THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:57

Những người chịu trách nhiệm vụ hỏa hoạn quán karaoke có thể bị mức án 12 năm tù

 

Theo đó, luật sư Trương Anh Tú, Trưởng VPLS Trương Anh Tú (Đoàn LS thành phố Hà Nội) cho biết, hiện cơ quan điều tra chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân gây cháy, do đó việc xác định trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự hay trách nhiệm hình sự của các bên liên quan xác định theo từng trường hợp khác nhau. Các bên có liên quan trong vụ cháy bao gồm: Chủ cơ sở kinh doanh karaoke; Đại diện bên thi công biển quảng cáo; Thợ hàn trực tiếp biển hiệu quảng cáo và chính quyền địa phương nơi trực tiếp quản lý kinh doanh cơ sở nhà hàng karaoke.
Vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng *ảnh Chu Lương)
Đối với chính quyền địa phương nới trực tiếp quản lý cơ sở kinh doanh có trách nhiệm kiểm tra về giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy (PCCC), Nghị định 79/2014/NĐ-CP có ban hành kèm theo danh mục các cơ sở thuộc diện phải thông báo với cơ quan  cảnh sát PCCC về việc bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC của Chủ cơ sở karaoke, trước khi đưa vào sử dụng hay không. Trong trường hợp Chủ cơ sở karaoke cần phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC trước khi đưa vào, sử dụng mà lại không có, thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Các văn phòng xung quanh khu vực bị cháy di dời tài sản (ảnh chu Lương)
Như vậy, trong trường hợp chính quyền địa phương thực hiện đúng trách nhiệm kiểm tra, giám sát công tác trật tự, an toàn PCCC của chủ cơ sở karaoke có xử lý vi phạm, hoặc nhắc nhở đối với chủ cơ sở thì rất khó qui kết trách nhiệm. Do đó nhiệm vụ của Cơ quan điều tra là cần xác định rõ nguyên nhân chính gây cháy để xác định trách nhiệm đối với các bên trong vụ việc.
Cách xa hàng km vẫn nhìn thấy rõ vụ cháy (ảnh Chu Lương)
Trường hợp chủ cơ sở kinh doanh khi chưa đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động kinh doanh để xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng về người và của, ngoài việc không có Giấy phép kinh doanh, hoặc không có đủ điều kiện ANTT và PCCC mà vẫn hoạt động kinh doanh, thì bên cạnh hành vi vi phạm hành chính sẽ bị xử phạt hành chính tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật hình sự:
Vụ cháy khiến lực lượng cứu hỏa gần như ...chào thua    (ảnh Chu Lương)
Điều 240. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy:
1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. 
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến tám năm. 
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Nhiều chiến sĩ PCCC, cứu hộ bất chấp hiểm nguy tính mạng tìm cách giải cứu nạn nhân (ảnh Chu Lương)
Trách nhiệm của nhóm thợ hàn biển quảng cáo khi thi công không đảm bảo an toàn gây nên hỏa hoạn?
Trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ xác định nguyên nhân xảy ra vụ hỏa hoạn là do nhóm thợ hàn biển quảng cáo, khi thi công không đảm bảo an toàn gây nên hỏa hoạn, thì người thợ trực tiếp hàn đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 240 Bộ luật hình sự.
Ngoài trách nhiệm hình sự thì người vi phạm còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra theo qui định của pháp luật.Trong trường hợp xác định nhóm thợ thi công hàn xì được thuê mướn thì người chủ thi công (nếu có) phải có trách nhiệm liên đới bồi thường dân sự vì đã không áp dụng biện pháp bảo hộ, và đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng lao động nên đã gây hậu quả thiệt hại về người, tài sản.
Hàng trăm chiến sĩ cảnh sát PCCC, quân đội, Bộ tư lệnh thủ đô được điều động tham gia chữa cháy (ảnh Chu Lương)
Về trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân và các cơ sở bị cháy lây, theo LS Trương Anh Tú, theo qui định tại Điều 307 Bộ luật dân sự qui định thì người nào gây thiệt hại cho các nạn nhân và các cơ sở bị cháy lây phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại, cụ thể:
“1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần.  2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. 3. Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe,danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại”.
LS Trương Anh Tú nhận định, vụ hỏa hoạn gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, cướp đi mạng sống của 13 người, do đó nếu bị kết tội, những đối tượng liên quan sẽ bị mức án cao nhất lên đến 12 năm tù giam.
Nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định chủ cơ sở đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các qui định về phòng cháy chữa cháy như chưa được cấp Giấy phép PCCC…để dẫn tới hậu quả làm nhiều người chết, thiệt hại về tài sản thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật hình sự.
Gần 10 giờ đồng hồ chiến đấu, lực lượng chức năng mới dập tắt hoàn toàn vụ hỏa hoạn (ảnh Chu Lương)
Để truy cứu trách nhiệm hình sự thì cần phải xác định rõ cụ thể qui định nào mà chủ cơ sở vi phạm về phòng cháy chữa cháy. Mặt khác, phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm của chủ cơ sở là nguyên nhân dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng đã xảy ra. 
Do vậy, trong vụ việc này, Cơ quan điều tra cần phải xác định được nguyên nhân gây cháy do hành vi nào của chủ cơ sở là nguyên nhân chính mới có thể qui trách nhiệm cho chủ cơ sở. Trong trường hợp xác định nhóm thợ hàn đã thi công xong biển hiệu quảng cáo thì cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho nhóm thợ này. Bởi vì nếu chủ cơ sở trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn PCCC ( thiết bị báo cháy như: Trung tâm báo cháy, đầu báo khói nhiệt, chuông báo cháy, nút nhấn khẩn... và các thiết bị chữa cháy như máy bơm, bình chữa cháy, cuộn vòi, lăng phun…) thì có thể hoàn toàn khắc phục kịp thời các nguy cơ cháy nổ xảy ra.

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh