CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:05

Những nghề không lo thất nghiệp

Việc “chờ” người

Chúng tôi thăm xưởng của anh Nguyễn Văn Hương, lô số 7, Cụm công nghiệp Xương Giang, TP Bắc Giang lúc xế chiều. Tiếng búa, tiếng máy hàn, máy phun sơn…vang lên rộn rã, mọi người ai làm việc nấy. Gần chiếc ô tô chở khách 35 ghế ngồi hãng Toyota, ông chủ Hương dứt khoát từng động tác vặn nốt những chiếc ốc vít và bấm nút điều khiển hạ hai cầu nâng xuống đất, hoàn tất công việc sửa chữa xe.

Lau vội mồ hôi trên trán, anh cho biết: “Chúng tôi bận lắm, trừ hơn một tiếng đồng hồ nghỉ trưa thì từ sáng đến giờ không lúc nào ngơi tay. Bình quân mỗi ngày xưởng của tôi sửa chữa từ 4-5 xe ô tô các loại”.

Tại khu xưởng rộng 100m², 8 thợ chính và 7 thợ phụ thay nhau làm việc tất cả các ngày trong tuần, chuyên  sửa các loại ô tô, máy xúc, đầu kéo…. Thợ chính có tay nghề cao được trả lương từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Cửa hàng sửa chữa đồ điện tử của anh Trương Văn Hiên ở thôn Phương Lạn, xã Phương Sơn (Lục Nam) cũng luôn tấp nập khách. Học xong THPT, không thi đỗ đại học, anh đến cửa hiệu sửa chữa điện tử của người anh họ vừa học vừa làm. Thạo nghề, sau ba năm, anh mở hiệu làm riêng. Anh Hiên cho biết: “Cửa hàng nhỏ, chỉ rộng khoảng 10 m² nhưng rất nhiều việc, làm không xuể. Tôi phải thuê thêm thợ mà có khi vẫn trễ hẹn với khách”.

Có tay nghề lao động dễ dàng có việc làm và thu nhập ổn định

Những cánh thợ xây ở các vùng quê giờ đây cũng làm không hết việc. Anh Thân Văn Thành ở thôn 3, xã Hương Lạc (Lạng Giang), trưởng một nhóm thợ cho biết, các anh có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định. Nhóm gồm 7 người, mức tiền công cho thợ lành nghề khoảng 200 nghìn đồng/người/ngày, thợ phụ 140 nghìn đồng/người/ngày. Theo anh, nghề này cần sức khỏe, chăm chỉ làm việc và chịu khó học hỏi, nếu khéo tay càng tốt. Bất kể thời điểm nào, hễ bà con trong, ngoài xã gọi là anh sắp xếp chia người đến làm. Do nhóm nhỏ, vốn ít nên anh Thành không dám nhận những công trình lớn mà chuyên sửa chữa, xây dựng, làm mới nhà ở có kết cấu đơn giản cho hộ dân nông thôn và xây dựng mương máng…

 “Hiện nay, có nhiều người thành lập nhóm thợ xây, mỗi nhóm từ 5-7 người. Anh em theo nghề thường là người trung tuổi hoặc thanh niên học xong THPT. Người mạnh dạn hơn thì làm đầu cánh nhận công việc từ chủ thầu lớn cho khoảng 20-30 người làm”. Anh Thành cho biết thêm.

Công việc hằng ngày là “trường nghề”

Trên thực tế, nhiều công nhân hay chủ xưởng sản xuất, sửa chữa thạo nghề nhờ rèn luyện và học việc tại nơi mình làm mà không qua đào tạo tại trường lớp. Anh Nguyễn Văn Hải, chủ xưởng sửa chữa ô tô tại thị trấn Chũ (Lục Ngạn) là một trong những người lập nghiệp như thế. Có học lực khá nhưng kinh tế gia đình khó khăn nên anh nghỉ học giữa chừng, sau đó xin vào làm việc tại Công ty TNHH Bắc Âu (TP Bắc Giang).

Sau ba tháng học việc, khi sửa chữa được những hỏng hóc thông thường, anh được trả mức lương tương đương với thợ phụ (khoảng 3 triệu đồng/tháng). Nhờ chăm chỉ, chịu khó, sáng ý, ba năm sau, anh trở thành thợ giỏi. Khi đã có tay nghề cùng với số vốn tích cóp bấy lâu, năm 2007, anh quyết định về quê mở cửa hàng sửa chữa ô tô. Cơ sở của anh hiện tạo việc làm cho 12 lao động với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

“Mới vào học việc ai cũng phải tập nhận biết, tháo, lắp từ những con ốc, vít sau đó đến các bộ phận máy móc phức tạp hơn. Thông thường sau 2 - 3 năm là thạo việc trở thành thợ chính, nhiều người trở thành thợ giỏi, biết điều khiển và đọc hiểu cả những thông số kỹ thuật phức tạp trên phương tiện hiện đại. Một số lao động làm việc tại xưởng của tôi khi giỏi nghề cũng đã tách ra làm riêng”. Anh Hải chia sẻ.

Nghe chúng tôi trò chuyện, một thanh niên đang thay chiếc cần gạt nước cho xe taxi cạnh đó nói: “Em tốt nghiệp khoa sửa chữa ô tô tại một trường cao đẳng nghề song do ít được thực hành nên vẫn không thạo việc bằng những anh học nghề ba năm ở đây”.

Với nghề thợ xây, hầu như ai cũng bắt đầu bằng những công việc đơn giản nhất như quét dọn, trộn vữa, xách vữa, tiếp gạch, đóng đinh... Sau đó học cách cầm dao xây, đặt gạch, trát vữa... Những người sáng ý dần trở thành thợ chính. Công trình muốn đẹp, bền thì sự khéo léo và kinh nghiệm của người thợ xây rất quan trọng… Ấy là mấy người thợ tóc đã hoa râm đang ngồi giải lao, rít thuốc lào sòng sọc tại công trình xây dựng chợ Hợp Đức, xã Hợp Đức (Tân Yên) nói vậy. Lớp thợ đi trước làm “thầy” dạy lớp thợ sau trên chính những công trình nơi họ làm việc.

Khó có thể kể hết những nghề tương tự như vậy, tưởng chừng đơn giản nhưng đã góp phần giải quyết việc làm cho lực lượng đáng kể lao động ở cả nông thôn và thành thị. Cũng nhờ những nghề này mà nhiều gia đình có nguồn thu nhập ổn định, gây dựng được cơ ngơi đàng hoàng.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh