CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:09

Những quy định về việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, có hại

Căn cứ Luật An toàn, vệ sinh lao động; Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/11/2022 của  Bộ LĐTBXH quy định về điều kiện được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật của người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại, như sau:

Người lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, chức năng sinh học, tuổi thọ. Vì thế, người lao động làm việc trong môi trường này sẽ được hưởng nhiều quyền lợi hơn cả về phụ cấp và thời gian làm việc so với người lao động làm việc trong điểu kiện bình thường.

Bồi dưỡng bằng hiện vật là chính sách quy định của cơ quan nhà nước dành cho người lao động làm việc trong môi trường công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, để người lao động đảm bảo điều kiện về sức khỏe giúp tăng cường sức đề kháng và thải độc của cơ thể cũng như bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Do đó, phải xác định rõ đối tượng được bồi dưỡng bằng hiện vật, điều kiện được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật, mức bồi dưỡng bằng hiện vật và nguyên tắc bồi dưỡng bằng hiện vật.

Công ty Cổ phần Quốc tế BHL Group huấn luyện ATVSLĐ tại Công ty Cổ phần than Cao Sơn -TKV, tỉnh Quảng Ninh

Công ty Cổ phần Quốc tế BHL Group huấn luyện ATVSLĐ tại Công ty Cổ phần than Cao Sơn -TKV, tỉnh Quảng Ninh

Đối tượng áp dụng của thông tư này, bao gồm:

- Người lao động theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 2 Luật An toàn, vệ sinh lao động.

- Người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật Lao động.

- Cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật.

- Người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân áp dụng việc bồi dưỡng bằng hiện vật như đối với người lao động quy định tại Thông tư này, trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật áp dụng riêng với đối tượng này có quy định khác.

Điều kiện được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật

Người lao động được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ 2 điều kiện sau:

- Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

- Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất 1 trong 2 yếu tố sau đây:

+ Có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế.

+ Tiếp xúc với ít nhất 1 yếu tố được xếp từ 4 điểm trở lên thuộc nhóm chỉ tiêu “Tiếp xúc các nguồn gây bệnh truyền nhiễm theo Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm” (số thứ tự 10.1 Mục A, Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động).

Việc xác định các yếu tố quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư  này phải được thực hiện bởi tổ chức đủ điều kiện hoạt động quan trắc môi trường lao động theo quy định của pháp luật.

Công ty Cổ phần Quốc tế BHL Group huấn luyện ATVSLĐ tại Công ty Than Quang Hanh-TKV, tỉnh Quảng Ninh

Công ty Cổ phần Quốc tế BHL Group huấn luyện ATVSLĐ tại Công ty Than Quang Hanh-TKV, tỉnh Quảng Ninh

 Mức bồi dưỡng bằng hiện vật

- Bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền theo các mức bồi dưỡng sau (mức 1: 13.000 đồng; mức 2: 20.000 đồng; mức 3: 26.000 đồng; mức 4: 32.000 đồng).

- Đối với người lao động đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư này, mức bồi dưỡng cụ thể theo từng nghề, công việc được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này và được áp dụng theo thời gian làm việc tương ứng như sau:

+ Nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng;

+ Nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng;

+ Trong trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.

Nguyên tắc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật

- Việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca, ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Trường hợp người lao động làm công việc lưu động, phân tán, ít người hoặc các công việc khác có tổ chức lao động không ổn định mà không thể tổ chức bồi dưỡng tập trung tại chỗ, người sử dụng lao động phải cấp hiện vật cho người lao động để người lao động có trách nhiệm tự bồi dưỡng theo quy định. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động phải lập danh sách cấp phát, có ký nhận của người lao động; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện bồi dưỡng của người lao động.

- Không được trả bằng tiền, không được trả vào lương (bao gồm cả việc đưa vào đơn giá tiền lương) thay cho hiện vật bồi dưỡng.

- Trường hợp do tổ chức lao động không ổn định, không thể tổ chức bồi dưỡng tập trung tại chỗ được (ví dụ: làm việc lưu động, phân tán, ít người), người sử dụng lao động phải cấp hiện vật cho người lao động để người lao động có trách nhiệm tự bồi dưỡng theo quy định. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động phải lập danh sách cấp phát, có ký nhận của người lao động; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện bồi dưỡng của người lao động.

- Chi phí bồi dưỡng bằng hiện vật được hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên, chi phí sản xuất kinh doanh của cơ sở lao động và là chi phí hợp lý khi tính thuế, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của cơ sở lao động theo quy định hiện hành của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động

- Phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tăng cường các thiết bị an toàn và vệ sinh lao động để cải thiện điều kiện lao động; khi chưa thể khắc phục được hết các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại thì phải tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động để ngăn ngừa bệnh tật và bảo đảm sức khỏe cho người lao động.

- Căn cứ vào kết quả đánh giá các điều kiện theo quy định tại Điều 3 của Thông tư này để xác định mức bồi dưỡng bằng hiện vật tương ứng cho từng nghề, công việc cụ thể theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

- Khi áp dụng các biện pháp để cải thiện điều kiện lao động hoặc khi điều kiện lao động thay đổi thì phải căn cứ vào kết quả mới về điều kiện lao động để điều chỉnh các mức bồi dưỡng đúng theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Thông tư này. Thường xuyên tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật, phổ biến nội dung Thông tư này đến người lao động.

- Chỉ đạo bộ phận y tế cơ sở hoặc tham vấn ý kiến của chuyên gia về dinh dưỡng để xây dựng cơ cấu hiện vật dùng để bồi dưỡng phù hợp với việc thải độc, tăng cường sức đề kháng của cơ thể tương ứng với các mức bồi dưỡng, đồng thời phù hợp với từng vị trí việc làm, từng công việc cụ thể và sức khỏe của người lao động.

- Doanh nghiệp sẽ bị xử phạt khi vi phạm quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động; phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Nghị định 12/2022/NĐ-CP), như sau:

+ Phạt tiền từ 50.000.000 đến 70.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không thực hiện đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện lao động đối với nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để thực hiện chế độ cho người lao động quy định tại khoản 3 Điều 22 của Luật An toàn, vệ sinh lao động (Khoản 5, Điều 21 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

+ Phạt tiền từ 3.000.000 đến 30.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật hoặc bồi dưỡng bằng hiện vật thấp hơn mức theo quy định; trả tiền thay cho bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại (Khoản 8, Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

BẢO NGỌC

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh