"Những người con bất tử”: Gần 10 tỉ đồng tri ân các anh hùng liệt sĩ
- Văn hóa - Giải trí
- 17:58 - 17/07/2017
Chương trình “Những người con bất tử” lần thứ 3 có sự tham gia của NSƯT Việt Hoàn, NSƯT Hồng Hạnh, NSƯT Phương Thảo, Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Quân đội và Diễn giả Nguyễn Sơn Lâm – nạn nhân chất độc da cam, con liệt sĩ Nguyễn Văn Miền biểu diễn các ca khúc viết về đề tài thương binh - liệt sĩ và người lính như: Linh thiêng Việt Nam, Vết chân tròn trên cát, Lời ru cỏ non, Mười đóa sen thơm, Mẹ, Cỏ non Thành cổ, Vọng Phu, Con xin ở lại nơi này; Hoa bằng lăng trên phố; Mẹ Việt Nam Anh hùng, Tổ quốc gọi tên mình.
Chương trình Nghệ thuật đặc biệt “Những người con bất tử” gồm 3 phần: Ký ức thời hoa lửa; Những người con bất tử; Thay lời tri ân. Ở phần “Ký ức thời hoa lửa”, khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được giao lưu với Đại tá – Nhà văn Đặng Vương Hưng - một “Chuyên gia thư cũ”, một “Kẻ hành khất” chuyện “Ăn mày dĩ vãng”…
Trong bài báo: Có một “Người hành khất” chỉ xin “Những lá thư thời chiến Việt Nam”, Tiến sĩ - Nhà văn Lê Thị Bích Hồng đã viết: “Xin gửi cho tôi những lá thư được viết trong thời chiến, kèm bút tích hoặc bản photo…; xin hãy giúp tôi ghi chú, thuyết minh thêm: chúng được viết trong hoàn cảnh nào? Tác giả của những bức thư ấy còn sống, hay đã mất? Hiện nay đang làm gì? Ở đâu? và gửi về địa chỉ… hoặc email… Trân trọng cảm ơn Quý ông bà, Quý anh chị”.
Nơi khởi phát lời đề nghị tha thiết ấy, không ai khác đó là Đại tá – Nhà văn Đặng Vương Hưng - tác giả ý tưởng, người khởi xướng và tổ chức nhiều công trình tác phẩm “Sưu tầm và với thiệu” độc đáo và đặc biệt xuất sắc. Một “Chuyên gia thư cũ”, một “Kẻ hành khất” chuyên “Ăn mày dĩ vãng” mốt mải săn tìm những kỷ vật của một thời rực màu hoa lửa từ các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược của dân tộc. Người có duyên khơi nguồn cho hàng trăm cuốn sách tư liệu vô giá ra đời (trong đó có Nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”…)
Đại tá – Nhà văn Đặng Vương Hưng đã có nhiều năm phục vụ trong lực lượng vũ trang. Trong vòng 10 năm trở lại đây, Nhà văn Đặng Vương Hưng được biết đến với vai trò là tác giả ý tưởng và trực tiếp thực hiện thành công nhiều công trình tác phẩm tiêu biểu như: “Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam”; Sưu tầm và giới thiệu Những kỷ vật thời chiến (2008 – 2010); công trình sáng lập Tủ sách “Chuyện đời tôi”; công trình sáng lập web Cộng đồng Lục bát Việt Nam và tổ chức Lễ hội thơ Lục bát hàng năm; công trình “Sưu tầm và tuyên truyền” kỷ vật lịch sử Công an nhân dân (2012 – 2015); công trình Những trang sách vàng Công an nhân dân… Các công trình tác phẩm của nhà văn Đặng Vương Hưng có giá trị cao về nội dung tư tưởng và mang tính nhân văn sâu sắc; có tác dụng lớn phục vụ phong trào và sự nghiệp cách mạng; có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài trong đời sống nhân dân; đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và phát triển nhận thức xã hội; góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.
Hiện nay, với tư cách là tác giả ý tưởng, Nhà văn Đặng Vương Hưng đang tiếp tục hoàn thành 2 dự án là cuộc vận động xây dựng Tượng đài và Đền thờ Thánh Võ; Lễ hội Võ Việt và Giải thưởng Võ Nguyên Giáp và cuộc vận động Tự hào Việt Nam (xây dựng cụm Tượng đài Hải đăng – Chiến thắng Bạch Đằng; Đề thờ các Vua Hùng và Thánh Bất Tử tại Trường Sa và đảo Phú Quốc. Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7/2017, Nhà văn Đặng Vương Hưng được Bộ LĐ-TB&XH và Hội Nhà báo Việt Nam trao Giải Đặc việt cho công trình tác phẩm “Những lá thư thời chiến Việt Nam”.
Trong phần Những người con bất tử, chương trình sẽ giới thiệu với khán giả màn ảnh nhỏ một nhân vật hết sức đặc biệt đã ở vào lứa tuổi “xưa nay hiếm” nhưng “nặng nợ ân tình” với đồng bào, đồng chí và luôn đeo đuổi ước mơ “phải đi và phải đến, phải gặp và phải vẽ cho kỳ được chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống và chân dung các Anh hùng LLVTND trên đất nước Việt Nam như một lời tri ân”. Ước mơ ấy được bà ấp ủ từ khi còn là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, nhưng phải đợi đến lúc về hưu mới có cơ hội để thực hiện. Đó là Họa sĩ Đặng Ái Việt, 69 tuổi quê ở Tiền Giang, hiện cư trú tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, nguyên Trưởng phòng Đào tạo, nguyên Trưởng phòng Công tác Chính trị Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.
Họa sĩ Đặng Ái Việt từng tham gia du kích với cái tên út Trầm từ năm 16 tuổi, từng được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, nên thấu hiểu những mất mát, đau thương mà những người vợ, người mẹ, người chị có chồng, con hy sinh trong kháng chiến từng chịu đựng. Do đó, mỗi bức tranh bà vẽ ra là cả tấm lòng tri ân sâu sắc xuất phát từ sâu thẳm con tim”.
Trong thời gian hơn 4 năm thực hiện dự án họa sĩ Đặng Ái Việt đã vẽ 1475 chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng, từ tháng 6/2013 họa sĩ Đặng Ái Việt lại tiếp tục thực hiện dự án về chân dung các Anh hùng LLVTND. Đến nay, có 210 Anh hùng LLVTND đã được bà chụp ảnh và vẽ ký họa. Họa sĩ Đặng Ái Việt tâm sự: “Có những người tôi vừa vẽ họ vừa khóc. Nhìn họ mà tôi thấy họ vĩ đại quá. Có người khi kể lại chuyện ngày xưa đã khóc vì thương nhớ đồng đội đã hy sinh không thể trở về. Tôi sẽ hiến toàn bộ số tranh này cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để lưu giữ hình ảnh các bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và Anh hùng LLVTND cho các thế hệ mai sau, bởi chỉ vài chục năm nữa, chúng ta sẽ không còn cơ hội được nhìn thấy các Mẹ Việt Nam Anh hùng và Anh hùng LLVTND ấy nữa. Thời gian không chờ đợi ai.”
Đặc biệt, ở phần Thay lời tri ân, thông qua phóng sự “Quảng Trị và nghĩa tình đồng đội”, khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được chứng kiến hoạt động tri ân đồng đội của các Cựu chiến binh Trung đoàn 27 nói riêng, và nhân dân cả nước nói chung đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc (đặc biệt là các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị) những năm qua. Thông qua phóng sự này, khán giả màn ảnh nhỏ còn được chứng kiến những tổn thất và hy sinh to lớn của một trung đoàn chủ lực cơ động của Mặt trận B5 trong chiến tranh chống Mỹ, đó là: Trong 5 năm chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị (tháng 3/1968 đến tháng 3/1973) Trung đoàn 27, Sư đoàn 390, Quân đoàn 1 có gần 2500 liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Quảng Trị nhưng đến nay vẫn còn 1840 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, để lại nỗi đau dai dẳng cho chúng ta và thân nhân liệt sĩ.
Nguyện vọng của các Cựu chiến binh Đại đội 16, Trung đoàn 27 là xây dựng khu tưởng niệm liệt sĩ để khắc tên liệt sĩ lên bia đá và xây dựng Đền thờ liệt sĩ làm “ngôi nhà chung” chiêu tập vong linh các liệt sĩ vào thờ phụng tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Dự án công trình văn hóa tâm linh này được thực hiện từ ý tưởng và chỉ đạo thi công của Cựu chiến binh – Nhà báo Nguyễn Văn Á có 6 hạng mục công trình gồm: “Khu tưởng niệm 81 Liệt sĩ Đại đội 16”; “Khu tưởng niệm 2500 liệt sĩ Trung đoàn 27” và “Bia chiến tích Khẩu đội 5”; “Đền thờ 2500 liệt sĩ Trung đoàn 27”; Tượng đài “Mãi mãi tuổi 20”; Tượng đài “Non sông thống nhất”; các công trình phụ trợ với tổng mức đầu tư hơn 12 tỷ đồng.
Được sự giúp đỡ của các nhà tài trợ, năm 2013, Cựu chiến binh – Nhà báo Nguyễn Văn Á và Ban liên lạc Cựu chiến binh Đại đội 16, Trung đoàn 27 đã khởi công xây dựng xong “Khu tưởng niệm 81 liệt sĩ Đại đội 16”; Năm 2016 tiếp tục khởi công xây dựng xong “Khu tượng niệm 2500 liệt sĩ Trung đoàn 27” và “Bia chiến tích Khẩu đội 5”. Để thiết thực tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân dịp Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7/1947 – 27/7/2017, vừa qua Cựu chiến binh – Nhà báo Nguyễn Văn Á và Ban liên lạc Cựu chiến binh Đại đội 16, Trung đoàn 27 đã khởi công xây dựng “Đền thờ 2500 liệt sĩ Trung đoàn 27” để làm địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc về sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí, công trình “Đền thờ 2500 liệt sĩ Trung đoàn 27” và các hạng mục như: Tượng đài “Mãi mãi tuổi 20”, Tượng đài “Non sông thống nhất”, và các công trình phụ trợ… vẫn rất cần sự chung tay góp sức của cộng đồng, vẫn rất cần sự đồng hành của những người hảo tâm để thắp nén hương thiêng tri ân các anh hùng liệt sĩ trong thời gian tới.
Thông qua phóng sự của chương trình này, ngoài việc tri ân đồng đội, khán giả màn ảnh nhỏ còn được chứng kiến các Cựu chiến binh của Trung đoàn 27 tặng quà, tặng sổ tiết kiệm cho thân nhân liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, học sinh nghèo… của tỉnh Quảng Trị cũng chính là để tri ân Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị đã chung lưng đấu cật, đùm bọc cưu mang Trung đoàn 27 trong những tháng năm “Ăn cơm bờ Bắc, đánh giặc bờ Nam” vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Chương trình Nghệ thuật đặc biệt “Những người con bất tử” lần thứ 3 là hoạt động “Uống nước nhớ nguồn” để tặng sổ tiết kiệm, tặng quà cho thân nhân liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, Cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua chương trình, Ban tổ chức sẽ tặng 70 sổ tiết kiệm (mỗi sổ trị giá 5 triệu đồng); tặng 70 suất quà (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) cho thân nhân liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, cựu TNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đồng thời xây dựng “Đền thờ 2500 liệt sĩ Trung đoàn 27”, Tượng đài “Mãi mãi tuổi 20”, Tượng đài “Non sông thống nhất”… tại “Khu tưởng niệm 2500 liệt sĩ Trung đoàn 27” ở xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị với sô tiền gần 10 tỷ đồng.
Sau 3 lần tổ chức, chương trình “Những người con bất tử” lần thứ 3 đã tặng gần 400 sổ tiết kiệm, tặng hơn 1000 suất quà cho các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước; đồng thời xây dựng “Đền thờ 2500 liệt sĩ Trung đoàn 27”, Tượng đài “Mãi mãi tuổi 20”, Tượng đài “Non sông thống nhất”… tại “Khu tưởng niệm 2500 liệt sĩ Trung đoàn 27” ở xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị với số tiền hơn 12 tỷ đồng.