Những “rái cá nhí” ở làng biển Cù Lao Chàm xứ Quảng
- Văn hóa - Giải trí
- 13:44 - 18/05/2016
Dọc ven biển xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, Quảng Nam, nơi người dân quen gọi là Cù Lao Chàm, tập trung gần 8 đảo như hòn Dài, hòn Lao, hòn Tai,…Các bãi biển trải dài từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Cuộc sống ở biển khiến nước da những đứa trẻ rám nắng và thân hình trông gầy nhỏm. Như cha ông đi trước, những đứa trẻ ngay từ nhỏ, chẳng cần ai dạy bảo, chúng tự bơi, tự lặn và thi thố nhau từng mét nước. Cậu học trò Trần Gia Huy, trường THCS Quang Trung, thôn Bãi Làng, xã đảo Tân Hiệp, tranh thủ buổi trưa cùng cha đi lặn bắt cá kiếm cơm cho gia đình. Trông Huy nhỏ con, nhưng cậu lại rất giỏi lặn biển bắt cá. Một mắt kính lặn và tấm lưới trên tay, Huy trần mình xuống biển. Chỉ thoáng chốc là thấy trên tấm lưới mắc đầy cá giò, cá móm. Huy cười nói: “Em biết lặn biển từ năm lớp 1, cứ rảnh là lặn thôi ạ”. Không chỉ thế, Huy có biệt tài bơi rất xa gần cả trăm mét nước. Có lần, Huy còn kiếm được đến hơn 100 nghìn tiền bán mực lá với nghề câu mực biển.
Vượt “rái cá Huy”, cậu bé Ngô Thiện Niệm, trường THCS Quang Trung, cùng thôn, rất “sành” nghề câu mực, cứ hằng đêm, Niệm mang cần câu đi câu mực. Mỗi đêm câu chừng 2-3 con, khoảng 1-2 lạng cân, bán cho người ở chợ cũng được 30 nghìn. Rồi khi có khách du lịch đi qua thấy Niệm câu, thường chờ xem rồi mua mang về làm quà.
Gia Huy lặn bắt cá.ảnh:H.T
Đi cùng với Niệm, cậu con trai vẻ người lớn, dõng dạc nói: “Bây giờ là mùa đông nên có rất nhiều mực, thả câu ra khoảng 1 mét, mực nó thấy con mồi là tôm giả gắn ở đầu lưỡi câu là nó vô ăn, dính câu liền. Ở vùng biển này, mực lá bơi gần bờ nhiều lắm, bắt sáng câu chiều vẫn không hết”. Người cao và ốm đó là Nguyễn Yên Bình Yên, lớp 6, được xem như cao thủ “rái cá nhí”. Những con mực vừa đưa lên mặt biển đã chết, tôi băn khoăn không biết làm cách nào để nó vẫn sống được, Yên lập tức nói: “Có gì khó đâu ạ, chỉ cần múc nước biển bỏ vào bình hay thau nhựa, sau đó, thả con mực vừa câu lên là nó sống được mấy ngày liền”.
“Rái cá nhí” Bình Yên, không hề “yên bình” như cái tên, cậu rất hăng hái và có cái vẻ mạnh dạn của ngư dân miền biển, Yên có thể lặn sâu 4-5 mét nước, bơi xa cả tiếng đồng hồ từ thôn này sang thôn kia. Ngay từ lớp 1, đã tự học lặn biển rồi tự đi câu mực. Yên xem chừng chỉ mất khoảng hơn 1 tiếng là câu được 7 con mực chẵn, Yên cười nói: “Xưa không bán chỉ mang về nhà nấu ăn, bây giờ bán 7 con mới được 80 nghìn đồng. Em với các bạn đi bán cho mấy cô ở chợ để họ bán lại cho khách du lịch”.
Gỡ cá ra khỏi lưới.ảnh:H.T
Ông Võ Bảy, thôn Bãi Làng, đã 61 tuổi vẫn đi biển kể: “Hồi mới 10 tuổi, ông đã lặn biển, biết bơi. Trẻ con bây giờ cũng vậy, không ai chỉ bảo, tự chơi rồi thành thạo cả”. Thỉnh thoảng mỗi tối ông vẫn ngồi câu mực như những đứa trẻ làng.
Số tiền từ câu mực, thả lưới lặn bắt cá, các “rái cá nhí” đều đưa cho mẹ mua sắm sách vở học tập. Những cậu học trò của làng biển, vừa xem bơi lặn kiếm cá, câu mực là “trò chơi” thiếu nhi, khi mà các khu vui chơi trên xã đảo vẫn còn là điều xa vời với những đứa trẻ nơi đây…Những “rái cá nhí” như là “mầm xanh” và là “ngư dân tương lai” của biển.
HUYỀN TRANG/Lao động và xã hội