
Tết đậm hơn là từ sáng ngày ba mươi. “Đói giỗ cha, no ba ngày Tết”, dù nhà nghèo thì “Ngày ba mươi Tết có thịt treo trong nhà”. Vui và nhộn nhịp nhất vẫn là... chợ huyện. Người người khắp các làng quê nửa huyện Yên Mô (Ninh Bình) phía nam đổ về chợ Bút sắm Tết. Đến chợ đã thấy người đông nghịt và ồn ào một thứ âm thanh rất khó diễn tả. Nó là hợp âm tiếng người lẫn tiếng pháo nổ đì đẹt, tiếng gà gáy, vịt quác, ngan ngỗng kêu, tiếng lợn éc... Ngay đầu chợ, là ông lão nặn tò he bằng bột thấm phẩm đỏ xanh vàng. Một thế giới nhân vật sinh động hiện ra trước mắt tôi: Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới, Quan Công, Trương Phi, Lã Vọng..., những con vật như trâu, bò, gà, vịt...; con đứng con nằm trên cái mẹt. Bọn trẻ con trố mắt ngỡ ngàng trước bàn tay tài hoa của người thợ thủ công cấu véo những mẩu bột màu sắc khác nhau mà nặn thành người, thành vật rất có hồn vía. Dĩ nhiên, đứa trẻ nào cũng nì nèo mẹ mua cho một vài con tò he bỏ vào túi. Nâng niu. Cất giữ.
Người ta dựng những cuộn chiếu hoa, chiếu đậu Nga Sơn, Kim Sơn bán còn thơm mùi cói. Một góc chợ có mấy hàng bán tranh con lợn ăn cây dáy, chú bé ngộ nghĩnh ôm con gà trống, đám cưới chuột, đánh ghen... in bằng phẩm đỏ xanh vàng rất vui mắt, sau này tôi mới biết là dòng tranh Đông Hồ. Cũng nhiều người hỏi mua tíu tít. Nghe nói xa xưa, còn có mấy ông thầy đồ trải chiếu bán chữ Nho: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh, Nhẫn, Tâm... hoặc câu đối. Chợ tết đủ những thứ người dân cần dùng và đón năm mới, nhưng ám ảnh tôi nhất, mà các phiên chợ ngày thường không có, vẫn là những hàng bán lá dong, và ống dang để chẻ lạt gói bánh chưng. Chợ họp ở bên sông Bút. Hàng lâm sản mạn Yên Đồng, Yên Thành chở xuống, đồ biển mạn Phát Diệm, Kim Sơn đổ lên, rồi nông sản, thủy sản quang vùng đổ đến. Trù phú. Sầm uất.
Đi chợ Tết cũng phải tính ngày tính buổi để về kịp làm cơm cúng tất niên. Tôi vẫn nhớ, bữa cơm trưa ngày cuối năm nào cũng đầm ấm trong cái rét se se xuýt xoa và câu chuyện tết năm ấy, tết năm nọ, tết năm cải cách ruộng đất... lại được cha tôi kể lại. Ôn cố tri tân. Những cái tết đói nghèo không có bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành nhưng lại đẫm nước mắt một thời, bao giờ cũng được kể lại bên mâm cỗ đầy giò nem ninh mọc. Ký ức không dễ ngủ quên. Con cháu nghe lúc lặng đi, lúc ồi à, vẫn không thấy bi lụy, sầu muộn, mà thấy vui; bởi cuộc đời đã đổi rồi, sướng hơn gấp nhiều lần rồi, chỉ có chút man mác bâng khuâng và chút buồn thoáng qua nhanh.
Bây giờ, tôi không tìm đâu ra cái mùi hoai hoải của chiếu cói đậu chiếu cói hoa Kim Sơn ở chợ huyện nữa. Chẳng còn ai nghĩ: Cả năm nằm chiếu manh, thì năm hết tết đến đi chợ mua đôi chiếu đậu trải giường làm mới căn nhà. Những đồng cói ngút ngàn xanh tốt bời bời ở miền biển chỉ còn ở trong phim “Người về đồng cói” năm xưa. Kinh tế khá lên và cũng để tiện lợi, người ta nằm nệm phủ ga, nằm chiếu ni lông nhẹ mà dễ giặt. Nhưng, cái thứ chiếu nilong ngày hè nóng lắm, không có điều hòa nhiệt độ thì nóng rát lưng. Kệ. Chiếu cói dầy, đẹp, êm mà dầy, nặng chịch vẫn cứ lùi vào dĩ vãng và có nguy cơ biến mất. Đố ai tìm thấy một mẹt tò he? Chợ huyện vẫn họp, nhưng hàng hóa tràn ngập dấu ấn thời công nghiệp hiện đại. Chẳng còn ai bán tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống nữa. Trẻ con không biết tranh con lợn ăn cây dáy, tranh chú bé ngồi lưng trâu thổi sáo, tranh hứng dừa, tranh đánh ghen..., nhưng tranh Thái Lan in phong cảnh và các cô gái eo thắt, vai trần ngực đầy, mông cong, hoặc tranh các tài tử xi nê, các ca sĩ thần tượng thì treo đầy nhà. Tôi vẫn nhớ chiều ba mươi Tết năm nào cũng giã giò và gói bánh chưng. Thịt nạc lọc từ con lợn mới làm thịt ra bỏ vào cối đá. Hai tay hai cái chày gỗ nghiến thay nhau giã. Thịt nhuyễn dần và vẫn giữ màu hồng, nêm vừa phải nước mắm nguyên chất ngon... Gói bằng lá dong mềm dai và luộc. Gói bánh chưng thì gạo nếp ngâm từ hôm trước. Thịt ba chỉ. Đậu xanh. Hành. Lá dong. Lạt gói bánh được tước ra từ các lóng dang, vừa mềm vừa dẻo. Nồi ba mươi đặt lên ba ông đồ rau. Củi gốc tre khô nỏ. Luộc bánh chưng khoảng 10 tiếng đồng hồ. Đêm ba mươi, ngồi ăn chắt, kể đủ thứ chuyện trên đời. Rì rầm. To nhỏ. Lửa đượm. Củi nỏ nổ tí tách. Thỉnh thoảng nước sôi trào ra. Thỉnh thoảng, một vài anh chị nào đó đi thoát ly về nhà ăn Tết lại ào vào chơi. Chuyện trò ríu rít. Ấm nồng. Và mùi lá dong, mùi nếp đang chín rền lan tỏa trong bếp, bay ra ngoài sân. Bánh chưng vớt ra, để ráo, ép khô để kịp cúng giao thừa. Cúng ở ban thờ trong nhà. Cúng ngoài trời và cúng ở miếu đầu thôn.
Ngoài sân cũng bắt đầu bụi mưa lất phất. Sân loang loáng ướt. Lác đác tiếng pháo nổ, rồi tiếng nổ dầy hơn, có nhà bắn pháo hoa phụt lên trời sáng cả một vùng. Giao thừa điểm. Lòng vừa vui vừa bâng khuâng. Anh rể tôi xách cút rượu đến xông nhà. Bố mẹ, cha con, ông bà, cháu chắt xum vầy quanh mâm cỗ giao thừa. Cha tôi lấy tiền mừng tuổi cho anh rể trước, rồi mừng cho từng người. Mặt mũi ai cũng rạng ngời. Bài hát chúc mừng năm mới náo nức khiến lòng người cũng thêm rạo rực. Bên ngoài, bụi mưa xuân bay dầy hơn. Tôi có cảm giác như nghe được cả tiếng động cựa của mầm non đang tách vỏ chồi lên.
Vẫn có người “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” với ý thức cầu may, cầu mặn cầu nồng. Chơi xuân trong dân gian diễn ra trong êm đềm và vui rộn rã: “Mồng một chơi cửa, chơi nhà. Mồng hai chơi xóm, mồng ba chơi đình”. Đến ngày mùng 6 tháng giêng thì làm lễ hạ cây nêu, quê tôi còn gọi là lễ Khai hạ, kết thúc một mùa Nguyên đán tết để bắt đầu vào mùa giêng hai mới.
Bây giờ, về quê chẳng thấy nhà ai giã giò. Thịt lợn lóc ra, người ta ném hàng cân vào máy xay công nghiệp. Miếng giò vẫn là miếng giò, nhưng không dai, giòn, thơm ngon. Bởi lợn thì nuôi cám công nghiệp bễu nước, thịt không săn chắc, giò không giã mà xay nên mủn ra, nhão ra. Cũng ít nhà gói và nấu bánh chưng. Bọn trẻ kêu ngồi gói bánh đau lưng, và cách nhách. Đem tiền ra chợ, chỉ nửa tiếng đồng hồ là khuân về hai chục cái. Chỉ đến khi ăn mới biết nhân bánh có những gì. Điều đáng tiếc và buồn là cảm xúc khi ngồi gói bánh, nấu bánh chưng và những câu chuyện nồng ấm bên củi lửa không còn. Cũng chẳng còn ai theo lệ cũ ra giếng làng, ra sông gánh nước ngay sau lúc giao thừa hoặc sáng mồng một đổ đầy chum vại với mong muốn năm mới của cải tràn đầy như nước nữa. Mấy cái giếng làng hình mặt trăng lấp hết rồi, và sông thì ô nhiễm nặng, tưới rau còn hãi, huống hồ là nấu nước pha trà.
Nhà nào, đêm trừ tịch không nấu bánh chưng. Hiu hắt và lạnh. Muốn ăn cái gì lại bật bếp từ. Đêm cuối năm không có lửa. Những vẻ đẹp xưa đang rời xa chúng ta.