Những nguyên nhân dẫn đến giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động chậm
- Dược liệu
- 16:02 - 16/08/2022
Theo BHXH TP.HCM, đến hết ngày 15/8, ngày cuối cùng theo quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, cơ quan này đã xác nhận cho tổng cộng 1.761.024 lượt người lao động đang làm việc tại 39.706 đơn vị doanh nghiệp tại TP.HCM đang tham gia BHXH bắt buộc để nhận hỗ trợ tiền thuê nhà, tương ứng kinh phí hỗ trợ 934,551 tỷ đồng.
Trong đó, có 1.652.946 lượt người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà đang làm việc tại 31.231 đơn vị đơn vị, doanh nghiệp, và 108.078 lượt lao động lao động người quay trở lại thị trường lao động ở 8.475 đơn vị, doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Thinh – GĐ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, tính đến cuối ngày 15/08/2022, Sở LĐ-TB&XH đã tiếp nhận 53.318 doanh nghiệp nộp hồ sơ, với 1.284.727 lượt lao động được nhận hỗ trợ với số tiền 705,907 tỷ đồng /1.777,599 tỷ đồng, chiếm 39,71% so với dự toán.
Và đã có quyết định phê duyệt của UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện cho 19.535 lượt đơn vị, với số lao động là 572.285 lượt lao động; Số tiền phê duyệt hỗ trợ là 305,253 tỷ đồng/1.777,599 tỷ đồng, chiếm 17,17% so với dự toán.
Thực hiện giải ngân cho 10.225 lượt đơn vị, với số lao động là 369.905 người lao động; Số tiền chi hỗ trợ: 196,266 tỷ đồng, chiếm 11,04% so với dự toán.
Qua nắm tình hình tiếp nhận hồ sơ, thành phố Thủ Đức và các quận - huyện đều tổ chức tiếp nhận hồ sơ vào ngày thứ 7 và chủ nhật; số lượng doanh nghiệp tập trung nộp hồ sơ vào ngày 15/8/2022 (ngày cuối cùng của thời gian quy định) khá đông, đa số quận - huyện tiếp nhận hồ sơ đến 18 giờ ngày 15/8/2022, riêng Quận Bình Thạnh nhận hồ sơ đến 19 giờ, Quận 11 tiếp nhận hồ sơ đến 21 giờ. Đồng thời, TP.HCM thành lập 04 đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra tình hình chi hỗ trợ tiền thuê nhà tại 15 quận, huyện và TP.Thủ Đức, ông Thinh cho hay.
Cũng theo ông Thinh, qua kiểm tra, một số khó khăn trong quá trình tiếp nhận, thẩm định hồ sơ được các địa phương phản ánh với Đoàn công tác như: Doanh nghiệp không tiến hành nộp hồ sơ sau khi cơ quan BHXH xác nhận, phổ biến tình trạng gộp hồ sơ 03 tháng để nộp 01 lần. Công tác lập danh sách người lao động của doanh nghiệp còn thiếu và nhiều sai sót: sai thông tin tài khoản, thiếu thông tin của người lao động (thiếu địa chỉ nhà trọ, thiếu thời gian hợp đồng lao động, trùng thông tin CMND/CCCD...). Một số doanh nghiệp không thực hiện đúng nội dung hướng dẫn chi tiền hỗ trợ cho người lao động, thực hiện chi tiền mặt mặc dù người lao động có tài khoản ngân hàng. Hoặc doanh nghiệp có 02 tài khoản thu và chi, khi thực hiện chi tiền không sử dụng tài khoản cung cấp trên hồ sơ (tài khoản “thư”), mà sử dụng tài khoản “chi”, sẽ khó khăn cho Phòng LĐ-TB&XH khi quyết toán với Kho bạc Nhà nước.
Theo quy định khi doanh nghiệp nhận được tiền thì phải chi cho người lao - động chậm nhất 02 ngày và thanh quyết toán chậm nhất 05 ngày, tuy nhiên đa số các doanh nghiệp không đảm bảo thời gian theo quy định. Một số doanh nghiệp phải chịu tốn phí dịch vụ ngân hàng cho việc chuyển khoản khá lớn (ngân hàng ACB, Đông Á) do đó doanh nghiệp cân nhắc trong việc chi trả tiền.
Về dự kiến số lượng lao động được hỗ trợ, dự toán kinh phí, Ủy ban nhân dân quận, huyện đề xuất dựa trên thông tin người lao động tham gia bảo hiểm xã hội của cơ quan Bảo hiểm xã hội và tình hình cư trú của người lao động tại địa phương, do đó dự toán ban đầu cao hơn so với tình hình thực tế hiện nay các địa phương đang tiếp nhận hồ sơ. Vì vậy, khi đánh giá tỉ lệ thực hiện so với dự toán ban đầu còn thấp.
Thủ tục hồ sơ đơn giản thuận lợi cho người lao động và doanh nghiệp, nhưng do thiếu cơ sở dữ liệu của người lao động nên công tác thẩm định mất nhiều thời gian, gây khó khăn cho công tác hậu kiểm sau này.
Doanh nghiệp thực hiện hồ sơ chưa đúng quy định (thiếu thông tin, xác định không đúng đối tượng), tập trung nộp gộp hồ sơ vào thời điểm cuối tháng 7 dẫn đến việc khối lượng công việc tập trung vào một thời điểm quá lớn, cán bộ lao động phải làm việc ngoài giờ liên tục để rà soát thông tin, họp tổ thẩm định, tham mưu ban hành quyết định và thực hiện thủ tục chuyển tiền ra Kho bạc. Vì vậy, chưa đảm bảo thời gian theo đúng quy trình thực hiện. Việc có nhiều loại hình hoạt động theo hình thức doanh nghiệp như tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, tổ chức hành nghề luật sự, văn phòng công chứng, nhà thầu xây dựng... gây lúng túng khi xác định có phải là loại hình doanh nghiệp hay không để tiếp nhận hồ sơ của các đơn vị.
Một số địa phương hiểu chưa nhất quán về các quy định liên quan đến cập nhật vào cơ sở dữ liệu dân cư (rà soát, xác minh tình trạng đăng ký tạm trú của người lao động) dẫn đến việc chậm trong công tác thẩm định hồ sơ trong giai đoạn đầu triển khai như quận 4, 6, 12, Phú Nhuận. Tình trạng doanh nghiệp có tham gia bảo hiểm xã hội, có đóng thuế theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng trên thực tế hoạt động tại địa điểm khác, do đó cần phải xác minh thông tin dẫn đến mất nhiều thời gian.
Theo quy định, sau ngày 15/8 các địa phương sẽ không tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh; các quận - huyện, thành phố Thủ Đức tập trung công tác thẩm định và giải ngân kinh phí. Sở LĐ-TB&XH tham mưu, đề xuất tiếp tục thực hiện một số nội dung như
Tham mưu 4 Đoàn sẽ tiếp tục kiểm tra một số doanh nghiệp về việc thực hiện chi trả cho người lao động và quyết toán kinh phí cho hỗ trợ; Kiểm tra việc lập danh sách và tiến độ chi cho người lao động của doanh nghiệp sau khi nhận kinh phí và công tác quyết toán; nhập danh sách trên Hệ thống nhập liệu hỗ trợ tiền thuê nhà. Căn cứ trên số liệu tiếp nhận hồ sơ của Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đến hết ngày 15/8, Sở LĐ-TB&XH đề xuất tham mưu văn bản báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội điều chỉnh giảm dự toán kinh phí chi hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động so với dự kiến ban đầu theo tình hình thực tế.
Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho biết, 10 địa phương có số tiền giải ngân cao nhất là Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bắc Giang, Tiền Giang, Long An, Bình Phước, Thái Nguyên, Tây Ninh. Một số địa phương dự kiến số lượng ban đầu cao hơn thực tế nên tính đến thời điểm hiện tại, dù đã giải ngân gần hết đối tượng nhưng tỉ lệ giải ngân so với số dự kiến ban đầu không cao, đã có văn bản điều chỉnh ví dụ như: Đồng Nai, Hải Dương, Sóc Trăng, TP.HCM...