CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:09

Những trái tim khát vọng” - Hội thi tiếng hát người khuyết tật lần thứ II khu vực phía Bắc

 

Đại diện các đoàn dự thi chụp ảnh lưu nệm cùng lãnh đạo Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam và Ban giám khảo cuộc thi.

 

16 đoàn tham dự đến từ các tỉnh, thành: Bắc Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Thái Bình, Sơn La, Hải Dương, Thanh Hóa.

Tại lễ khai mạc, ông Lương Phan Cừ, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi (TMC) Việt Nam cho biết, từ 16 năm nay, vào dịp kỷ niệm Ngày NKT Việt Nam 18/4, Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH phối hợp tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật từ thiện “Một trái tim - Một thế giới” nhằm biểu dương, tôn vinh các tấm gương NKT và TMC tiêu biểu; đồng thời tri ân những tấm lòng nhân ái đã đồng hành, gắn bó cùng hoạt động Hội. Năm nay đặc biệt hơn khi Chương trình được gắn với Hội thi tiếng hát NKT lần II khu vực phía Bắc, một hoạt động do Hội khởi xương và chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức lần thứ nhất năm 2014 và lần thứ 2 năm 2019 nhằm tạo sân chơi, chứng minh tài năng, động viên, khuyến khích NKT; góp phần bảo đảm quyền của NKT tham gia và hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật; nâng cao nhận thức cũng như sự quan tâm, tạo điều kiện của  xã hội đối với NKT.

 

Tiết mục "Bỏ bộ" do đoàn Phú Thọ biểu diễn.

 

Tiết mục "Gặp mẹ trong mơ" do em Vũ Huy Thiệp, 11 tuổi, đoàn Phú Thọ trình bày, đã khiến cả khán phòng lặng im, những giọt nước mắt lăn dài nơi Ban giám khảo và khán giả. Em Thiệp mồ côi, bố mới mất cách đây 3 tháng, khiếm thị hoàn toàn cả hai mắt, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.

 

 Những năm qua, Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam tích cực đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tổ chức các chương trình, sự kiện gắn với việc thực hiện quyền của NKT trên tinh thần huy động mọi nguồn lực trong xã hội. Một trong số đó là Hội thi tiếng hát NKT lần thứ II năm 2019. Hội thi không chỉ dừng ở ý nghĩa là một cuộc thi văn nghệ quần chúng, mà hơn thế đã trở thành một sân chơi bổ ích, lý thú khẳng định quyền được tham gia vào các hoạt động biểu diễn nghệ thuật của NKT, qua đó truyền đi thông điệp: NKT có thể vượt  qua rào cản khuyết tật làm được mọi việc, thậm chí làm rất tốt nếu được tạo điều kiện.

“Đến với Hội thi không chỉ để đua tài, mà các thí sinh NKT còn gửi gắm vào mỗi lời ca, tiếng hát cả tâm hồn, ước mơ và khát vọng của mình. Do vậy, dù các tiết mục dự thi có huy chương vàng hay bạc, nhưng với mỗi thí sinh tham gia đều là người chiến thắng. Bởi, các thí sinh đã biết vượt qua chính mình, những trở ngại do khuyết tật, định kiến xã hội để thể hiện năng lực, tài năng của bản thân, tự tin và tỏa sáng theo cách riêng của mỗi người”, ông Lương Phan Cừ nhấn mạnh.

 

Tiết mục “Tự hào đi lên Thủ đô kháng chiến”,  đoàn Tuyên Quang trình bày.

 

 Là thành viên và Trưởng Ban giám khảo cuộc thi, NSND Vi Hoa chia sẻ, đây là lần đầu chị tham gia ban giám khảo hội thi tiếng hát NKT nên trong chị rất nhiều cảm xúc, nhiều tiết mục khiến chị lặng người đi vì xúc động. “Chúng ta phải khơi lên sự đam mê với những NKT nhiều hơn nữa, bởi ngay chính bản thân nhiều người lành lặn cũng chưa thể có sự đam mê, khao khát ấy. Đối với những NKT tuy bị thiếu và yếu ở mặt nọ, nhưng họ lại mạnh ở mặt kia. Do vậy, trong cuộc sống họ luôn khao khát để bù đắp cho sự thiếu hụt ấy để đạt được đến đỉnh cao của sự mong ước”, NSND Vi Hoa nhấn mạnh.

Theo NSND Vi Hoa, hội thi thực sự rất có ý nghĩa và nhân văn. Đây là hoạt động mang lại kết quả rất thiết thực, góp phần xóa bỏ rào cản mặc cảm cho NKT về những khiếm khuyết của thân thể, tạo sân chơi cho NKT thể hiện tình cảm, cảm xúc, tài năng, khẳng định được mình, mạnh dạn tham gia các hoạt động cộng đồng. Đồng thời, qua hội thi, giúp NKT truyền gửi thông điệp về vẻ đẹp trong sự đa dạng, không phụ thuộc vào một “cơ thể hoàn thiện”, mà nằm ở nghị lực, trí tuệ, sự tự tin và những khả năng tiềm ẩn bên trong mỗi NKT.

 

Tiết mục "Dấu chấm hỏi", đoàn Thanh Hóa trình bày.


 Tiết mục “Tình lúa duyên trăng” được Vũ Hải Đăng (sinh năm 1993) đến từ đoàn Hải Dương trình bày với khả năng đặc biệt bằng hai giọng nam và nữ. Đăng mong rằng, tiết mục của em thể hiện ở hội thi dù được giải hay không, nhưng điều quan trọng, em đã mang đến niềm vui và thông điệp đầy ý nghĩa cho khán giả, đặc biệt là những người kém may mắn và chưa được may mắn như em.

 

Tiết mục “Tình lúa duyên trăng” do Vũ Hải Đăng đến từ đoàn Hải Dương trình bày.

Đoàn Hải Dương.


“Đến với hội thi lần này, em muốn gửi gắm thông điệp đến những NKT như em để họ có thêm nghị lực sống nhiều hơn nữa. Với những người kém may mắn như tụi em thì niềm vui và nuỗi buồn là do mình tự tạo ra và tự nghĩ đến nhiều hơn những điều mà khách quan mang lại. Chính vì vậy, bằng cách này hay cách khác, những NKT hãy tạo cho mình những niềm vui để cuộc sống luôn có nhiều năng lượng, bởi những khó khăn có thể mọi người sẽ nhìn thấy bằng mắt, nghe thấy bằng tai, hoặc có thể cảm nhận thấy, nhưng nếu có nghị lực phấn đấu vươn lên, mọi khó khăn sẽ bị đẩy lùi. Mong rằng, tất cả những người khiếm thị và khuyết tật của Việt Nam sẽ làm, học tập và noi gương cũng như phấn đấu theo lời Bác Hồ dạy “Tàn mà không phế” để cuộc sống bớt đi những khó khăn, nhọc nhằn…”. Đăng chia sẻ.

 

Năm 2018, Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam đã vận động được 591 tỷ đồng và đã trợ giúp cho hơn 4,1 triệu lượt NKT, trẻ mồ côi và đối tượng yếu thế khác. Ngoài ra, Hội còn tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về khả năng của NKT, TMC, thể hiện sự quan tâm đến đời sống tinh thần của đối tượng, góp phần đảm bảo thực hiện quyền của NKT, TMC như: Hội nghị biểu dương NKT, TMC và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc; Hội thi tiếng hát NKT toàn quốc; Chương trình giao lưu Hạnh phúc vợ chồng NKT; Chương trình Hội ngộ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh là NKT và nhiều sự kiện có ý nghĩa nhân văn khác.



HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh