“Những ông trùm tư bản cuối cùng của Thượng Hải”
- Văn hóa - Giải trí
- 10:13 - 19/09/2021
David Sassoon (1792–1864), tộc trưởng của triều đại Sassoon, đã chạy trốn khỏi Baghdad (Đế quốc Ottoman) đến Bombay vào giữa thế kỷ 18. Tại Bombay, cùng với tám người con trai của mình ông đã kiếm được một khoản tiền kếch xù nhờ buôn bán thuốc phiện và xây dựng một đế chế kinh doanh mở rộng từ Bombay đến nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Thượng Hải, Trung Quốc.
Vào những năm 1920, chắt trai của ông, Victor Sassoon, đã đưa ra quyết định định mệnh là chuyển công việc kinh doanh của gia đình từ Ấn Độ đến Thượng Hải. Victor đã mua địa điểm nổi bật nhất trên Bến Thượng Hải, không kém gì một khu phố, ở giao lộ của đường Nam Kinh và bờ sông Hoàng Phố. Ông đã xây dựng một trụ sở mới cho doanh nghiệp gia đình gọi là Nhà Sassoon - cao hơn 50 feet (tương đương 15m) so với tòa nhà cao nhất thành phố vào thời điểm đó. Tại đây, ông đã thành lập một khách sạn tráng lệ mang tên Cathay (tên gọi được Marco Polo được sử dụng để gọi tên Trung Quốc).
Gia đình Sassoon nhanh chóng trở thành một trong những triều đại kinh doanh hùng mạnh và giàu có nhất ở châu Á. Không chỉ là một ông trùm kinh doanh một chiều, "Victor đã chi phối chính phủ Quốc dân đảng, thách thức người Nhật và cứu hàng ngàn người tị nạn Do Thái chạy trốn khỏi chế độ Đức Quốc xã." Có lẽ không quá lời khi ghi nhận ông đã có công to lớn khi biến Thượng Hải trở thành một thành phố đẳng cấp thế giới vào thời điểm đó. Tuy nhiên, cuối cùng, khi cách mạng nổ ra, năm 1949, Victor Sasson đã buộc phải rời bỏ Trung Quốc và phần lớn tài sản của ông bị Đảng Cộng sản tịch thu.
"Những ông trùm tư bản cuối cùng của Thượng Hải" còn có gia đình Kadoorie, một triều đại kinh doanh khác cạnh tranh với gia tộc Sassoon. Gia tộc này cũng để lại cho Thượng Hải nhiều công trình tráng lệ như: tòa lâu đài bằng đá cẩm thạch tráng lệ của gia đình với một bãi cỏ rộng lớn, sau này trở thành Cung thiếu nhi của Thượng Hải; một khách sạn lớn phía bên kia bờ sông Tô Châu, sau này được đặt tên là khách sạn Pujiang.
"Những ông trùm tư bản cuối cùng của Thượng Hải" là một cuốn sách đậm chất sử thi, tiết lộ về quá trình hình thành và phát triển của hai gia tộc có nguồn gốc Do Thái, đã có tác động đáng kể đến lịch sử Trung Quốc thời cận đại, thậm chí đến cả hiện nay.
Hai gia tộc đã xây dựng sự giàu có của mình dựa trên việc buôn bán thuốc phiện làm hủy hoại hàng triệu cuộc đời, hoặc bóc lột sức lao động của người dân nơi đây, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng. Nhưng chính điều này cũng thúc đẩy sự trỗi dậy và thành công của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Họ thu được lợi lộc lớn từ mảnh đất này, nhưng họ cũng là người châm ngòi cho sự bùng nổ về kinh tế của Thượng Hải cho đến ngày nay, bằng việc để lại cho nơi này những công trình thế kỷ, thu hút gia tộc Vinh và hàng triệu doanh nhân tìm đến, khởi nghiệp tại nơi này, sau đó làm thay đổi diện mạo của Thương Hải cũng như Trung Quốc.
"Những ông trùm tư bản cuối cùng của Thượng Hải" là cuốn sách nên đọc với tất những ai quan tâm đến Trung Quốc, các nhân sự trong bộ máy chính quyền, cũng như những ai quan tâm đến kinh doanh và sự phát triển của các gia tộc lớn trên thế giới nói riêng và châu Á nói chung.
Tác giả dành giải thưởng Pulitzer Jonathan Kaufman đã dành 30 năm tìm hiểu, nghiên cứu tư liệu và viết "Những ông trùm tư bản cuối cùng của Thượng Hải", trước khi ra mắt cuốn sách vào năm 2020. Với vai trò là một trong những phóng viên được cấp phép vào Trung Quốc năm 1979 cùng đặc quyền truy cập nhiều tư liệu chưa từng được công bố, trong đó có kho tư liệu, nhật ký đồ sộ của hai gia tộc Sassoon và Kadoorie, Kaufman đã cung cấp cho độc giả một cuốn sách vô cùng li kỳ, lôi cuốn, hấp dẫn về chủ đề này.
Nhận xét về cuốn sách tạp chí Forbes viết: "Kaufman là một người hiểu rõ Trung Quốc, vì vậy ông đem tới một cái nhìn sâu sắc cho những câu chuyện kể trong sách. Đây là một cuốn sách chắc chắn sẽ hấp dẫn độc giả."