CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 05:58

Những tục kiêng kị ngày đầu Xuân năm mới của người xưa

Với niềm tin đó, rất nhiều tục lệ kiêng kị nhiêu khê được người xưa đề ra, qua đó thể hiện tâm lý cầu lành tránh dữ, mong một năm mới trọn vẹn niềm vui. 

Nguồn gốc tục kiêng kị

Khi bắt đầu làm một việc gì đó, tâm lý chung con người đều mong muốn việc đó sẽ suôn sẻ. Giống như câu “đầu xuôi, đuôi lọt”, khi bắt đầu có suôn sẻ thì sau này mới mong thuận lợi. Đó mới chỉ là xét trên một việc đơn lẻ. Tâm lý ấy khi được áp vào những ngày đầu xuân, những ngày đầu tiên của cả một năm dài sắp tới, sẽ hiểu rằng tại sao người xưa đề ra nhiều điều kiêng kị đến vậy. Ví dụ, đầu xuân gặp điều tốt thì cả năm sẽ gặp điều tốt. Ngược lại, nếu chẳng may năm mới mà đã gặp phải những việc xui xẻo thì sẽ xúi quẩy cả năm.

Và như thế, trong cả một cộng động người có chung một xuất phát điểm tâm lý, dễ hiểu khi những tục lệ kiêng kị nhanh chóng ăn sâu, bám rễ, có sức sống lâu bền. Nhiều tục lệ kiêng kị không thể chỉ rõ được bắt nguồn từ đâu, giống như xuất phát từ kinh nghiệm dân gian, nhiều người bắt gặp, trải nghiệm rồi đúc kết thành quy luật. Có những kiêng kị tương đối hợp lý, ví dụ như ngày đầu năm tránh việc cãi vã, những người có đại tang tránh đến chơi nhà khác... 

Nhưng cũng có những kiêng kị có phần võ đoán, gượng ép, ví dụ: Phụ nữ không được ra ngoài chúc Tết, không được về nhà mẹ đẻ (sợ phụ nữ nặng vía, không tốt); trẻ con không được khóc (sợ đầu năm có tiếng khóc lóc); nằm ngủ rạng sáng mồng 1 Tết không được nằm trên giường hắt hơi (sợ cả năm đau ốm); hài hước nhất là một số vùng miền tránh gặp sư và ni cô (sợ xúi quẩy)... 

Xét trên quan điểm ngày nay, có thể thấy rõ ràng những tục kiêng kị kiểu này không hợp lý. Như việc kiêng để trẻ khóc, trẻ em đầu óc còn trong sáng, vui, buồn, mừng, giận bất thường, sao có thể cấm đoán điều gì. 

Hoặc như việc kiêng gặp sư và ni cô, phong tục dân gian đầu năm xuất hành tốt nhất là nên đi lễ đình, chùa, ở những địa điểm đó mà tránh gặp nhà sư thì e rằng hơi khó. Xét vài điểm như trên để thấy rằng, tục kiêng kị ngày xuân chỉ là những quan niệm dân gian cổ truyền, việc đúng - sai, có cần thiết hay không là tùy ở quan điểm của mỗi người. 

Kiêng mai táng trong ngày Tết

Ngày Tết Nguyên đán là ngày mở đầu của cả một năm, có ý nghĩa rất thiêng liêng. Người xưa cho rằng cần phải tạm gác mối sầu riêng để hòa chung với niềm vui của đất trời. Vì vậy, có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày Tết. Nhà có đại tang gọi là “có bụi” (có cha mẹ chồng hoặc cha mẹ vợ mất trong năm trước) kiêng không đi chúc Tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng. 

Trường hợp gia đình có người mất vào ngày 30 tháng Chạp mà gia đình có thể định liệu được thì nên chôn cất cho kịp trong ngày đó, đa số các gia đình kiêng để sang ngày mồng Một đầu năm. Trường hợp mất đúng ngày mồng Một Tết thì chưa phát tang vội nhưng phải chuẩn bị mọi thứ để sáng mồng Hai làm lễ phát tang. Tục lệ này thực chất bắt nguồn từ phong tục cư tang của cổ nhân. Ngày xưa, những người có đại tang phải để tang 3 năm (chính xác là 27 tháng gồm 2 năm và 3 tháng dư ai), ở nhà thì rũ khăn, xổ áo, hạn chế ra ngoài và không tham dự những cuộc vui.

Cư tang chặt chẽ như thế nên đương nhiên dù có là ngày Tết, vẫn phải tỏ lòng thương nhớ về người quá cố. Tục kiêng kị này cũng rất nhân văn, người có đại tang không được đi đâu nhưng bà con xóm giềng vẫn có thể đến chúc Tết, qua đó an ủi gia đình gặp điều bất hạnh.

Kiêng quét nhà trong 3 ngày Tết

Tục này xuất phát từ một điển tích xưa, chuyện kể về người lái buôn tên Âu Minh, vì cứu sống thủy thần mà được ban tặng một người hầu tên là Như Nguyệt. Từ khi có người hầu này, Âu Minh làm ăn ngày càng khấm khá, trở thành người giàu có. Một hôm, vào ngày mồng Một Tết, có việc không vừa ý nên Âu Minh đánh người hầu. Như Nguyệt sợ hãi chui vào đống rác rồi biến mất. Kể từ đó, Âu Minh gặp nhiều xui xẻo, thất bát, nhà lại nghèo đi.

Kiêng quét nhà trong 3 ngày Tết (ảnh: Minh họa)

Xuất phát từ điển tích đậm chất thần thoại này, cổ nhân kiêng quét nhà, đổ rác trong mấy ngày Tết. Bởi Thần tài ngụ trong đống rác, nếu quét đi thì tiền bạc sẽ không đến được với gia chủ và hiển nhiên mang lại những điềm không may mắn. Vì thế, những ngày trước Tết Nguyên đán, dù bận rộn đến đâu cũng phải dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, bàn thờ sạch sẽ. 

Ở một số vùng miền còn có lệ sau khi quét dọn phải cất hết chổi, bởi quan niệm nếu trong những ngày Tết bị mất chổi thì năm đó gia chủ sẽ bị trộm vào vét sạch của cải. Ngày nay, tục lệ này vẫn được duy trì nhưng đã bớt nghiêm khắc hơn. Bởi ngày Tết thường đông khách khứa đến chơi, ăn uống, nếu nhà bừa bãi, có nhiều rác quá thì gia chủ vẫn có thể quét vào một góc nhà, miễn không quét ra khỏi nhà, hoặc xúc rác đổ ra ngoài đường là được. 

Kiêng mặc quần áo màu trắng hoặc đen

Theo quan niệm của người xưa, màu trắng và đen là màu của tang lễ, chết chóc. Những ngày đầu năm cần tránh mặc những trang phục chỉ có hai màu đó. Xét ngày nay, tục kiêng kị này cũng không còn tồn tại. Bởi ngay cả ngày cưới là ngày vui nhất đời của mỗi con người, cô dâu, chú rể cũng vẫn có thể mặc trang phục trắng, đen. 

Vì thế, những ngày Tết, trang phục màu gì không quan trọng, miễn sạch đẹp và người mặc cảm thấy thoải mái là được. Tất nhiên, những trang phục với màu sắc rực rỡ, sẽ tạo nên sự phấn khởi và vui vẻ để đón chào năm mới.

Kiêng khóc lóc, buồn tủi 

Người xưa cho rằng những ngày Tết, dù gia đình có chuyện không vui thì người trong nhà cũng không nên khóc lóc, buồn tủi. Điều này hoàn toàn hợp lý bởi trong những ngày đầu tiên của năm mới, những giọt nước mắt, những nỗi buồn đều khiến cho mùa xuân kém đi phần ý nghĩa. Tuy nhiên, tục này cũng chỉ mang ý nghĩa tương đối. 

Trường hợp bất đắc dĩ rơi vào hoàn cảnh không vui như nhà có người đau ốm hoặc có tang, rất khó để gia chủ có thể nói cười vui vẻ. Có chăng là cố gắng kiềm chế để không tạo nên một không khí quá u buồn vào ngày đầu xuân năm mới mà thôi.

Kiêng vay mượn tiền bạc

Đây là vấn đề khá tế nhị. Người xưa quan niệm dù cần thiết đến mấy cũng không nên vay mượn tiền bạc vào những ngày đầu xuân năm mới. Việc này báo hiệu điềm xấu, sự túng thiếu sẽ đến với người đi vay mượn trong cả năm tới. Thực chất, không chỉ ngày Tết, người xưa kiêng vay hoặc cho vay vào những ngày đầu tháng trong năm. Có câu “mồng Một sớm mai, mồng Hai đầu tháng” chính là để chỉ tục này.

Ngày Tết, mọi người có thể mừng tuổi, chúc phúc cho nhau bằng hồng bao, ở bên trong thường có một khoản tiền nhỏ, tượng trưng cho sự đầy đủ trong năm mới. Không chỉ thế, những người có mối quan hệ vay và cho vay cũng không nên nhắc đến chuyện nợ nần vào những ngày đầu xuân. Thậm chí, người xưa còn khuyên rằng những người có nợ nần nên giải quyết cho hết trong năm cũ, để năm mới không còn vướng bận, thanh thản tâm trí cho những ngày xuân.

Kiêng cho nước, lửa

Đây là tục kiêng rất quan trọng đối với người xưa. Thật không may cho nhà ai những ngày đầu năm mà đã có người đến xin lửa, xin nước. Cổ nhân rất kị việc này bởi quan niệm lửa có màu đỏ, là màu may mắn đầu năm mới, cho người khác cái đỏ sẽ khiến cho gia chủ không giữ được tiền bạc, may mắn trong cả năm. Tương tự như thế, nước vốn được ví như nguồn tài lộc, nếu bị xin thì sẽ mất lộc, mất tiền tài trong cả năm. 

Thường thì trước khi bước sang năm mới, người xưa thường lo đổ đầy nước vào bể, vào chum  hoặc vại bởi tin rằng năm mới đến mà nước đủ đầy thì sẽ đem theo của cải nhiều như nước. Tục xưa, sáng mồng Một Tết nhiều gia đình có điều kiện còn thuê người gánh nước đến. Những người gánh nước cũng được mừng tuổi, cả chủ nhà lẫn người gánh thuê cả năm sẽ đều may mắn. Ngày nay, tục này vẫn được giữ gìn cẩn trọng. 

Tuy nhiên, cũng không nên khắt khe quá để thành ra người không biết ứng xử. Ví dụ khi đi lễ chùa vào ngày mồng Một, nhiều người kiêng đến độ không cho người khác hóa vàng vào lửa nhà mình. Cần hiểu rằng khi ở chùa, ngọn lửa trong lò hóa vàng không còn là của riêng ai cả, nên vui vẻ mà chấp nhận, không nên cản trở để thành những chuyện bực mình ngày đầu xuân.

Một số kiêng kị khác

Ngoài những tục kiêng phổ biến, ở một số vùng miền, người xưa lại có những kiêng kị khác nhau. Người miền Bắc hay treo tranh Tết nên kiêng không treo những tranh vẽ cảnh “xui xẻo” như: đánh ghen, kiện tụng... Họ thường tìm tranh lợn, gà để mong sung túc; tranh bé trai, bé gái để mong phúc đức; tranh Thần tài, Thổ địa để cầu tài lộc... 

Ở một số vùng miền Nam còn có tục kiêng không để cối xay gạo trống vào những ngày đầu năm. Điều này tượng trưng cho việc thất bát, mất mùa năm tới. Chính vì vậy, người ta thường đổ một ít lúa vào cối xay, ngụ ý cầu mong năm mới lúa gạo đầy tràn.

Ngày Tết có lệ ai đến nhà, bất kể giờ giấc nào, gia chủ cũng dọn cỗ, mời uống rượu, ăn bánh. Khách không được từ chối, dù no cũng phải nhấm nháp chút ít. 

Đi đâu xa cũng phải về nhà trước giờ Giao thừa. Ai không về kịp xem như cả năm sau người ấy phải bôn ba vì công việc làm ăn.

Cứ vào ngày mồng 5 Tết, người xưa lại đốt pháo, quét dọn nhà cửa từ sáng sớm. Bởi theo quan niệm là để “trừ ngũ cùng” có nghĩa là sự nghèo đói. Nhà phải được quét thật sạch, rác phải được vứt thật xa, như thế cái nghèo mới được xua đi và sung túc sẽ rộng đường trở lại. 

Tựu trung lại, tục kiêng kị đã trở thành quan niệm dân gian, cổ truyền, phổ biến ở khắp mọi nơi trên đất Việt Nam. Dù hợp lý hay còn có những bất cập thì tục kiêng kị cũng làm phong phú, đa dạng thêm cho những ngày đầu năm mới. Với quan điểm hiện đại, ngày Tết đến xuân về, con người với niềm vui chào đón một mùa xuân mới, mong cầu tương lai tốt đẹp hơn. 

Những tục lệ nhắc tới ở trên chỉ mang tính tham khảo cho mùa xuân thêm phần thú vị. Nếu quá mê tín, đón năm mới mà cứ phải nhìn trước ngó sau, sợ phạm phải những điều kiêng kị thì bản thân đã tự đánh mất niềm vui của mùa xuân mất rồi. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh