CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:02

Những ngành nghề nào “hot” năm 2019?

 

Trao giải thưởng Vietnam HR Awards 2018 do Báo LĐ&XH tổ chức.

 

Những ngành nghề dần “mất chỗ đứng” 

Nghề bác sĩ hiện đang được coi là nghề “cực hot”, bởi thực tế cho thấy nhiều người làm nghề này đang rất được xã hội trọng vọng và có thu nhập rất tốt. Tuy nhiên, vào cuối năm 2017, cuộc thi đấu giữa AI với con người đã diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc), ở đó hệ thống BioMind (sản phẩm hợp tác phát triển của Bệnh viện Tiantan Bắc Kinh (Trung Quốc) đã đánh bại một nhóm gồm 15 bác sĩ hàng đầu trong việc chẩn đoán khối u não và dự đoán sự mở rộng của các khối máu tụ trong não. Hệ thống BioMind và công ty khởi nghiệp Hanalytics tại Singapore thực chất là một dạng trí tuệ nhân tạo (AI). Nó cho thấy một khả năng trong tương lai không xa, đó là máy móc cũng có khả năng thay thế con người trong một lĩnh vực vô cùng khó khăn, phức tạp là chăm sóc sức khỏe.Mặc dù mới chỉ phát triển ở mức khá sơ khai và phân tán với một số chuyên khoa, nhưng điều này đã chỉ ra một “nguy cơ”, đó là rất có thể sắp tới đây nhiều bác sĩ sẽ… thất nghiệp khi bị máy móc “lấy” mất chỗ làm việc!

Nhiều nhà nghiên cứu công nghệ đã rất tự tin khi tuyên bố rằng, với AI thì phần lớn các khả năng của con người đều sẽ được thay thế bởi máy móc. Nếu như trước đây, robot từng được coi là “mối đe dọa” với nhiều ngành nghề sản xuất, như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, cơ khí chế tạo, sản xuất điện tử… thì hiện giờ, sự “nâng cấp” của công nghệ với AI - đại diện tiêu biểu cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn khiến cho nhiều ngành nghề khác không còn thuộc “độc quyền” của con người. Đó có thể là: Nhân viên bán hàng, nhân viên giao dịch ngân hàng, nhân viên giao hàng, thư ký văn phòng… và hàng chục, hàng trăm công việc, ngành nghề khác.

Ở Việt Nam, diễn biến của thị trường lao động cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển chung của thế giới. Với chủ trương ưu tiên ứng dụng các thành tựu tiên tiến của cách mạng công nghiệp 4.0 mà Chính phủ đề ra, nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực thời gian gần đây đã đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghệ nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả của hoạt động sản xuất, dịch vụ, kinh doanh.

Cách đây ít lâu, khi bàn về khả năng đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực dệt may, không ít người đã tỏ ra lo lắng khi điều này vô hình chung sẽ khiến cho hàng chục, hàng trăm ngàn người lao động bị “đẩy ra đường”. Bởi nói gì thì nói, bàn tay người lao động không thể thao tác nhanh và chính xác bằng máy móc - tức cả chất lượng và năng suất đều thua kém. Đó là chưa nói đến việc “nuôi” một cỗ máy chắc hẳn sẽ ít tốn tiền hơn so với trả lương cho số người lao động có thể cho ra một lượng sản phẩm tương đương.

Với tư duy của nhà kinh doanh, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo thay thế con người chắc chắn mang lại nhiều lợi ích kinh tế hơn. Do đó, không ít doanh nhân đã thẳng thừng tuyên bố, nếu có điều kiện họ sẵn sàng tự động hóa tất cả những công việc máy móc có thể đảm nhiệm được!

Không riêng gì doanh nhân, mà cả một số người làm việc trong các lĩnh vực nghệ thuật như sáng tác, hóa âm - phối khí âm nhạc, thiết kế mỹ thuật công nghiệp… cũng đã từng bước “nhờ” trí tuệ nhân tạo hỗ trợ công việc của mình. Thậm chí có nhạc sĩ còn nghĩ tới khả năng, họ chỉ làm nhiệm vụ điều khiển, còn máy sẽ đảm nhiệm toàn bộ công việc sáng tác - tức họ tính tới khả năng “chuyển nghề” từ người sáng tác nhạc sang thành người… vận hành máy móc công nghệ.

Những nghề nào sẽ “lên ngôi”?

Có khá nhiều bộ phim viễn tưởng phác họa bức tranh về cuộc sống trong tương lai: Trí tuệ nhân tạo không chỉ làm thay con người, mà thậm chí còn thống trị cả xã hội loài người. Đó là lý do khiến cho bên cạnh những người tỏ ra hào hứng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, cũng có không ít người tỏ ra quan ngại.

Nhưng đó là câu chuyện của tương lai khá xa, có thể hàng trăm năm sau nếu thế giới không có những biến động lớn về kinh tế - chính trị. Còn nhìn vào tương lai gần, ngay trong năm 2019 này, những tác động tích cực của công nghệ - cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn là chủ đạo. Những thay đổi mà nó tạo ra chủ yếu vẫn hướng tới việc tạo ra thêm nhiều giá trị cho cuộc sống, bao gồm cả những thay đổi trong cơ cấu lao động, nghề nghiệp.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia việc làm, trong năm 2019, ngành tài chính, đầu tư chính là ngành nghề được tuyển dụng nhiều nhất. Theo dự báo của VietnamWorks, danh sách top 10 những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất năm 2019 gồm: Tài chính, đầu tư, bán hàng, hành chính, thư ký, kế toán, IT, phần mềm, marketing, chăm sóc khách hàng, kiểm toán, internet, online media và xây dựng.

Riêng tại TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, theo chuyên gia thị trường lao động, nhu cầu lao động gắn liền với tốc độ phát triển kinh tế. Những ngành nghề như kỹ thuật phần mềm, an toàn thông tin, thương mại điện tử, marketing điện tử, kiến trúc - xây dựng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao… sẽ phát triển rất nhanh, với nhu cầu tuyển dụng một số lượng lao động rất lớn. Các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước sẽ tuyển nhiều nhân lực về kinh tế, tài chính, kỹ thuật. Doanh nghiệp tư nhân hiện với hơn 300.000 công ty cũng sẽ tập trung đẩy mạnh việc thu hút nhân lực ở những lĩnh vực trên.

Nền tảng tuyển dụng TopDev cho biết, 5 ngôn ngữ lập trình được trả lương cao nhất hiện là Python, .NET, PHP, JAVA và C++. Trong đó, C++ vẫn đứng đầu với mức lương có thể lên đến 27,6 triệu đồng/tháng (khoảng 1.185 USD). Những lập trình viên làm việc tại TP HCM sẽ có mức thu nhập cao hơn so với khu vực khác.

Đặc biệt, việc ứng dụng AI vào các sản phẩm trong thời gian gần đây tăng mạnh nhưng thị trường IT vẫn chưa bắt kịp và dần trở nên khan hiếm các kỹ sư làm công nghệ này. Dù mức lương hiện đã chạm mốc 500 triệu đồng mỗi năm (khoảng 22.000 USD) nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó tìm ra ứng viên phù hợp. Đa phần phải chọn giải pháp đào tạo từ chính những nhân viên lâu năm, đang làm việc tại các dự án có liên quan đến công nghệ này.

Thời của một số “nghề đặc biệt”

Bên cạnh những ngành nghề có sự tăng trưởng dựa vào phát triển công nghệ, còn có một số ngành nghề được dự báo sẽ “lên ngôi” khi mức sống của một bộ phận người dân được nâng cao, nhu cầu hưởng thụ trở nên đa dạng hơn.

Nghề làm vườn (bao gồm ươm trồng, chăm sóc và tạo dáng cây hoa kiểng) là ví dụ điển hình. Trong khoảng 4, 5 năm trở lại đây, nghề này đã nổi lên là nghề có thu nhập cao và ổn định. Không ít cơ sở ươm trồng, kinh doanh cây kiểng ở vùng lân cận TP.HCM đã có thu nhập nhiều tỷ đồng mỗi năm.

Nghề cung cấp dịch vụ biểu diễn nghệ thuật và nghệ sĩ, ca sĩ cũng cho thấy sự “ăn nên làm ra” đáng kể, không chỉ với mức thù lao tăng gấp hàng chục lần so với trước, mà tần suất hoạt động cũng trở nên dày đặc hơn. Không chỉ những hệ thống thiết bị chuyên nghiệp cùng những nghệ sĩ hạng “sao” mới đắt khách, mà những nhà cung cấp dịch vụ biểu diễn khá nghiệp dư cũng đắt khách, có nhiều thời điểm làm không hết việc.

Tương tự, dịch vụ giáo dục và liên quan đến giáo dục - đào tạo (như trường, trung tâm bồi dưỡng năng khiếu, ngoại ngữ, trường tư thục mầm non và phổ thông chất lượng cao…) cũng “phất lên” mạnh mẽ - với điều kiện họ khẳng định được uy tín, chất lượng. Đi cùng với đó, những giáo viên giỏi, chịu khó đầu tư cho nghề nghiệp cũng có nhiều cơ hội tìm được việc làm tốt, thu nhập cao.

Như vậy, có thể thấy trong danh mục những ngành nghề có thể “lên ngôi” trong năm 2019 và thời gian tiếp theo, không hẳn chỉ là những ngành nghề mới, thời thượng, mà có cả một số ngành nghề khá “bình dị” và từng bị xếp vào nhóm “ế ẩm” trên thị trường lao động. Vấn đề quan trọng là chính bản thân người lao động phải có định hướng phát triển và đầu tư cho nghề nghiệp để khẳng định được vị trí của mình. Câu thành ngữ “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” cho đến giờ vẫn còn nguyên giá trị…

BẢO KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh