THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:20

Những sai lầm khi xông hơi và test nhanh COVID-19

Những sai lầm xung quanh test COVID-19

Lạm dụng test nhanh gây lãng phí: Có người quá lo lắng, sốt ruột, mua cùng lúc nhiều kit xét nghiệm nhanh về để ngày nào cũng tự test.

Các chuyên gia khẳng định việc này không cần thiết và gây lãng phí bởi, sau khi tiếp xúc với F0 phải có thời gian nhất định để virus nhân lên, xét nghiệm ngay không có giá trị, ít nhất phải 3-4 ngày sau hãy test.

Nếu vừa tiếp xúc với nguồn lây hoặc ở giai đoạn ủ bệnh, bạn có thể đã nhiễm bệnh song tải lượng virus thấp… nếu test cũng không chính xác vì khả năng âm tính cao bởi virus chưa nhân lên đủ số lượng để phát hiện bằng test nhanh. Nếu bạn không có triệu chứng thì có thể test vào ngày thứ 5 và ngày thứ 7 sau tiếp xúc F0.

Trong trường hợp gia đình có người mang thai, người mắc bệnh lý nền, nếu lo lắng quá thì trước hết cần tuân thủ biện pháp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế và đợi đến ngày thứ 4 mới nên test, nếu âm tính thì ngày thứ 7 test lại để hoàn toàn yên tâm.

Còn các trường hợp khác chỉ cần nên test khi có các biểu hiện nghi ngờ như: chảy nước mũi, ho, sốt, đau nhức mình mẩy…

Vạch đậm chứng tỏ bệnh nặng: Trên kết quả test, vạch mờ hay đậm không nói lên được bệnh nặng, nhẹ, nhiều hay ít virus như nhiều người suy diễn. Ngoài ra, khi có xét nghiệm test nhanh dương tính, bạn cũng không nhất thiết phải làm xét nghiệm RT-PCR khẳng định.

Kết quả test nhanh âm tính là khỏi bệnh: Nhiều bạn đọc thắc mắc vậy test nhanh âm tính là khỏi bệnh đúng không? Các chuyên gia cho rằng điều này không chính xác.

Test nhanh âm tính chỉ có nghĩa là nguy cơ lây thấp vì còn ít hoặc không còn virus ở đường hô hấp trên. Do đó vẫn phải tiếp tục theo dõi. Ví dụ ngày thứ 5 test nhanh âm tính thì không được chủ quan mà vẫn phải theo dõi SpO2 đủ 10 ngày.

Ảnh minh hoạ. Nguồn internet.

Ảnh minh hoạ. Nguồn internet.

Sai lầm trong cách xông hơi hỗ trợ điều trị Covid-19

Xông hơi có tác dụng ngăn ngừa, chữa khỏi bệnh Covid-19: Mục đích của phương pháp xông là cách vệ sinh mũi họng, giúp bảo vệ lớp niêm mạc mũi họng, đồng thời giúp cải thiện các triệu chứng vùng mũi họng. Do xông hơi là chỉ ở ngoài bề mặt niêm mạc, không ảnh hưởng đến virus bên trong tế bào vì vậy chỉ có tác dụng giảm triệu chứng hô hấp, giúp người bệnh đỡ nghẹt mũi, khô họng, loãng đàm... Xông không có tác dụng ngăn ngừa, chữa khỏi bệnh Covid-19, cũng như không ngăn chặn được việc lây nhiễm bệnh.

Xông hơi toàn thân: Về nguyên liệu xông, hiện nay có rất nhiều nguyên liệu, các bạn có thể mua các chế phẩm xông đóng sẵn dạng viên, cũng có thể tự nấu nước xông. Nước xông tự nấu thông dụng và dễ mua nhất chính là gừng, chanh, sả. Thời gian xông chỉ cần từ 15-20 phút, ngày chỉ cần xông 1 lần là đủ. Chú ý, không khuyến khích bệnh nhân xông toàn thân vì mục đích của xông là cải thiện các triệu chứng vùng mũi họng và vệ sinh niêm mạc mũi họng.

Xông toàn thân sẽ làm giãn mao mạch toàn thân, bệnh nhân có thể mất nước tăng lên, dễ hạ huyết áp… do đó bệnh nhân hết sức chú ý về thời gian và cách thức xông.

Người bệnh Covid-19 có thể xông hỗn hợp gừng, tỏi, sả để giảm triệu chứng, trước khi xông hơi cần làm sạch cơ thể. Hỗn hợp sau khi đun sôi, bạn chỉ cần phủ khăn vùng đầu mặt, hít thở sâu để hơi nước và tinh dầu đi vào vùng mũi họng.

Xông hơi nóng nhằm làm loãng chất tiết dịch, làm mềm vảy mũi, cung cấp độ ẩm cho niêm mạc mũi bị khô, dẫn lưu các chất dịch ứ đọng vùng mũi được tốt hơn, giảm nhanh các triệu chứng nghẹt mũi, giảm sung huyết niêm mạc mũi, tạo cảm giác thư giãn thoải mái. Thời gian mỗi lần xông khoảng 20 phút, sau khi xông, bạn cần lau khô, giữ ấm và tránh gió.

Xông hơi nhiều lần trong ngày: Chỉ những người có triệu chứng mới nên xông hơi, không nên lạm dụng, bạn nên xông hơi một mình và tần suất tốt nhất là 1 ngày/lần.

Trong quá trình xông nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng hay bất cứ dấu hiệu bất thường nào, cần ngừng ngay. Người già yếu, có bệnh mạn tính, suy nhược cơ thể... khi xông cần phải có người hỗ trợ ngồi phía sau giữ vai tránh ngã.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh