Những sự thật bạn nên biết về ngành công nghiệp thời trang bình dân
- Văn hóa - Giải trí
- 13:33 - 02/08/2017
"Thời trang nhanh" chính là ngành nghề luôn bao bọc bởi sự hào nhoáng, đẹp đẽ, nhưng bên trong lại chứa đựng nhiều sự thật chắc chắn bạn sẽ bất ngờ khi nghe về những điều này.
Ngành thời trang nhanh khiến bạn cảm thấy lỗi mốt
Sự xuất hiện của nền công nghiệp Fast Fashion đã dần thay đổi và tái định nghĩa lại suy nghĩ của mọi người, khi mang đến 52 "mùa mốt" trong một năm. Mục tiêu của các thương hiệu bình dân chính là tạo cơ hội cho người tiêu dùng mua sắm càng nhiều càng tốt.
Elizabeth Cline chia sẻ trong cuốn sách Overdressed: "Thật sốc khi chứng kiến các thương hiệu bình dân cạnh tranh với nhau bằng mức giá rẻ trên từng thiết kế với mô hình chất lượng thấp nhưng sản xuất số lượng nhiều".
Ngành "thời trang nhanh" đã khiến những tín đồ phải chạy theo vòng quay xu hướng một cách mù quáng.
Cline cũng chỉ ra rằng Zara, H&M và Forever21 là những thương hiệu bình dân dẫn đầu trong phong trào mang đến khách hàng sản phẩm mới liên tục mỗi tuần. Họ luôn sản xuất nhiều mẫu thiết kế mang tính thị hiếu phù hợp với túi tiền của mỗi người.
Chính sự phát triển quá nhanh đã khiến giới mộ điệu phải chạy theo những trào lưu mới nhất ,nhằm khẳng định bản thân không phải là một tín đồ thời trang lỗi mốt.
Giảm giá nhưng không thật sự giảm giá
Một số cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng thời trang như TJ Maxx hay Marshall thường xuyên đưa ra nhiều chương trình đại hạ giá lên đến 75-90%. Mọi người đều không nhận ra rằng các sản phẩm giá rẻ thường được sản xuất bằng nguyên liệu kém chất lượng từ những nhà máy có công nhân tay nghề thấp.
Chẳng hạn trang phục của Michael Kors, Tommy Hilfiger được gắn mác hàng xuất khẩu với giá thành tương đối thấp chưa đến 1/3 sản phẩm trên website thì điều đó có đáng để người tiêu dùng tin tưởng.
Tựu trung lại những thiết kế được sản xuất hàng loạt thì chất lượng và độ bền sẽ nằm ở mức độ nào?
Các tín đồ thời trang đừng nên đặt quá nhiều lòng tin vào các sản phẩm sở hữu mức giá thấp so với thị trường.
Xuất hiện nhiều hoá chất độc hại trên quần áo
Theo trung tâm sức khoẻ môi trường, loạt thương hiệu giá rẻ như Charlotte Russe, Wet Seal, Forever21 đều có hàm lượng chì khá cao trong các sản phẩm như túi xách, thắt lưng, giày...
Một bài báo trên tạp chí New York Times cho biết Trung tâm y tế môi trường đang tập trung vào việc giảm hàm lượng chì trong các trang phục dành cho phụ nữ, vì chúng có liên quan rất lớn đến tỷ lệ vô sinh cùng các căn bệnh về tim mạch. Nhiều nhà khoa học nhận định không có mức độ tiếp xúc "an toàn" đối với kim loại chì.
Thuốc trừ sâu và các chất gây ung thư cũng được tìm thấy trên nhiều mẫu quần áo giá rẻ. Đây chính là bí mật mà những "ông trùm" trong ngành công nghiệp thời trang nhanh đều muốn che giấu.
Những sản phẩm giá rẻ như thế này thật sự có tốt như chúng ta vẫn tưởng tượng?
Thời trang giá rẻ đang dần huỷ hoại môi trường
Những hãng thời trang bình dân như H&M, Zara, Forever21 thu được nhiều lợi nhuận nhờ sản xuất đại trà số lượng lớn quần áo, phụ kiện. Chỉ sau một thời gian ngắn, họ tiếp tục thay đổi mẫu mã và lôi cuốn người tiêu dùng vào cơn lốc mua sắm.
Cùng sự phát triển của "thời trang nhanh" thì trong một năm, con người đã thải ra môi trường rất nhiều loại quần áo hết hạn sử dụng. Những trang phục làm từ chất liệu nilon, tơ nhân tạo, polyester hay các loại vải tổng hợp sẽ rất lâu mới có thể phân hủy và điều này đã góp phần huỷ hoại môi trường sống.
Số lượng quần áo sản xuất quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của con người.
Những thiết kế thời trang bình dân thấm đẫm mồ hôi của trẻ em
Theo một thống kê, có tới 20-60% quần áo chúng ta đang mặc hàng ngày được làm từ bàn tay của những người lao động không chính thức. Nhiều nhãn hàng sử dụng nhân công giá rẻ để giảm thiểu chi phí trang phục nhằm thu lợi nhuận "khủng".
Những nhân công này thường làm ra một trang phục rất nhanh, đôi khi có thể hoàn thành trong vòng chưa đến vài giờ đồng hồ. Thậm chí, các trang phục đính kết hạt lấp lánh của nhiều nhãn hàng bình dân đã sử dụng lao động trẻ em để tham gia vào quá trình sản xuất.
Ngoài ra, một sự thật trần trụi, đó là nơi đâu có sự nghèo đói, nơi đó sẽ xuất hiện lao động trẻ em. Chúng sẵn lòng bán sức khoẻ với mức giá rẻ mạt, chấp nhận bị đối xử tồi tệ trong môi trường nguy hiểm và đầy bất công.
Trẻ em là những người chịu thiệt thòi nhất trong nền công nghiệp thời trang bình dân hiện nay.