THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:24

Những sai lầm khiến Trung Quốc thua ở vụ kiện Biển Đông

 

Trao đổi với PV bên lề hội thảo phân tích về ý nghĩa pháp lý phán quyết vụ kiện Biển Đông ở TP HCM cuối tuần qua, Giáo sư Yamagata Hideo (Trường Cao học Phát triển Quốc tế, ĐH Nagoya, Nhật Bản) đùa rằng “nguyên nhân thất bại lớn nhất của Trung Quốc chính là đã thông qua và tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)”.

Ngay sau đó, ông giải thích: “Lẽ ra nước này cần cố gắng tìm cách giải thích những yêu sách chủ quyền, quyền lịch sử dựa trên những điều khoản của UNCLOS, và tỏ ra là một bên có trách nhiệm tham gia vào tiến trình vụ kiện”.

Sai lầm 1: Không làm rõ lập luận

Trong bài phát biểu, Giáo sư Hideo nói sai lầm đầu tiên dẫn đến thất bại của Trung Quốc chính là không làm rõ các lập luận cũng như thẩm quyền pháp lý của nước này.

“Yêu sách của Trung Quốc chỉ đặt các học giả nước này vào một mớ hỗn loạn các quan điểm khác biệt, khiến họ trở nên vất vả và bất lực khi phải cố đưa ra lập luận thuyết phục cho ‘đường chín đoạn’.

Thực tế cho thấy quan điểm của các học giả đôi khi mâu thuẫn với nhau, lộ ra điểm yếu so với các bên khác trong tranh chấp”, ông Hideo nhận định.

Chuyên gia Nhật Bản phân tích, Trung Quốc biện minh cơ sở cho đường lưỡi bò dường như từ nhiều nguồn luật quốc tế khác nhau. Những học giả nước này cho rằng, đường 9 đoạn có cơ sở trong luật quốc tế, bao gồm luật tập quán trong việc phát hiện, chiếm hữu, và có quyền sở hữu lịch sử cũng như căn cứ trên chính UNCLOS.

“Các học giả này cố tìm mọi cơ sở pháp lý để chứng tỏ đường chín đoạn là cơ sở để đòi quyền lãnh thổ. Nỗ lực dù vậy không có chứng cứ thuyết phục”, ông Hideo chỉ rõ.

Theo vị giáo sư, chính các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng để lộ những mâu thuẫn, khi một số người nghiên cứu đường 9 đoạn theo góc độ chủ quyền lãnh thổ trên các đảo; trong khi một số khác lại xem đường này là cơ sở đòi vùng biển, bao gồm vùng đặc quyền kinh tế. Ông khẳng định, đường lưỡi bò vẫn là vấn đề nan giải pháp lý đối với Trung Quốc.

Các chuyên gia luật Việt Nam và quốc tế phân tích các vấn đề pháp lý liên quan đến vụ kiện Biển Đông ngày 23/7. Ảnh: Lê Quân


Sai lầm 2: Không đặt yêu sách trên cơ sở UNCLOS

Trong phán quyết về giá trị đường chín đoạn, Tòa Trọng tài nêu rõ việc Trung Quốc mở rộng yêu sách và đòi hỏi nhiều quyền pháp lý là vượt ra ngoài vùng biển mà UNCLOS đã quy định.

Giáo sư Hideo chỉ ra rằng Trung Quốc đã không thể dùng UNCLOS là căn cứ cho các yêu sách về quyền lợi trên biển nên Bắc Kinh buộc phải tìm thêm các cơ sở pháp lý khác ngoài UNCLOS. Đó là các quyền lịch sử, điều vốn có rất ít giá trị trong UNCLOS.

Thực tế, tòa trọng tài đã bác bỏ các quyền lịch sử này do thiếu chứng cứ và lập luận từ Trung Quốc. Trong phán quyết, Giáo sư Hideo cho biết tòa đã nêu rõ “mọi quyền lịch sử mà Trung Quốc có thể có trong phạm vi đường chín đoạn đã bị thay thế bởi công ước”. Tòa cũng khẳng định, không có quyền lịch sử nào có thể vượt qua UNCLOS.

Là một quốc gia thành viên, Trung Quốc có thể lập luận rằng quyền lịch sử vẫn tồn tại như đã từng có, thậm chí ngay cả khi nước này đã thông qua UNCLOS. Tuy nhiên, UNCLOS với tư cách là hiến pháp về Luật Biển để điều chỉnh cách ứng xử của các nước thành viên thì hoàn toàn không có chỗ cho việc đặt ra quyền lịch sử là lý do để vi phạm UNCLOS.

“Trung Quốc lẽ ra chỉ nên viện dẫn UNCLOS để thúc đẩy…Việc viện dẫn các quyền lịch sử là hoàn toàn vô ích đối với thủ tục trọng tài. Đây là sai lầm thứ 2 mà Trung Quốc mắc phải”, giáo sư Hideo nói.

Đoàn luật sư Philippines tại Tòa Trọng tài ở The Hague, Hà Lan. Trung Quốc không tham gia vụ kiện và nên mất cơ hội phản biện các lập luận của Philippines. Ảnh: PhilStar


Sai lầm 3: Không xuất hiện tham gia phiên tòa

Khi Trung Quốc khẳng định mạnh mẽ là không tham gia quá trình tố tụng, Giáo sư Hideo nói chiến thuật “không xuất hiện” của Bắc Kinh tiếp tục là sai lầm. “Họ mất cơ hội đưa ra các lập luận phản biện Philippines, không được thông tin đầy đủ về những tuyên bố của nguyên đơn, cũng như khiến các trọng tài viên không đánh giá được những lập luận phản pháo của Trung Quốc”.

Việc Trung Quốc không xuất hiện là một chiến thuật mạnh mẽ để thể hiện không tham gia và không tuân thủ mọi phán quyết chống lại nước này. Tuy nhiên “đây là thất bại về chiến thuật tư pháp”, Giáo sư Hideo nói.

Ông giải thích, sự vắng mặt cũng không thể thay đổi quy trình tố tụng hay ngăn cản việc phân xử diễn ra. Ngoài ra, do không tham gia nên Trung Quốc không thể đưa ra các lập luận pháp lý sắc bén để phản biện.

“Thậm chí, Trung Quốc có thể gửi yêu cầu phản tố chống lại Philippines lên Tòa Trọng tài, khi đó vị trí nguyên đơn và bị đơn sẽ có thể thay đổi. Trung Quốc có thể đề nghị tòa yêu cầu Philippines không làm phức tạp thêm tranh chấp; hoặc đề nghị rằng Biển Đông là vùng biển kín mà các bên liên quan phải cùng lập kế hoạch hợp tác giữa các quốc gia…”, ông Hideo nói.

Chính sự không xuất hiện nên Trung Quốc đã tự tước bỏ những quyền lợi của mình. Hơn nữa, Trung Quốc còn phải nhận tiếng xấu như khi tỏ ra là một nước bất chấp và không tuân thủ luật pháp quốc tế. Trong khi đó, các nước khác chứ không riêng Philippines có thể dựa vào phán quyết để tiến hành vụ kiện tương tự chống lại Trung Quốc.

Zing.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh