THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:30

Những phóng viên ảnh mất cả sự nghiệp vì một lần… Photoshop

 

Trong kỷ nguyên “nhiếp ảnh Photoshop”, có những sự việc đã xảy ra trong giới phóng viên ảnh, khiến những người hàng ngày tác nghiệp báo chí bằng máy ảnh phải “giật mình”.

Bởi trong khi nhiều bức ảnh báo chí vẫn có thể sử dụng Photoshop một cách tương đối thoải mái, thì trong một số trường hợp, đã có những phóng viên ảnh bị đuổi việc khỏi những hãng tin lớn chỉ vì một lần… Photoshop.

Năm 2003, phóng viên ảnh người Mỹ Brian Walski đã gửi về cho tòa soạn báo Los Angeles Times (Mỹ) một bức ảnh chỉnh sửa, được thực hiện bằng cách “chồng” hai bức ảnh khác của anh này lên nhau.

Bức ảnh “ấn tượng” đã không chỉ được Los Angeles Times sử dụng mà còn được lựa chọn làm ảnh bìa của một ấn bản tạp chí khác, nhiều tờ báo cũng xin sử dụng lại bức ảnh này.

Mọi việc những tưởng “êm xuôi” cho đến khi một nhân viên của tòa báo xin sử dụng lại bức ảnh của Brian Walski làm ảnh bìa, nhận thấy bức hình này có sự bất thường, như thể sử dụng thủ thuật chồng ảnh lên nhau. Người phóng viên này liền trình bày vấn đề với ban biên tập. Ngay lập tức tòa báo này đã liên hệ với biên tập ảnh của Los Angles Times yêu cầu điều tra.

Trong cuộc gọi về tòa soạn từ miền nam Iraq, phóng viên ảnh Walski đã thú nhận rằng anh đã sử dụng hai bức ảnh kết hợp lại để tạo thành bức hình mới. Hai bức ảnh gốc được Walski chụp chỉ cách nhau vài giây, khi đem ghép lại với nhau, bố cục ảnh trở nên chặt chẽ hơn hẳn.

Sau đó, Walski cũng đã thừa nhận sai lầm của mình và xin nhận mọi trách nhiệm, đồng thời, anh này cũng viết thư xin lỗi ban biên tập: “Sai lầm này xảy ra sau một ngày dài, nóng bức và căng thẳng, nhưng tôi không có ý định đưa ra lời biện hộ nào ở đây.

“Tôi thực sự hối tiếc vì đã làm ảnh hưởng tới danh tiếng của tòa báo, của các bạn đồng nghiệp, và đặc biệt là những phóng viên ảnh và biên tập ảnh đã giúp cho quãng thời gian 4 năm rưỡi làm việc của tôi ở đây trở thành một trải nghiệm tuyệt vời.

“Tôi đã luôn cố gắng thực hiện những chuẩn mực đạo đức cao nhất trong suốt sự nghiệp của mình và không thể nào nói hết được sự suy sụp của mình vào lúc này. Chuyện này sẽ đưa lại rất nhiều đêm mất ngủ về sau…”.

Ngay sau khi phát hiện ra sự thật đằng sau bức ảnh của Brian Walski, phóng viên ảnh này đã bị tòa báo sa thải. Trước đó, Brian Walski vốn là phóng viên ảnh có 25 năm kinh nghiệm của Los Angeles Times, tại thời điểm năm 2003, anh được tòa báo phân công nhiệm vụ đến Iraq để đưa tin ảnh thời sự về đất nước này.

Sự việc sa thải phóng viên ảnh Walski đã khiến nhiều đồng nghiệp trong giới bày tỏ sự buồn bã, cảm thông đối với anh, nhưng tất cả đều khẳng định rằng đó là việc phải làm, và ngay cả Walski cũng đồng ý với điều đó.

Một đồng nghiệp - phóng viên ảnh Abraham Lincoln của tờ New York Times, khi đó đang đưa tin ảnh từ Vịnh Ba Tư đã có một chia sẻ sâu sắc trước câu chuyện của Walski rằng: “Điều khiến các phóng viên ảnh và các tờ tin tức khác biệt nhau chính là ở mức độ tin cậy. Chúng ta cố gắng để tạo nên một lịch sử hoạt động đúng đắn, chính xác… Lòng tin mà độc giả dành cho chúng ta chính là tất cả những gì mà chúng ta có”.

Kết luận lại trong vụ việc lùm xùm chỉnh sửa ảnh của Walski, khi công nghệ bắt đầu bước vào thời kỳ bùng nổ trên khắp thế giới, nhiều tờ báo khi đó đã nhận định rằng các phóng viên ảnh cần phải thận trọng trước sức cám dỗ mà công nghệ hiện đại có thể bày ra trước mắt họ để giúp họ “phù phép” cho những tác phẩm của mình trở nên hoàn hảo hơn.

Ảnh gốc ở trên, ảnh chỉnh sửa ở dưới.


Năm 2006, một phóng viên ảnh tự do có tên Adnan Hajj cũng đã bị ngưng cộng tác với hãng tin danh tiếng Reuters sau khi anh này chỉnh sửa hình ảnh những đám khói trong một bức ảnh chụp lại cuộc không kích xảy ra ở Lebanon và thêm vệt pháo sáng vào một bức ảnh khác chụp một chiếc máy bay chiến đấu bay trên vùng trời Lebanon.

Ngay sau khi phát hiện ra việc Adnan Hajj đã sử dụng Photoshop đối với hai bức ảnh tin tức của anh này, hãng tin Reuters đã loại bỏ toàn bộ 920 bức ảnh của phóng viên Adnan Hajj từng được Reuster sử dụng trước đó. Lý do là bởi Adnan Hajj đã vi phạm nguyên tắc làm nghề trong quá trình đưa tin về cuộc xung đột ở Lebanon.

Sau quá trình cộng tác kéo dài 10 năm giữa Hajj và Reuters, chỉ vì 2 bức ảnh có qua chỉnh sửa mà tất cả những ảnh của Hajj từng được Reuters sử dụng trước đó đều bị loại bỏ để tránh mọi khả năng khác có thể xảy đến.

Những dấu hiệu Photoshop trong ảnh của Hajj đều do cư dân mạng phát hiện ra. Thoạt tiên, có một blogger nhận thấy trong một bức ảnh của tay máy Adnan Hajj chụp lại quang cảnh thành phố Beirut, Lebanon, sau một trận không kích, khói bốc lên dường như đã bị làm cho tối hơn và có hình dáng bất thường.

Sau khi kiểm tra lại, Reuters khẳng định nghi vấn này và còn phát hiện ra thêm một bức ảnh khác có sử dụng Photoshop. Đó là một bức ảnh chụp lại chiếc máy bay chiến đấu bay trên vùng trời Lebanon, trong bức ảnh này thoạt tiên chỉ có một vệt pháo sáng, nhưng Adnan Hajj đã thêm hai vệt.

Năm 2014, nhiếp ảnh gia Narciso Contreras - một tay máy từng nhận được giải thưởng danh giá của báo chí Mỹ - giải Pulitzer 2013 ở hạng mục Ảnh Tin tức - đã bị sa thải bởi hãng tin Asociated Press (AP) sau khi anh này thừa nhận rằng đã chỉnh sửa một trong các bức ảnh chụp trong cuộc chiến tranh Syria.

Trong bức ảnh chụp một tay súng nổi dậy ở Syria, nhiếp ảnh gia Narciso Contreras đã sử dụng Photoshop để đưa một chiếc máy quay của một phóng viên đồng nghiệp cũng có mặt tại hiện trường khi đó ra khỏi bức ảnh. Khi bỏ chiếc máy quay ra khỏi khuôn hình, đương nhiên, trông bức ảnh đẹp mắt và tập trung nội dung hơn hẳn.

 

Trong bức ảnh gốc (ảnh trên), chiếc máy quay của người đồng nghiệp vẫn có thể nhìn thấy ở trên mặt đất, góc trái khuôn hình. Phóng viên ảnh Narciso Contreras đã chỉnh sửa (ảnh dưới) để chiếc máy quay biến mất khỏi khuôn hình, sau đó, gửi ảnh về cho AP.

 

Đối với các phóng viên ảnh của mình, AP cho phép họ được quyền chỉnh sửa sáng tối, mức độ tương phản màu sắc, đó chỉ là những chỉnh sửa nhỏ và đơn giản, tuy vậy, những chỉnh sửa khác làm thay đổi nội dung ảnh, dù là nhỏ nhất, đều không được chấp nhận, đó là bộ quy tắc của người cầm máy làm việc cho AP.

Phóng viên ảnh Narciso Contreras và nhóm đồng nghiệp ở AP trước đây đã từng giành giải báo chí Pulitzer cũng với một bộ ảnh về đề tài chiến tranh Syria. Sau khi sự vụ tai tiếng xảy ra và được nhiều tờ báo đăng tải, Narciso Contreras khẳng định đây là bức ảnh duy nhất anh từng vi phạm quy tắc chỉnh sửa:

“Tôi đã đưa ra một lựa chọn sai lầm khi quyết định xóa chiếc máy quay đó đi. Giờ tôi cảm thấy xấu hổ vì điều mình đã làm. Các bạn có thể lần lại những bức ảnh của tôi và các bạn sẽ thấy rằng đây là bức ảnh duy nhất tôi chỉnh sửa. Điều này có lẽ đã xảy ra trong một khoảnh khắc quá căng thẳng, trong một tình huống quá khó khăn. Nhưng nó đã xảy ra rồi, vì vậy, tôi phải chịu hậu quả”, Narciso Contreras chia sẻ.

Ngay sau đó, hãng tin AP đã quyết định chấm dứt mọi sự cộng tác với tay máy đang có sự nghiệp đầy hứa hẹn này. Trước đây, Narciso Contreras đã từng có ảnh được sử dụng trong những ấn bản báo chí danh tiếng như New York Times, Time, Washington Post…

Narciso Contreras đã làm việc cho AP từ trước năm 2012 với nhiệm vụ đưa tin về cuộc xung đột xảy ra ở Syria. Anh có rất nhiều bức ảnh chiến trường nổi tiếng được chụp trong vùng chiến sự. Như bức ảnh trên là một ví dụ, bức ảnh chụp lại một tay súng thuộc phe nổi dậy đang “cắm chốt” ở quận Jedida, thành phố Aleppo.


Narciso Contreras đã giành được nhiều giải thưởng với những bức ảnh chiến trường của mình. Những góc ảnh của anh luôn đưa lại góc nhìn cận cảnh của một người trong cuộc, phản ánh hậu quả của chiến tranh đối với người dân vô tội và cả đối với người lính. Ảnh chụp ở Aleppo, Syria, tháng 10/2012.


Narciso Contreras là một phóng viên ảnh người Mexico. Ảnh chụp hồi năm 2011, anh đang nằm nghỉ bên trong một bệnh viện sau khi gặp chút rắc rối trong lúc tác nghiệp ở Srinagar, Ấn Độ.

 

Sau khi sự vụ bị lật tẩy, AP đã kiểm tra lại 494 bức ảnh mà họ đã sử dụng của Narciso Contreras nhưng không tìm thấy bất cứ sự chỉnh sửa đáng kể nào. Đối với những hãng tin lớn, ảnh tin tức của họ luôn phải tôn trọng sự trung thực cao nhất.

Trước khi xảy ra vụ việc của Narciso Contreras, năm 2011, AP cũng đã từng phải xóa toàn bộ ảnh của một phóng viên ảnh Miguel Tovar sau khi phát hiện ra anh này dùng phần mềm để xóa đi cái bóng của mình trong một bức ảnh.

Sự bất thường nằm ở đám bụi đất dưới chân những đứa trẻ. Trước đó, đám bụi đất sẫm màu này vốn là cái bóng của người chụp ảnh.


Khi đó, AP đã ngay lập tức sa thải phóng viên ảnh Miguel Tovar, sự cố này được phát hiện bởi một biên tập ảnh, người biên tập nhận ra có dấu hiệu lạ trong đám bụi đất dưới chân bọn trẻ đang chơi đá bóng ở Argentina.

Sau sự cố này, một thông báo đã được gửi tới toàn bộ nhân viên của AP trên khắp thế giới, nhắc nhở họ về những giới hạn của việc chỉnh sửa ảnh báo chí: “Nội dung ảnh không được phép chỉnh sửa bằng Photoshop hay bất cứ công cụ nào khác. Không có chi tiết nào được phép thêm vào hay loại ra khỏi ảnh bằng cách sử dụng công nghệ.

“Chỉ có thể sử dụng công cụ chỉnh sửa để loại bỏ hình ảnh những hạt bụi bám trên ống kính. Những chỉnh sửa nhỏ được phép chấp nhận, bao gồm cắt cúp, chỉnh màu, nhưng cũng phải sử dụng hạn chế ở mức tối thiểu, chỉ nhằm mục đích làm rõ và làm chính xác hơn nội dung ảnh.

“Nếu sử dụng những chỉnh sửa nhỏ nhưng tới mức làm thay đổi cảnh quan gốc cũng không được chấp nhận. Hậu cảnh không được làm mờ. Việc loại bỏ “mắt đỏ” khỏi ảnh cũng không được cho phép”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh