Những nhạc sĩ góp mặt cho dòng nhạc cách mạng
- Văn hóa - Giải trí
- 15:00 - 02/09/2023
Mỗi bài hát là tiếng kèn xung trận
Theo nhạc sĩ, nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Đình San, sự ra đời của dòng nhạc đỏ bắt đầu từ những năm 40 của thế kỷ trước mà ta vẫn gọi là thời kỳ tiền khởi nghĩa (từ năm 1940 đến trước 19/8/1945). Thậm chí, từ năm 1930, với sự xuất hiện bài hát cách mạng đầu tiên có tên “Cùng nhau đi Hồng binh” của Đinh Nhu. Vào đầu thập niên 1940, nhiều bài ca cách mạng hừng hực khí thế yêu nước, căm thù giặc và đau đáu khát vọng giải phóng dân tộc của hai nhạc sĩ tiêu biểu ra đời.
Chúng ta vô cùng yêu mến tài năng âm nhạc của các nhạc sĩ: Lưu Hữu Phước, Huy Du, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Vân, Vũ Trọng Hối, Xuân Hồng, Huy Thục, Doãn Nho, Trần Chung, Xuân Giao, Xuân Khoát, Hoàng Hà, Đào Hữu Thi... Mỗi tác phẩm cách mạng (nhạc đỏ) của các ông là tiếng kèn xung trận, là lời thề sắt son trước sau như một của hai miền Bắc, Nam gửi đến nhau. Các bài hát cất lên giữa các cung đường Trường Sơn huyền thoại, giữa những mâm pháo phòng không ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị... đã nhân lên sức mạnh kết đoàn, làm vững hơn bước chân của những người lính và đắp bồi thêm niềm tin chiến thắng ở những người đang ngóng đợi, tăng gia sản xuất nơi hậu phương.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc cách mạng Việt Nam trong thế kỷ 20. Phần lớn ca khúc của Phan Huỳnh Điểu là nhạc đỏ nhưng ông cũng có nhiều ca khúc trữ tình đặc sắc. Ông được mệnh danh là “Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam” và được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật vì những đóng góp của mình cho sự nghiệp âm nhạc Việt Nam. Ông nổi tiếng với những ca khúc như: Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm, Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơnia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Ở hai đầu nỗi nhớ, Đêm nay anh ở đâu, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu…
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp có nhiều tác phẩm phản ánh những giai đoạn thay đổi của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20. Âm nhạc của ông là sự hài hòa giữa âm hưởng trữ tình lãng mạn và hào hùng cách mạng. Ông cũng là một trong những nhạc sĩ phổ thơ xuất sắc; từng là Tổng thư ký Hội âm nhạc TP. Hồ Chí Minh. Với những công hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng và nền âm nhạc nước nhà, ông đã được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật (đợt 2, năm 2000) với các tác phẩm: Câu hò bên Bến Hiền Lương, Trường Sơn đông - Trường Sơn tây, Viếng Lăng Bác, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Nhớ về Hà Nội.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác nhiều bài hát được nhiều người biết như: Bài ca người thợ mỏ, Bài ca người thợ rừng, hợp xướng “Miền Nam anh dũng và bất khuất”, Bám biển quê hương, Yêu biết mấy những con đường, Chiếc gậy Trường Sơn, Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ, Từ làng Sen, Đêm trên Cha Lo, Từ một ngã tư đường phố.
Nhạc sĩ Hoàng Vân có sự nghiệp sáng tác phong phú với thành công trên rất nhiều thể loại. Là người có nhiều sáng tác nhất về các ngành nghề kinh tế và sáng tác về các địa phương trở thành bài truyền thống, ông nổi tiếng với rộng rãi quần chúng với hàng loạt ca khúc như: Bài ca xây dựng, Hò kéo pháo, Quảng Bình quê ta ơi, Tôi là người thợ lò... Ngoài ra, trong kho tàng đồ sộ của mình (khoảng 650 tác phẩm đã xác định), ông đã để lại 4 bản giao hưởng (trong đó, “Thành đồng Tổ quốc” là bản thơ giao hưởng đầu tiên của Việt Nam, năm 1960), bản vũ kịch “Chị Sứ” cũng là bản ballet đầu tiên của Việt Nam năm 1968.
Về đề tài Trường Sơn, không thể không nhắc đến nhạc sĩ Đào Hữu Thi. Giới nhạc sĩ và công chúng gọi thân mật Đào Hữu Thi là “nhạc sĩ Trường Sơn” bởi ông đã có công kể chuyện Trường Sơn bằng âm nhạc. Hơn 100 ca khúc về đề tài Trường Sơn cùng rất nhiều giải thưởng là gia tài sau những năm tháng sống, làm việc và chiến đấu của ông. Hơn thế, trong trái tim đồng đội, cựu thanh niên xung phong ở Trường Sơn đều yêu và hát được những ca khúc của ông, trong đó phải kể đến: Đường Trường Sơn trăm ngả, Niềm vui em đón xe qua, Em đi qua A Pông, Tình em gửi trọn con đường, Hát mãi với Trường Sơn, Đường ống Trường Sơn…
Âm nhạc của một dân tộc không bao giờ khuất phục
Nhạc cách mạng có ca từ, giai điệu hào hùng, khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta mạnh mẽ. Nhiều ca khúc đồng hành cùng hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thống nhất đất nước. PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, nhạc đỏ là âm nhạc của một dân tộc không bao giờ khuất phục.
Chung tâm sự, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho biết thêm: “Âm nhạc cách mạng đã thực sự khắc họa trọn vẹn quá trình đấu tranh, dựng xây đất nước của dân tộc. Người ta có thể thấy được đầy đủ tinh thần chiến đấu quật cường của chiến sĩ, nhân dân Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc qua những trường ca như: Trường ca sông Lô (Văn Cao), Lô giang (Lương Ngọc Trác), Chiến sĩ sông Lô (Nguyễn Đình Phúc), Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận), Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương)... Các ca khúc cách mạng cũng rất đa dạng. Bên cạnh những ca khúc mang âm hưởng hoành tráng, thể hiện khí thế chiến đấu với tinh thần lạc quan chiến thắng là nhiều ca khúc giàu chất trữ tình mang âm hưởng dân gian và đề tài khác nhau. Nhưng trên hết, dòng ca khúc này hướng tới tinh thần tập thể, nói lên tiếng nói dân tộc, tiếp thêm nguồn năng lượng cho quân và dân ta trong những năm tháng đấu tranh gian khổ.
Cùng góp phần lan tỏa ca khúc của các nhạc sĩ, nhiều tên tuổi ca sĩ hát dòng nhạc này như: Trần Hiếu, Trung Kiên, Quang Thọ, Thanh Huyền, Trần Khánh, Tường Vy, Vũ Dậu, Thúy Hà, Diệu Thúy, Doãn Tần, Bích Việt, Lê Dung, Hữu Nội, Thanh Hoa, Tiến Thành, Kim Nhớ, Thu Hiền, Quý Dương, Ðăng Dương, Trọng Tấn, Quốc Hương, Khánh Vân... Nhiều nghệ sĩ đã tổ chức các chương trình hát ca khúc nhạc đỏ. Mặc dù phải đối mặt với khá nhiều khó khăn nhưng những liveshow nhạc đỏ luôn có được chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả. Các chương trình vẫn đông kín khán giả và quan trọng là luôn nhận được sự khen tặng của khán giả cũng như người trong nghề.
Nhạc sĩ Đào Hữu Thi chia sẻ: “Âm nhạc có sức lay động trực tiếp, rộng rãi, có tác động rất lớn đến tinh thần của con người. Và trong chiến đấu, lao động, qua giọng ca truyền cảm của các ca sĩ, người nghe sẽ càng được truyền cảm hứng và tinh thần tích cực hơn”.
Cho đến hôm nay, các bài hát một thời đạn bom rực lửa vẫn vẹn nguyên sức hấp dẫn, lôi cuốn. Công chúng trẻ bằng trách nhiệm công dân và sự nhiệt thành hiếm có, bằng tình yêu với dòng nhạc cách mạng, tiếp tục quảng bá, lan truyền để những ca khúc bất hủ đi xa hơn. Nhiều bạn trẻ, tinh thông internet, lập ra các trang web, mở ra các diễn đàn trên mạng giới thiệu các bài hát đã đi qua bề dày năm tháng. Không ít ca khúc nhạc cách mạng đã được phả thêm những hơi thở mới, đương đại, khiến người nghe thời nay cảm thấy hứng thú, thậm chí chính cha đẻ của bài hát cũng phải bất ngờ. Đó chính là ca sĩ Tùng Dương khi làm mới ca khúc “Chiếc khăn piêu” của nhạc sĩ Doãn Nho hay “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song.
Những ca khúc cách mạng có sức lôi cuốn đặc biệt. Rất nhiều người đã hát trong tự hào. Họ cũng coi đó là bổn phận, là cách để nhớ những người đã đóng góp cho kho tàng âm nhạc vô giá, cũng như thể hiện bổn phận và trách nhiệm của mình với đất nước, nhân dân.