THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 06:15

Những ố, nộ trong đời sống thi ca

 

Tác giả Nguyễn Phan Quế Mai và tập thơ có bài thơ “Tổ quốc gọi tên” gây tranh cãi (Nguồn ảnh: Internet)

Qua báo chí ầm ĩ mới hay, bài thơ trên trình làng năm 2011. Còn tôi biết bài thơ, khi nghe nghệ sĩ nhân dân Nông Xuân Ái hát trên bong tàu Hải quân 571,  trong chuyến công tác ở Trường Sa hè 2014. Bài hát khá hay, được nghệ sĩ lừng danh thể hiện, lại đang sống ở vùng biển Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, càng  làm cho bài hát sống động, hào hùng lan tỏa hơn. Sau này đọc  bài thơ được phổ nhạc ấy, tôi thấy  cũng thường, bởi với đề tài trên, trước đó văn chương Việt đã có nhiều tác phẩm viết hay hơn rất nhiều. Bản nhạc đã chắp cánh cho bài thơ, nhờ nhạc mà bài thơ được một số người biết đến.

Có lẽ bài hát được sử dụng nhiều trên ti vi, đài phát thanh, các chương trình ca nhạc về biển đảo quê hương, nên đã đánh thức chàng trai xứ Nghệ, có thời dạy văn ở trường quân sự  mường tượng bài thơ trên do anh ta viết gần chục năm trước, khi đang còn mặc áo lính. Anh ta lên tiếng đòi quyền làm cha, làm mẹ của bài thơ. Anh ta nói với phóng viên báo Tiền Phong: “Phải đòi vì cái tâm của người cầm bút!” Ghê gớm chưa!

Phản ứng lại việc “đòi con” của chàng trai họ Ngô, nữ thi sĩ Nguyễn Phan Quế Mai liền ra “tối hậu thư” buộc anh chàng họ Ngô phải xin lỗi, và phải xin lỗi trước ngày 10/10/2015. Hết hạn trên không xin lỗi, nữ sĩ sẽ kiện ra tòa.

Vô phúc đáo tụng đình. To chuyện rồi. Nhưng xem ra chàng họ Ngô xứ Nghệ vẫn bình thản, ung dung, tự tại lắm, cứ như anh ta là tác giả đích thực của bài thơ. Nó là đứa con không may thất lạc, được người khác đưa về nuôi, nay “châu về hợp phố” mới hợp lẽ đời, lẽ trời.

Suy cho cùng, anh ta thong dong cũng dễ hiểu. Chắc nữ sĩ cũng chỉ dọa cho oai, thậm chí có kiện ra tòa, chỉ là trò giơ cao đánh khẽ, xin lỗi nhớ nhầm, rồi bắt tay nhau, thậm chí là ôm chặt lấy nhau cười hê hả. Nói gì thì nói, nhờ anh ta làm um lên như thế, bài thơ thêm một lần nổi tiếng.

Trong khi  nhiều người vẫn còn phân vân, bài thơ “Tổ quốc gọi tên” của nữ sĩ họ Nguyễn đang công tác ở châu Âu, hay của anh chàng họ Ngô sống đất châu Hoan, lại xuất hiện nghi án nữ sĩ Phan Huyền Thư “đạo thơ” của thi sĩ  Du Tử Lê. Vụ việc cũng rộ lên với nhiều bàn tán, bình phẩm khác nhau. Kẻ thì khẳng định như đinh dóng cột, hành vi trên đích thực là đạo thơ; người cho rằng, việc ý tưởng gặp nhau trong văn đàn cũng là chuyện thường tình. Ầm ỉ, nỉ non, người ngoài cuộc không biết đâu mà lần

 Rõ ràng các vụ việc trên ít nhiều đã làm cho đời sống văn học nước nhà bị vấy bẩn, các thi sĩ bị xúc phạm. Trớ trêu cho những cái gọi là văn minh, cho thế kỷ 21- thế kỷ của công nghệ thông tin, vậy mà vẫn diễn ra cảnh  một chàng, một nàng nào đấy thích thơ, thích văn của ai là ngang nhiên vơ vào làm của mình. Đến khi bị lật tẩy, không còn đường lùi, bình thản đưa ra lời xin lỗi nhạt hơn nước ốc. 

HOÀNG LÊ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh