THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 08:14

Những nghệ sĩ tuổi Hợi thành danh

Nhạc sĩ Trần Tiến



Sinh năm Đinh Hợi (1947), nhạc sĩ du ca Trần Tiến có rất nhiều ca khúc đã đi vào lòng người, như “Vết chân tròn trên cát”, “Tạm biệt chim én”, “Chiếc vòng cầu hôn”, “Thành phố trẻ”, “Giai điệu Tổ quốc”...

Tự nhận tuổi Đinh Hợi mang lại cho mình sự tài hoa, nổi tiếng, giàu tình cảm nhưng nghèo vật chất. Bởi mãi đến quá nửa đời người nhạc sĩ Trần Tiến mới có ngôi nhà của riêng mình mà không phải đi ở nhờ. Nhưng bù lại, với cách sống phóng khoáng, hết mình vì bạn bè, nhạc sĩ Trần Tiến đi đến đâu cũng được quý mến "thế là sướng nhất rồi".

Diễn viên Khánh Huyền



Sinh năm Tân Hợi (1971), Khánh Huyền dường như còn rất trẻ so với tuổi của mình. Ở cái độ tuổi mà nhiều phụ nữ đã "toan về già" nhưng vẻ đẹp trên khuôn mặt chị không có chút gì nhạt phai mà còn có phần mặn mà, đằm thắm hơn qua năm tháng. Không chỉ thành công với vai trò của một diễn viên mà chị còn là một MC được nhiều người yêu thích.

Trong cuộc sống hằng ngày, Khánh Huyền tự nhận là người khá giản dị và an phận, có lẽ do ảnh hưởng bởi con vật mà chị cầm tinh. Huyền tuổi Hợi nên từ nhỏ vốn nhút nhát, không tự tin trước chốn đông người. Trên màn ảnh, chị cứng rắn mạnh mẽ, đanh đá bao nhiêu thì ngoài đời, chị điềm đạm và ôn hòa bấy nhiêu. Chị bảo mình không bon chen, không khao khát điều gì vượt qua khả năng và cũng không đố kỵ với ai. Chị thích nhất là được chăm sóc gia đình. Với Khánh Huyền, niềm mong muốn lớn nhất trong năm mới là hai đứa con khôn lớn, mạnh khỏe.

Diễn viên Lan Phương



Tuổi Quý Hợi (1983), Lan Phương đồng thời vừa là một nghệ sĩ kịch nói, nghệ sĩ múa, diễn viên điện ảnh, diễn viên truyền hình. Lan Phương là người Hà Nội gốc, 10 tuổi cô theo gia đình vào Vũng Tàu sinh sống và rồi gắn bó cuộc sống của mình với mảnh đất Sài thành. Thuộc số không nhiều những nghệ sĩ khiến công chúng phải nể vì ngoài năng khiếu nghệ thuật, cô học hành cũng "ra tấm ra món", nhiều người còn tỏ ra ngạc nhiên khi biết Lan Phương từng tham gia trợ giảng bộ môn múa; là Đại sứ  hòa bình của Việt Nam (năm 1998 và 2008) tại Fukuoka, (Nhật Bản) trong chương trình Asian - Pacific children's convention...

Tham gia nhiều phim, nhưng đến vai diễn Mai Lan trong bộ phim truyền hình dài tập “Cô gái xấu xí”, Lan Phương mới bắt đầu được công chúng biết mặt. Bằng những nỗ lực không mệt mỏi dành cho nghề, cô thử sức ở nhiều dạng vai khác nhau, không đóng khung mình ở một dạng nhân vật, với những bộ phim như: "Những thiên thần áo trắng", "Những người con của chiến sĩ biệt động Sài Gòn", "Chuyện chung cư", "Những nàng công chúa nổi tiếng" (được chuyển thể và Việt hóa từ phim gốc cùng tên của   Hàn Quốc).

Lan Phương còn là gương mặt nổi bật của sân khấu kịch Phú Nhuận với những vai diễn "khó nhằn". Là chủ nhân của những giải thưởng: Diễn viên xuất sắc cuộc thi Biểu diễn tài năng nghệ thuật múa toàn quốc 2002, Diễn viên xuất sắc nhất trong Liên hoan ca múa nhạc các trường nghệ thuật toàn quốc 2004, Giải nhất múa đơn Liên hoan Giai điệu quê hương 2005, Huy chương vàng Hội diễn sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc cho vai Thu trong vở "Mẹ và người tình" 2009.

Nghệ sĩ Tiến Hợi



Sinh năm Kỷ Hợi (1959), nghệ sĩ Tiến Hợi được coi là một trong những nghệ sĩ thành công nhất trong vai diễn về Bác Hồ. Quê tại Nghệ An nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, dù sống ở Hà Nội nhưng giọng nói, sự giản dị thuần khiết của người dân xứ Nghệ đã thấm đẫm vào con người anh, đó là sự thuận lợi khi anh nhập vào vai diễn Bác Hồ.

Năm 1987 khi công tác tại Đoàn nghệ thuật Trường Sơn, anh vinh dự được lãnh đạo đoàn giao cho vai diễn Bác Hồ trong vở “Đêm trắng”. Vở diễn đã thành công và gây được ấn tượng mạnh trong lòng khán giả về vai diễn Bác Hồ, để sau đó anh tiếp tục đến với hàng loạt vai diễn về hình tượng Bác trên sân khấu.

Ở mảng điện ảnh, nghệ sĩ Tiến Hợi cũng rất thành công vai Bác Hồ - Nguyễn Tất Thành trong phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” và vai Bác Hồ trong bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 1946”. Trong suốt quá trình được tham gia, đảm nhận vai diễn về Bác Hồ, nghệ sĩ Tiến Hợi phải tự nghiên cứu, tìm hiểu về vai diễn của Bác trong từng bộ phim, thời kỳ, bởi hình ảnh của Bác đã ăn sâu vào tâm trí của người dân Việt. Để khán giả đón nhận, ngay cả giọng nói của Bác, từ phong thái, âm sắc phải thật chuẩn, điều đó đã thực sự là áp lực lớn của vai diễn đòi hỏi sự khổ luyện của người nghệ sĩ.

“Tôi cho rằng trong 12 con giáp thì con lợn là con vật lành nhất. Người tuổi Hợi nhìn chung đều khoẻ mạnh, là tuổi "hay ăn chóng lớn". Người tuổi Hợi rất ít người làm quan, nhưng hay gặp may mắn trong cuộc sống, cũng như trong công việc. Năm 1987, tôi được thể hiện hình tượng Bác Hồ trong vở “Đêm trắng”. Đó là may mắn lớn nhất đời tôi. Và từ nhân vật ấy đã tạo nên một sức bật lớn để rồi sau đó, tôi luôn được giao đảm nhận các vai diễn về Bác Hồ”, nghệ sĩ Tiến Hợi chia sẻ.

Người mẫu Thanh Hằng



Sinh năm Quý Hợi (1983), người đẹp cao 1m75 này gây ấn tượng mạnh với đôi chân dài miên man, chỉ vài giây ngắn ngủi xuất hiện trong một bộ phim điện ảnh, nhưng thương hiệu "cô gái có đôi chân dài nhất Việt Nam" nghiễm nhiên vận vào tên Thanh Hằng. Nhắc đến cô nhiều người còn dùng chỉ số vàng chiều dài của đôi chân để gọi "Thanh Hằng 1m12".

Với số đo ba vòng: 80-60-90 cm, Thanh Hằng được biết đến với danh hiệu Hoa hậu qua ảnh báo Phụ Nữ Việt Nam. Sau đó Thanh Hằng sớm thành danh và nổi tiếng ở vai trò người mẫu, với rất nhiều giải thưởng như Người mẫu xuất sắc năm 2004 - 2005, Giải thưởng Người mẫu xuất sắc năm 2006, Top 10 hoa hậu liên lục địa. Cùng với thời gian, những kinh nghiệm, thành tích của Phạm Thanh Hằng càng dày lên, cô trở thành một trong những gương mặt sáng giá nhất của sàn catwalk Việt, cô tham gia những show diễn thời trang lớn trong và ngoài nước, có mặt trên những trang bìa tạp chí hàng đầu, xuất hiện trên các chương trình truyền hình về thời trang… Thanh Hằng không chỉ thể hiện là một chân dài với tác phong chuyên nghiệp trên sàn diễn, mà còn khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi thái độ lao động nghiêm túc, không scandal. Thanh Hằng còn gây bất ngờ bởi cô từng đoạt 30 huy chương các loại về môn thể thao đá cầu; là một hình tượng đẹp của thời trang Việt.

BẢO CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh