CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:20

Những người xây thành Tuy Hạ

 

Ngày phát rừng, đêm nằm chòi lá

Hàng chục kho, xưởng, hệ thống nhà ở, cầu cảng, đường nhựa đang hiện diện khang trang, chính qui trên “đồi”, Căn cứ 696 hiện nay; 20 năm trước, mảnh đất này là rừng tạp, đất đai khô cằn, thời tiết khắc nghiệt. Những người lính biển Căn cứ 696 đã phải lăn lộn, ngày phát rừng, tối đào công sự, đêm nằm chòi lá, chạy đua với khí hậu khắc nghiệt để đặt những viên gạch đầu tiên xây nên những công trình quân sự đặc biệt giữa rừng sâu.

 “Khó có thể nói hết được những gian khổ ngày đầu tiên xây dựng Căn cứ 696, nhưng thế hệ cán bộ chiến sĩ chúng tôi luôn tự hào vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao phó. Giữa rừng sâu, biệt lập với địa phương xung quanh bên ngoài, đời sống vô cùng khó khăn, nếu không có quyết tâm, đồng lòng xây dựng, thì không thể có cơ ngơi khang trang như bây giờ”. Mở đầu câu chuyện, Đại tá Vũ Hồng Đô, nguyên Chỉ huy trưởng Căn cứ 696 nói với tôi trong niềm tự hào.

Lính trẻ Căn cứ 696 làm nhiệm vụ tiêu binh trong Lễ ra quân huấn luyện của Vùng 2 Hải quân.

Đại tá Vũ Hồng Đô là chỉ huy trưởng đầu tiên và có mặt sớm nhất khi thành lập Căn cứ hai quân 696 ngày ấy (tên dân sự gọi tắt là S96). Trong nhiều câu chuyện kể những ngày đầu gian khó, có hai việc làm ông xúc động nhất, đó là sự quyết tâm của cán bộ chiến sĩ trước khó khăn gian khổ khi xây kho trạm, và tình quân dân trong mỗi lần làm công tác dân vận: “Năm 1996, lúc tớ về thành Tuy Hạ nhận nhiệm vụ. Nhìn đơn vị bốn bên là rừng lau, hoang vu, bãi bom mìn của Mỹ ngụy để lại. Cả thành Tuy Hạ có một dãy nhà của Pháp để lại, hai cái nhà cấp bốn tàn cũ. Nghĩ bụng, phải làm gì đây để xây dựng đơn vị, trong khi điều kiện vô cùng khó khăn, biệt lập với bên ngoài, quân số chỉ 13 cán bộ chiến sĩ. Nhưng có quyết tâm, có chí cũng thành công”, ông Đô nhớ lại.

Trước năm 1975, thành Tuy Hạ nguyên là Tổng kho bom đạn của ngụy quyền Sài Gòn có vành đai rộng khoảng 23 ha. Để bảo vệ kho đạn này, bọn ngụy đã phòng bố khá kiên cố và bài bản. Phía ngoài cùng là giao thông hào. Trong lòng đất giữa rừng tạp cỏ lau, Mỹ ngụy đã gài hàng ngàn quả mìn lá kích nổ; thả rắn lục xanh, cá sấu, rết độc nhằm chống biệt kích người nhái xâm nhập vào kho đạn; phía trong là tường thành vững chắc. Trước địa hình phức tạp đó, ông Đô cùng 12 cán bộ chiến sĩ quyết tâm: “Phải biến Kho bom đạn Mỹ thành trung tâm kỹ thuật bằng sức lực người lính”. Nhớ lại ngày gian khó ấy, Đại tá Đô chia sẻ: “Thượng tướng Đào Đình Luyện và Phó Đô đốc Hải quân Mai Xuân Vĩnh lúc đó đã về khảo sát. Các ông hỏi tôi: “Mày học chỉ huy tàu mặt nước đến đây là “trái nghề” rồi?. Tôi trả lời: “Là người lính thì chiến trường nào cũng sẵn sàng xung trận”.

Cán bộ chiến sĩ Căn cứ 696 thăm di tích rừng Sác huyện Nhơn Trạch.

Ngay sau khi khảo sát địa bàn, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Công ty Lũng Lô tiến hành rà phá bom mìn quanh thành Tuy Hạ. Chỉ thầu công ty Hải Công Hải quân xây kho tàng, cầu cảng, xưởng trạm. Cùng với công nhân công ty Lũng Lô và Hải Công, 13 cán  bộ chiến sĩ lăn lộn với công việc. Số chiến sĩ trẻ phải canh gác liên tục suốt ngày đêm ở hai cổng Đông và Tây bảo đảm an toàn cho công trình thi công. Số sĩ quan và QNCN còn lại cùng với công nhân Lũng Lô rà phá mìn lá, vác đá xây cầu cảng và các công trình kho xưởng. “Lúc ấy, đời sống cán bộ chiến sĩ khó khăn lắm. Ban ngày đi phát rừng lau, đêm về nằm chòi lá. Nhiều đêm mưa rừng, nước trên đồi chảy như thác đổ. Nằm trong chòi, vắt nhiều vô kể. Lính trẻ mỗi lần vác súng tuần tra, phải căng mắt nhìn xuyên đêm, và đề phòng rắn lục xanh từ ngọn cây nhảy xuống cắn bổ vào đầu”, ông Đô kể lại. Song song với việc gỡ mìn, xây xưởng, cảng, khi được tăng cường lực lượng, ông Đô đã cử một tiểu đội hành quân ra Vùng 1 Hải quân (Cửa hội Nghệ An) nhận khí tài về bảo dưỡng. Do xưởng xây chưa xong, nên khí tài khi nhận về phải để tạm bên kho K - 862.

Cán bộ chiến sĩ Căn cứ 696 múa hát cùng bà con trong lần dân vận tại huyện Tà Lài.

Sau ba tháng chạy đua với thời gian, Trạm nâng cấp đạn mang biệt danh T - 93 ra đời có công suất 53VA. Đây là trạm dây chuyền công nghệ nâng cấp đạn ngư lôi tàu biển đầu tiên của Hải quân khu vực Nam bộ. Để bảo đảm nhiệm vụ huấn luyện diễn; hàng trăm cán bộ chiến sĩ chuyên môn kỹ thuật ngày đêm miệt mài bên dây chuyền trong xưởng máy nâng cấp, sản xuất mới đạn dược cho Vùng 4 Hải quân và tàu 13 Lữ đoàn 171 diễn tập tổng hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo phía Nam của Tổ quốc.

Ánh sáng trong tim lính trẻ giữa rừng sâu

Ba việc khó khăn nhất ở thành Tuy Hạ lúc bấy giờ là “Không đường, không điện, không nước”. Để đến được địa điểm này, chỉ có một con đường mòn duy nhất 25A. Bản chất là kho đạn bí mật của Mỹ, nên vị trí khá độc đạo, biệt lập với bên ngoài. Số hộ dân sống ở vùng này thời đó chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần họ không muốn ở gần kho đạn của Mỹ và sợ rắn lục xanh, rết độc, bọ cạp; phần vì thời tiết khắc nghiệt, đất đai khô cằn. 

Thực hiện “ba tại chỗ”, ông Đô đã huy động công sức bộ đội khoan giếng lấy nước ngọt từ lòng đồi cao. Lượng nước ngọt lúc đó đủ phục vụ xây dựng xưởng trạm, cầu cảng, kho tàng. Giữa cái nắng cháy da cháy thịt, hàng trăm cán bộ chiến sĩ khiêng đá, chuyển cát làm đường, đào hầm hào công sự. Đêm về, cả trăm cán bộ chiến sĩ chỉ có ba cái bóng đèn điện, ngồi trong nhà bạt, nhà chòi sinh hoạt, phổ biến nhiệm vụ. Ngày đó, ở thành Tuy Hạ chỉ K - 862 có điện từ máy phát điện. Người dân quanh vùng còn dùng đèn dầu ma-zut. Xin điện chiếu sáng từ K - 862, nhưng cũng chỉ đến 9 giờ tối là hết. Nhiều chiến sĩ đọc, viết thư dưới ánh đền dầu. Từ 21 giờ đêm trở đi, cả thành Tuy Hạ chìm trong màn đêm. Trong màn đêm dày đặc mìn lá và thuốc súng ấy, những chiến sĩ trẻ ôm súng canh gác cho đơn vị an toàn. Để đem ánh sáng về rừng, đại tá Đô đã lặn lội lên Sài Gòn rồi Sở điện lực Đồng Nai xin kéo điện. Sau gần một tháng thi công, trạm điện 65 KVA hoàn thành. Giữa rừng sâu Căn cứ, lần đầu tiên cán bộ chiến sĩ nhìn thấy bóng đèn ne-on bằng điện thắp sáng. Nước mắt họ trào ra vì sung sướng. Trong khoảnh khắc ấy, trong tim mỗi người nhân lên niềm tự hào. Có sĩ quan đã rưng rưng nước mắt vì xúc động.

Ngày mới

20 năm trước, thành Tuy Hạ được bao bọc bởi rừng lau sậy hoang vu, nhà dân thưa thớt, đường đất khô cằn, khí hậu khắc nghiệt. 20 năm sau, thành Tuy Hạ bây giờ là Căn cứ bảo đảm Kỹ thuật khang trang chính quy hiện đại. Đó là quá trình đổi mới, mà chủ nhân của nó là cán bộ chiến sĩ Căn cứ 696 - những lính biển làm nhiệm vụ trên rừng.

Các chiến sĩ Căn cứ 696 giúp dân Phú Thạnh đắp đê ngăn triều cường.

Với nhiệm vụ là Trung tâm bảo dưỡng, bảo quản, niêm phong, nâng cấp, cất giấu vũ khí, đạn dược tàu hải quân; phục vụ huấn luyện chiến đấu và chiến đấu cho Quân chủng Hải quân phía Nam, cán bộ chiến sĩ Căn cứ 696 luôn tự hào hãnh diện là “những người nuôi đạn dưỡng bom”, và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong xưởng kho nóng bức chật hẹp khiến mồ hôi ướt áo; bàn tay những người thợ thô ráp, dính dầu mỡ cả ngày; nhưng niềm tự hào của cán bộ chiến sĩ không bao giờ vơi cạn. Bởi chính họ là những người tái tạo sức sống cho bom đạn, bảo đảm cho những con tàu bắn trúng mục tiêu trên biển trong thời bình và tiêu diệt kẻ thù trong chiến tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống.

Đi trên con đường mới thênh thang dưới bóng cây mát rượi, ngắm hàng pa nô khẩu hiệu dọc dãy nhà còn thơm mùi sơn mới, tất cả dấy lên niềm kiêu hãnh  khoác trên mình màu áo hải quân phiên hiệu Căn cứ 696 hôm nay.

TRẦN MẠNH TUẤN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh